Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn Xây dựng cơ bản năm 2009: Tồn quá nhiều, vì sao?

Các chủ đầu tư cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong những tháng cuối năm 2009. Ảnh: Đàm Duy
 
Việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trong bối cảnh cần kích cầu đầu tư có tác động lớn đến nỗ lực chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm nay, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm bảo đảm kế hoạch.

Hứa nhưng không hoàn thành

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, mặc dù kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2008 được kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán đến ngày 31-6-2009; mặt khác, UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh, điều hòa vốn giữa các dự án trong nội bộ từng sở, ngành, quận, huyện nhưng giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2008 của các quận, huyện chỉ đạt 74%. Có những quận, huyện tỷ lệ giải ngân rất thấp như Hà Đông chỉ đạt 41%, Quốc Oai 16,1%...

Vì vậy, dù việc giải ngân phần do TP thực hiện đạt hơn 95%, nhưng tính chung toàn TP, tỷ lệ này chỉ đạt 84%. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phạm Văn Khương đánh giá, việc giải ngân vốn XDCB trong bối cảnh cần kích cầu đầu tư có tác động lớn đến nỗ lực chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội nên TP đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rất sát sao, quyết liệt. Tại cuộc giao ban XDCB quý II, tất cả quận, huyện đều hứa thực hiện đạt 100% kế hoạch giải ngân, song đáng tiếc nhiều quận, huyện đã không làm được.

Về vốn XDCB năm 2009, ông Khương cho hay, tính đến ngày 30-9, tổng cộng các nguồn lên tới 14.187 tỷ đồng. Các dự án sử dụng ngân sách TP đã thực hiện được 8.920 tỷ đồng, trong đó giải ngân được 6.600 tỷ đồng, bằng 49%. Sở Kế hoạch - Đầu tư đã 2 lần có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, song nhiều chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục giải ngân kế hoạch vốn. Chẳng hạn, Công an TP còn 8 dự án chưa giải ngân, với số vốn giao là 61 tỷ đồng. Sở Giáo dục - Đào tạo còn 25 dự án, tính đến ngày 31-8 mới giải ngân 801 triệu đồng trên kế hoạch vốn 79 tỷ đồng. Sở NN&PTNT còn 38 dự án, mới giải ngân 2,5 tỷ/128 tỷ đồng. Huyện Mỹ Đức còn 8 dự án chưa giải ngân với số vốn 45 tỷ đồng...

Phối hợp chưa tốt

Lý giải cho nguyên nhân nguồn vốn đầu tư XDCB giải ngân chậm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lưu Văn Hải nêu ví dụ, có dự án khi lấy ý kiến, địa phương chỉ cử cán bộ cấp phòng dự. Đến lúc hoàn tất thủ tục triển khai, lãnh đạo địa phương mới kiến nghị, điều chỉnh... Trong khi thủ tục điều chỉnh dự án rất phức tạp, phải mất vài tháng, nên dự án liên tục bị chậm. Hiện dân có tâm lý chờ đợi các quy định mới về đền bù GPMB, rồi cuối năm lại đợi ban hành giá đất mới... Mỗi lần thay đổi chính sách, chắc chắn kinh phí dành cho GPMB lại đội lên, chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh, lại mắc thủ tục hành chính... - ông Hải kết luận.

Ngược lại, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng nêu, chủ đầu tư hay kêu cơ quan quản lý nhưng thực ra sự chủ động phối hợp của chủ đầu tư với cơ quan quản lý cũng chưa tốt. Có chủ đầu tư lên thẳng TP báo cáo mà không gặp sở, ngành trong khi nếu liên hệ sớm với sở để được hướng dẫn thì việc đâu đến nỗi ách tắc như vậy. Cùng quan điểm này, Giám đốc Kho bạc Hà Nội Đào Thái Phúc cho biết, Kho bạc, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành để chủ động phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn XDCB. Nhưng khi tổ liên hệ với chủ đầu tư có vốn giải ngân chậm, chủ đầu tư lại bảo không "vướng" gì. Kiểm tra thực tế, không ít dự án đã có khối lượng thực hiện, chủ đầu tư vẫn không làm hồ sơ để giải ngân.

Cần chấn chỉnh sự thiếu trách nhiệm

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình, nhà thầu thi công xong rồi, dự án có khối lượng rồi mà không đẩy nhanh thủ tục giải ngân, thanh toán, hay chỉ vì vài câu chữ mà ách tắc công việc là thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm, cần phải chấn chỉnh ngay. Nếu việc giải ngân vốn XDCB vướng mắc ở thủ tục hành chính, do các sở, ngành TP phối hợp chưa tốt, đề nghị phản ánh ngay với UBND TP. Nơi giải ngân vốn chậm, TP sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình và tính điểm thi đua cuối năm. Trước ngày 10-10, các đơn vị phải báo cáo UBND TP tình hình thực hiện và cam kết giải ngân vốn XDCB năm 2009.

Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổng hợp, điều chuyển vốn từ nơi chưa giải ngân được đến nơi cần ngay. Đơn vị nào muốn bổ sung vốn, lập báo cáo để TP xem xét, song trước mắt phải giải ngân hết số vốn đã được cấp. Phải chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều cách đưa nguồn vốn đầu tư ra xã hội để phát huy hiệu quả đầu tư.

(Theo HNM)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container