Bước sang năm 2010, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng mộc tưởng chừng lạc quan hơn khi thấy thị trường từng bước hồi phục. Trong quý I- 2010, ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Đồng Nai đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2009 và là ngành công nghiệp có mức tăng trưởng đứng thứ 2, sau ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Thế nhưng sau đó, các DN lại sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Tháng 2-2010, ông Trần Văn Thành, chủ DNTN chế biến gỗ Kiến Phúc ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom phải bay ngay sang Mỹ để tìm kiếm hợp đồng mới sử dụng nguyên liệu nội địa như gỗ cao su, bởi các loại gỗ nhập khẩu tăng quá cao khiến DN không còn chịu nổi. Giám đốc Thành phân tích: "Hiện nay tôi đang phải chịu 2 lần tăng giá nguyên liệu, thứ nhất là giá gỗ nhập khẩu tăng và thứ hai hàng sản xuất, chỉ cần gỗ loại B nhưng không mua được nên phải sử dụng gỗ loại A khiến giá thành đội lên rất nhiều. Giá gỗ thông nhập khẩu loại B năm 2009 khoảng 165 USD/m3; loại A là 180 USD/m3. Nhưng hiện tại gỗ loại B không có nên DN phải mua gỗ loại A để sản xuất với giá 250 USD/m3. Như vậy, so với cuối năm 2009, giá gỗ nguyên liệu mà DN phải sử dụng đã tăng lên gần 50%". Ông Thành cũng cho biết thêm, ông vừa đàm phán với 2 khách hàng đã ký hợp đồng trong thời điểm giá gỗ nguyên liệu chưa tăng, song phía đối tác chỉ chấp nhận điều chỉnh tăng cho 3%, phần đội giá còn lại DN phải "cõng".
Một góc xưởng sản xuất của Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai. |
Nguyên nhân của giá gỗ nguyên liệu tăng, được các nhà nhập khẩu cho biết một phần do chênh lệch tỷ giá của tiền đồng Việt Nam và các ngoại tệ trong thời gian qua có nhiều biến động. Ví dụ, nguồn gỗ đang được nhiều DN trong nước nhập khẩu hiện nay là New Zealand, thì các nhà cung cấp nước này chỉ giao dịch bằng đô la New Zealand. Vì vậy, DN nhập khẩu gỗ phải mất hai lần đổi từ tiền đồng Việt Nam sang đô la Mỹ, rồi từ đô la Mỹ sang đô la nước sở tại. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Anh Nguyễn Sơn Lâm, trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico Timber), DN chuyên nhập khẩu các loại gỗ cứng ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, nói: "Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế nhiều nhà cung cấp gỗ ở châu Âu, Mỹ phải đóng cửa. Sang năm nay ngành chế biến phục hồi, vì vậy nguyên liệu gỗ hút hàng nên giá tăng lên. Đặc biệt, trong tháng 1 và 2 năm 2010, châu Âu và Nga bị nhiều trận bão tuyết khiến các đơn vịkhai thác gỗ ở nước này không thể hoạt động được. Nguồn gỗ xẻ, sấy từ khi khai thác đến lúc thành phẩm nhập về đến Việt Nam phải mất 5 tháng. Như thế, gỗ nhập khẩu sẽ còn khó khăn trong thời gian tới".
Thị trường nhập khẩu gỗ của Tavico Timber chủ yếu là Nga, châu Âu, Mỹ và New Zealand với các loại như sồi (trắng và đỏ), tần bì và dẻ gai. Theo kế hoạch, trong năm nay Tavico Timber sẽ nhập khẩu khoảng 25 ngàn mét khối gỗ các loại. Anh Lâm cũng cho hay, hiện gỗ sồi có giá tăng cao nhất 140 USD/m3 so với cuối năm 2009 (từ 390 USD/m3 lên 530 USD/m3). Được biết, khoảng 80% gỗ nguyên liệu cho các DN sản xuất trong nước hiện nay là từ nhập khẩu.
Theo nhận xét của các DN, ngành chế biến gỗ năm nay sẽ bị giảm lãi mạnh, bởi không chỉ giá gỗ nguyên liệu tăng mà nhiều chi phí khác cho sản xuất cũngtăng theo, trong khi đó giá bán sản phẩm tăng không đáng kể. Phó giám đốc Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai Nguyễn Hữu Trí chia sẻ: "DN không còn được hỗ trợ lãi suất nữa; giá điện, nước, xăng tăng; lãi suất ngân hàng cũng tăng khiến việc huy động vốn từ các cổ đông không mấy dễ dàng. Sắp tới đến đợt tăng lương, bảo hiểm cho người lao động v.v..., giá hàng xuất chỉ tăng rất ít, như vậy lợi nhuận của DN giảm mạnh là điều đương nhiên".
Hiện nay đang là mùa hàng của ngành chế biến gỗ, thế nhưng xem ra thị trường mới vừa hồi phục trở lại thì hàng loạt những khó khăn khác lại ập đến với ngành này.
(Theo Khắc Giới // Báo Đồng Nai Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com