Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đơn hàng đồ gỗ nhiều nhưng phải giảm giá bán

Chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành-Ảnh: Hồng Văn

Ba tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ ở TPHCM và khu vực miền Đông Nam bộ đã có nhiều đơn đặt hàng trở lại. Nhưng khó khăn mới mà các doanh nghiệp gặp phải là giá nguyên liệu đầu vào lại tăng trong khi giá xuất khẩu giảm nhẹ.

Không còn lo thiếu đơn hàng

Đầu năm nay, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long ở Bình Dương phải chạy vạy kiếm đơn hàng để có việc cho công nhân làm với hy vọng công nhân không bỏ việc. Tình hình nay đã khác, ông Thanh cho biết nhà máy đã có thêm nhiều đơn hàng.

Mặc dù theo lời ông Thanh là "đơn hàng đủ cho công nhân làm lai rai” nhưng các doanh nghiệp gỗ khác cho biết khá nhiều nhà máy chế biến gỗ sau một thời kỳ khó khăn vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, đã có khách hàng trở lại, nhất là khách từ thị trường Mỹ, Nhật.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, khoe đơn hàng của công ty ngày một nhiều lên và giúp doanh số xuất khẩu tăng đáng kể. Bà Thu nói rằng điều bất ngờ là thị trường Mỹ của công ty tăng trưởng khá ấn tượng, khách đặt hàng nhiều tới mức công ty phải tính toán cân đối. Nhiều đơn hàng doanh nghiệp đã phải từ chối hoặc giới thiệu cho các doanh nghiệp gỗ bạn bè.

“Mọi năm, thị trường Mỹ chỉ chiếm 15-20% kim ngạch xuất khẩu của công ty thì năm nay tăng lên gấp đôi”, bà Thu cho hay. Một số doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương, TPHCM cũng cho biết khách hàng Mỹ đặt hàng nhiều lên. Các doanh nghiệp nhận định thị trường đồ nội thất của Mỹ hồi phục dần theo tín hiệu hồi phục của nền kinh tế Mỹ và có thể các nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn của Mỹ lâu nay đặt hàng ở Trung Quốc, nay chuyển sang một phần ở Việt Nam.

Đầu ra giảm, đầu vào tăng

Gỗ nguyên liệu rục rịch tăng giá-Ảnh: Hồng Văn

Tuy nhiên, chưa kịp mừng với việc đơn hàng mới quay trở lại, các doanh nghiệp gỗ đang đối mặt với nỗi lo mới là giá đầu ra giảm còn đầu vào thì lại tăng. “Nhiều đơn hàng, nhà máy chấp nhận với khách hàng nước ngoài là muốn công nhân có việc làm và giữ chân khách hàng chứ giá họ đặt giảm khủng khiếp, có khi tới 5%”, bà Thu cho hay.

Bà Thu nói rằng có khả năng năm nay, doanh thu xuất khẩu của Trường Thành tăng bằng với mức đại hội cổ đông đề ra là 900 tỉ đồng nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trường Thành tới 35 triệu đô la Mỹ (gần 600 tỉ đồng) nhưng lợi nhuận chỉ có 8 tỉ đồng. Nhiều đơn hàng khách hàng nước ngoài đặt, sau khi thương thảo, công ty chấp nhận lợi nhuận chỉ 1-2%, thậm chí huề vốn.

Một doanh nghiệp gỗ khác cho biết bây giờ khách hàng nước ngoài trả giá, kỳ kèo “bớt một thêm hai” rất dữ. Bộ đồ gỗ chào bán 45 đô la Mỹ nhưng khách hàng trả giá 35 đô la Mỹ và sẵn sàng bỏ sang nhà máy khác. Sở dĩ có doanh nghiệp chấp nhận giảm giá mạnh vì muốn có đơn hàng cho công nhân, chấp nhận huề vốn mà không đòi hòi nhiều về lợi nhuận.

Trong khi giá đầu ra đang giảm thì giá nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công lại tăng. Chẳng hạn, ván nhân tạo loại tốt, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ trước đây chì dao động quanh mức 200 đô la Mỹ/m3 thì nay lên hơn 300 đô la Mỹ/m3. Ván nhân tạo sản xuất trong nước hiện nay phần lớn không đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, nên các nhà máy phải phụ thuộc vào ván nhân tạo nhập từ Thái Lan, Malaysia.

Sơn, ốc vít, bao bì đồ gỗ đều tăng và thậm chí lương công nhân cũng tăng đang gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp gỗ trong nước.

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container