Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành gỗ thua trên sân nhà

Trong lúc ngành gỗ vẫn đang chật vật với việc xuất khẩu sản phẩm qua thị trường thứ 3 thì sản phẩm đồ gỗ nước ngoài đã chiếm 80% thị trường nội địa

Ngành gỗ phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng trung bình 20% - 21%/năm nhưng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nước ngoài và đang... thua trên sân nhà. Đó là ý kiến đánh giá chung của nhiều diễn giả tại hội thảo “Đánh giá tác động hội nhập sau 2 năm gia nhập WTO đối với ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ” do Bộ Công Thương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sáng 28-11, tại TPHCM.

 

Chưa xây dựng được thương hiệu gỗ Việt

 

Theo đánh giá của Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), Việt Nam hiện đang dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu sản phẩm gỗ. Tuy vậy, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% còn lại phải nhập khẩu với mức giá liên tục tăng cao. Năm 2007, ngành gỗ phải nhập hơn 1 tỉ USD nguyên liệu gỗ và ván nhân tạo. Nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia... thường không ổn định, trong khi nguồn nhập từ các quốc gia khác như New Zealand, Úc, Thụy Điển, Đan Mạch... phải chịu chi phí rất cao.

 

Các chuyên gia đánh giá ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, như: phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, thiếu vốn đầu tư, khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm nghèo nàn về ý tưởng, kỹ thuật và tính ứng dụng, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu...

 

Theo ông Nguyễn Lực, Trưởng đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại TPHCM, mặc dù sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 120 quốc gia nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vẫn đang chủ yếu là bán hàng qua khâu trung gian (chiếm 90% lượng sản phẩm và nhận làm gia công theo mẫu mã thiết kế, hợp đồng của nước ngoài) nên vừa bị động, phụ thuộc vào các kênh phân phối này vừa không tạo được dấu ấn về thương hiệu “gỗ Việt” trên thị trường thế giới.

 

Hệ thống phân phối quá kém

 

Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng – Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, trong khi các DN gỗ Việt Nam mải mê xuất khẩu thì đồ gỗ ngoại đã chiếm đến 80% thị trường trong nước, mẫu mã phong phú, cách thức phân phối, tổ chức bán hàng tốt... nên dù giá cả đắt hơn hàng nội 30% - 50% vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm gỗ của Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, một số nước EU... trên thị trường Việt Nam đang dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả có xu hướng giảm theo mức thuế nên nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM, cái thua lớn nhất của ngành gỗ hiện tại là hệ thống phân phối đồ gỗ trong nước quá yếu kém. Nhiều DN xuất khẩu cũng muốn sản xuất và bán hàng ra thị trường nội địa nhưng chưa thể thực hiện. DN không thể vừa tập trung sản xuất vừa đến từng cửa hàng, đại lý tiếp thị sản phẩm và cung cấp sản phẩm kiểu “nhỏ giọt”. Làm ăn với nước ngoài, hợp đồng có thể lên đến mấy chục container nhưng trong nước, không nhà phân phối nào đặt hàng mua được một container...

 

Chất lượng tăng trưởng còn thấp

Theo ông Lê Duy Phương, Cục Chế biến - Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ NN-PTNT, ngành chế biến gỗ Việt Nam trung bình chỉ tạo ra giá trị xuất khẩu dưới 10.000 USD/công nhân/năm (trong khi tại Trung Quốc là 16.000 USD/công nhân/năm, tại Malaysia là 17.500 USD/công nhân/năm, tại Đức khoảng 70.000 USD/công nhân/năm). Tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam (chủ yếu dựa vào xuất khẩu) không hoàn toàn từ đổi mới công nghệ trong sản xuất mà chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ nước ngoài. Chỉ một số ít DN chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Hạn chế khác là số lượng và chất lượng đội ngũ công nhân chế biến gỗ Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của ngành, còn thiếu nhiều kỹ năng, trong đó chưa biết hoặc chưa được đào tạo về khả năng tận dụng thời gian thao tác, đứng máy, chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu gỗ...


(Theo NLĐO)

  • Sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ VN khẳng định thương hiệu
  • Ngành gỗ lao đao trong cơn khủng hoảng
  • Chế biến, xuất khẩu đồ gỗ gặp khó khăn
  • Nội thất gỗ - gọn mà đẹp!
  • Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: Điêu đứng vì thuế xuất khẩu tăng đột ngột
  • Hướng mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nội thất của Trung Quốc sang Trung Đông
  • Thông tin sản phẩm gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ thế giới
  • 9 tháng năm 2008, xuất khẩu đồ nội thất của Trung Quốc tăng 23,3%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container