Ông Eberhard Goetz, chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đang nói về tiềm năng và xu hướng tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường châu Âu hiện nay - Ảnh: Văn Nam |
Nhiều doanh nghiệp gỗ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí điêu đứng vì khách hàng của họ phá sản, rất nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng cho sản xuất từ quí 3-2009 trở đi, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM (Hawa).
Ông Mạnh nêu nhận định như trên tại buổi tọa đàm tìm giải pháp tháo gỡ vốn và thị trường cho ngành chế biến gỗ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hawa tổ chức sáng 16-4.
Theo ông Mạnh, phần lớn các doanh nghiệp gỗ đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, doanh nghiệp thiếu liên kết để tạo ra chuỗi cung ứng. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đang thu hẹp do khủng hoảng kinh tế, hàng hóa tồn đọng, giá cả đầu ra giảm, các đơn hàng vừa ít đi, vừa khó thực hiện.
Đại diện nhiều doanh nghiệp gỗ, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn than phiền rằng khó tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất 4% từ các ngân hàng. Hạn chế về chứng chỉ rừng cũng gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đặc biệt là sang các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc ...
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Công ty Nguyễn Gia ở Bình Phước cho biết, kể từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ đều yêu cầu có chứng chỉ rừng mới chịu nhập khẩu sản phẩm của doanh nghiệp ông.
Còn bà Nguyễn Thị Diễm, Tổng giám đốc Công ty sản xuất đồ gỗ Thiên Lộc Anh ở Đồng Nai nói rằng nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài gần đây còn yêu cầu được xem khu rừng nơi khai thác gỗ để chứng minh nguồn nguyên liệu gỗ làm ra sản phẩm, đây là điều kiện quá khó để doanh nghiệp đáp ứng.
Chứng chỉ rừng do Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council - FSC) công nhận, dùng để người sản xuất chứng minh rằng sản phẩm của mình, đặc biệt là sản phẩm gỗ được khai thác từ rừng được quản lý một cách bền vững. Điều này giúp hạn chế tình trạng rừng suy kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sống và khả năng cung cấp sản phẩm rừng cho phát triển bền vững và nhu cầu hàng ngày của người dân.
Ông Mạnh cho biết Hawa đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương xây dựng một hệ thống chứng chỉ quản lý rừng riêng của Việt Nam song song với vệc áp dụng chứng chỉ mà các nước đang áp dụng theo FSC.
Hiện cả nước có khoảng 2.530 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng 170 ngàn lao động, trong đó, 80% số lượng doanh nghiệp gỗ tập trung ở vùng duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ.
(Theo VĂN NAM - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com