Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cụm công nghiệp Hải Dương: “Vẽ” nhiều, hoàn thiện ít

CCN Nghĩa An (Ninh Giang) sau gần 5 năm triển khai đến nay phần lớn diện tích đất vẫn được người dân tận dụng trồng lúa

Những khiếm khuyết hiện hữu ở các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Hải Dương đang từng ngày gây lãng phí về quỹ đất và thiệt hại cho DN. Vấn đề đặt ra là, sau gần chục năm phát triển, tại sao “truyền thống” thiếu hạ tầng kỹ thuật tại các CCN vẫn chưa được Hải Dương khắc phục có kết quả ?

Thông thường, trước khi mời DN vào đầu tư, các địa phương phải chuẩn bị hạ tầng cơ sở sẵn sàng như đường, điện, cấp, thoát nước... Hoặc nếu cho phép DN đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN, thì chính quyền cũng cần trước tiên là phải quy hoạch cụ thể, sau đó bàn giao mặt bằng sạch cho các DN ấy. Thế nhưng, tại tỉnh Hải Dương, cả hai yêu cầu đó lại không được thực hiện, dù đất vẫn được giao "đều đều" cho nhà đầu tư và đặc biệt là hầu hết các CCN không có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, không có Ban quản lý chung.

Thiếu quản lý

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Hải Dương, đến nay, toàn tỉnh có 38 CCN được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích hơn 1.700 ha, thu hút gần 300 DN đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động mỗi năm. Diện tích bình quân mỗi CCN rộng 46, 47 ha. Nhỏ nhất là CCN Văn An I (Chí Linh) có diện tích 13,68 ha, lớn nhất là CCN Đồng Lạc (Chí Linh) 107,76 ha. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có gần 60% số CCN được "lấp" từ 50% trở lên trong tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp đã được quy hoạch. Trong khi các CCN như Cộng Hoà (Chí Linh), Nghĩa An (Ninh Giang), Kỳ Sơn (Tứ Kỳ)... đã có các dự án đầu tư đăng ký lấp đầy diện tích, các CCN Tứ Cường, Đoàn Tùng, Ngũ Hùng (Thanh Miện), Đồng Tâm (Ninh Giang), Hồng Lạc (Thanh Hà)... vẫn chưa thu hút được dự án đầu tư nào. Có những CCN được UBND tỉnh Hải Dương quy hoạch sớm - từ năm 2005 như CCN Vĩnh Hòa - Đồng Tâm (Ninh Giang). Sau gần 6 năm triển khai, CCN này vẫn trong tình trạng... “bỏ trống”. Toàn bộ diện tích 42,6 ha, đất quy hoạch dành cho CCN vẫn được nhân dân nơi đây tận dụng trồng lúa. Hơn thế, một  số CCN còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Trên lý thuyết, hầu hết các CCN ở Hải Dương đều được phê duyệt quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng... Nhưng trong số 31 CCN đã hoạt động, mới có duy nhất 1 CCN có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là CCN Ba Hàng (TP Hải Dương). Do không có ban quản lý chung, nên các DN trong CCN phải lo từ cải tạo đường, hệ thống cấp, thoát nước đến xử lý rác thải... Các DN mạnh ai nấy làm, không có mối liên hệ nào với nhau... Thời gian trước, việc quản lý các CCN được thực hiện theo Quyết định số 3194/2007/QĐ-UBND ngày 7/9/2007. Theo đó, UBND các huyện, thành phố thành lập BQL các CCN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý quỹ đất của CCN đã được quy hoạch và quản lý về các mặt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng trong và ngoài CCN theo quy định... Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không thành lập được BQL các CCN. Vì vậy, việc kiểm tra sau đầu tư và quản lý các DN hoạt động còn nhiều khó khăn. Công tác thống kê, báo cáo đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như dự án đầu tư vào CCN chưa được tập trung, thống nhất. Vì chưa có BQL nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được các hoạt động sản xuất của các DN.

DN sợ vì... lỡ dở

Trong tổng số 38 CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay, có tới trên 30 cụm không có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và do đó, hệ thống giao thông cũng như khu xử lý nước thải tập trung đều chưa được xây dựng. Thực tế này dẫn đến việc các dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN chủ yếu bám mặt đường giao thông công cộng phía ngoài và trong quá trình xây dựng nhà máy cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phát thải tiêu cực ra môi trường.

CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên (Gia Lộc) được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2007, với tổng diện tích 69,30 ha, hiện lấp đầy khoảng 65,2%, với 30 dự án đã được cấp phép đầu tư và hầu hết đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, những DN này vẫn trong tình trạng không có người quản lý chung, mạnh ai nấy làm. Anh Đàm Văn Hạnh - GĐ  Cty TNHH Tân Trung Đức cho biết : “Do không có ban quản lý (BQL) chung, nên các DN ở đây phải tự lo mọi việc từ cải tạo đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước đến xử lý rác thải... CCN không có hệ thống cơ sở hạ tầng chung như đường giao thông, điện, nước hoặc khu xử lý nước thải, rác thải...”.

Những bất cập, hạn chế tại các CCN của Hải Dương đang gây ra thiệt thòi cho mỗi DN muốn xây dựng dự án trong CCN ấy. Đáng nói là, tình trạng ấy đã kéo dài từ rất lâu, nhưng lại chưa được khắc phục, nếu không nói là ngày càng trầm trọng hơn. Đến nay Hải Dương đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển hàng chục CCN trên địa bàn tỉnh. Nhưng thành tích hoàn chỉnh quy hoạch ấy lại là hạn chế trong việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở cho các nhà đầu tư. Vấn đề là ở chỗ, quy hoạch để làm gì, nếu năng lực hoàn chỉnh hạ tầng không được nâng cao và đẩy cả nhà đầu tư lẫn người dân vào tình thế thiệt hại, mâu thuẫn với nhau.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container