Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ II)

Trong những năm gần đây, việc hàng loạt cụm công nghiệp (CCN) ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gặp nhiều khó khăn khi triển khai đã đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong quy hoạch, quản lý...
 
Kỳ II: Các CCN sẽ đi về đâu?

Doanh nghiệp chưa mặn mà với CCN

Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, trình độ công nghệ trong các CCN đang ở mức trung bình, do phần lớn các DN đều ở diện di dời từ trong nội thành ra, máy móc, thiết bị sản xuất đều đã cũ.

Ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết, 45 CCN của tỉnh đều đã có nhà đầu tư hạ tầng, song công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng còn chậm, nên hiện chỉ có 13 CCN có DN đăng ký thuê đất, với tổng diện tích 1.141,4 ha.

Theo ông Phan Thành Phi, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp Long An (LAIZA), hiện toàn tỉnh có 20 khu công nghiệp tập trung, với diện tích hơn 7.645 ha, chưa có khu công nghiệp nào lấp đầy, nên ở 45 CCN, phần lớn đất đai còn bỏ hoang cũng là điều dễ hiểu.

Ông Trịnh Văn Hải, chủ đầu tư CCN Nhựa Hải Sơn (Đức Hòa - Long An) cho rằng, với quy định chỉ thành lập CCN khi có khả năng đạt tỷ lệ lắp đầy không thấp hơn 30% trong vòng một năm sau khi thành lập, thì nhà đầu tư cần chủ động mời gọi DN, song song với quá trình thành lập CCN. "Việc xác định "bản sắc" của CCN cũng rất quan trọng. Kinh nghiệm của chúng tôi là thu hút những DN cùng một nhóm ngành để thuận lợi trong quá trình hoạt động", ông Hải nói.

Cần thêm ưu đãi cho nhà đầu tư

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đối với các CCN tại tỉnh này đang bị vướng mắc về giải phóng mặt bằng như Đồng Thẩy, An Ngãi..., Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xem xét để tháo gỡ, giải quyết "Ngược lại, Sở Công thương sẽ đề nghị UBND tỉnh hủy chủ trương đầu tư hoặc rút giấy chứng nhận đầu tư với các CCN chậm triển khai. Đối với các dự án đã được giao chủ trương trên 12 tháng, Sở sẽ đề nghị chủ đầu tư phải hoàn thành ngay quy hoạch chi tiết và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư", bà Hường nói.

Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, vấn đề cốt lõi tại các CCN hiện nay là giải phóng mặt bằng, di dời dân cư, xây dựng hạ tầng... Có như vậy mới đảm bảo các CCN không biến thành "làng nghề" và thu hút được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến. Để hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng và DN đầu tư sản xuất - kinh doanh trong CCN, Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất UBND Thành phố cho thực hiện một số ưu đãi như miễn 2 năm thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế thu nhập DN cho 3 năm tiếp theo, hỗ trợ lãi vay cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng trong giải phóng mặt bằng...

"Bí quá"ù thì xin chuyển thành... khu dân cư!

Ông Trần Văn Phụng, Giám đốc Công ty Muối miền Nam giải thích nguyên nhân xin chuyển đổi khu đất của Xí nghiệp Muối Iốt số 5 tại CCN Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) để xây chung cư là do CCN này đến nay, vẫn chưa có quy hoạch chi tiết toàn cụm, không có chủ đầu tư hạ tầng, thiếu cơ sở xử lý nước thải và đã có nhiều hộ dân xây nhà sống xen kẽ trong CCN.

Theo ông Phụng, nên chuyển CCN này thành khu dân cư để không lãng phí đất và di dời các nhà máy vào CCN khác để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Được biết, UBND quận Thủ Đức đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị xóa bỏ quy hoạch CCN Hiệp Bình Phước. Ngoài Công ty Muối miền Nam, một số DN  trong CCN này như CTCP Kinh Đô, CTCP Sản xuất -  Thương mại - Xuất nhập khẩu Như Ngọc, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng An Hòa... cũng đã xin chuyển các nhà xưởng thành... chung cư cao tầng.

UBND quận 8 cũng đang xem xét, đề nghị điều chỉnh quy họach từ CCN Bình Đăng (do chưa có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng) sang mục đích thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và chỉ khuyến khích giữ lại DN công nghiệp không gây ô nhiễm.

... hoặc "lên đời" thành khu công nghiệp

Theo ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), mô hình CCN là do những đặc thù của nền công nghiệp Việt Nam sơ khai còn nhiều manh mún, tự phát và cũng là hệ quả của việc quy hoạch công nghiệp không đồng bộ.

Cũng theo ông Long, những CCN nào đủ tiêu chuẩn nên được khuyến khích chuyển đổi và kiến nghị Chính phủ đưa vào quy họach KCN.

Ông Phi nhận xét, việc quản lý các CCN là vấn đề hết sức nan giải. Hiện nay, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan đại diện cho UBND trong việc quản lý các CCN, nhưng trên thực tế, Sở này chỉ làm công tác tham mưu, vì không có đầy đủ quyền hạn và chức năng giải quyết các vấn đề của CCN.

"Chẳng hạn về đất đai, môi trường phải chờ ý kiến từ Sở Tài nguyên - Môi trường; quản lý lao động là trách nhiệm của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội... Trong năm 2010, LAIZA sẽ hỗ trợ 3 CCN của Long An chuyển đổi thành khu công nghiệp", ông Phi cho biết.

(Theo Quang Duy // Báo đầu tư)

  • Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ I)
  • Khởi công xây dựng nhà máy tách khí 110 tấn/ngày
  • "Các vùng kinh tế trọng điểm tạo sức lan tỏa lớn"
  • Thương phẩm đầu tiên của nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ
  • Bắc Kạn: Mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình
  • Mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình
  • Kinh tế nhóm G7 sẽ phục hồi chậm trong năm 2010
  • Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ): Lấn cấn chuyện nước sạch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container