Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đìu hiu khu kinh tế cửa khẩu: Tiền tỉ phơi nắng

 

Hàng ngàn tỉ đồng vốn ngân sách đã được đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) những năm qua với quy mô lên đến hàng trăm ngàn hecta. Thế nhưng, phần lớn KKTCK đều trong tình trạng đìu hiu, trung tâm thương mại, nhà xưởng xây xong “đắp chiếu”...


Hàng ngoại tràn ngập các siêu thị miễn thuế ở khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) - Ảnh: Đ.Vịnh

Tại các KKTCK Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình (An Giang), Bờ Y (Kon Tum)... hoạt động thu hút đầu tư đang trong tình trạng gần như đóng băng.

Bỏ hoang...

Có mặt tại KKTCK Mộc Bài vào một ngày cuối tháng 9-2011, không ai có thể tìm thấy bóng dáng của đô thị loại II hay khu công nghiệp, khu thương mại phi thuế quan nhộn nhịp như những người làm quy hoạch vạch ra trên giấy từ bao năm qua. Những gì nơi đây đang có chỉ là khu chợ đường biên và một số siêu thị bán hàng miễn thuế. Các hạng mục về du lịch, thương mại khác vẫn là những khoảng đất trống mênh mông, cỏ mọc um tùm.

70.000ha đất chỉ có 190 lao động

Được thành lập từ tháng 2-2007 nhưng theo ông Nguyễn Trọng Hảo, trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Kon Tum, đến nay số doanh nghiệp đăng ký đầu tư mới tại KKTCK Bờ Y chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo quy hoạch, đến năm 2025 khu kinh tế này sẽ có tổng diện tích 70.438ha với tổ hợp các khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, khu du lịch sinh thái và điểm nhấn sẽ là một đô thị loại II. Để kịp tiến độ, từ nay đến năm 2015 cần tới 80.000 tỉ đồng! Đáng lưu ý, hiện nay nơi này mới chỉ giải quyết việc làm cho 190 lao động, doanh thu hằng năm vỏn vẹn 6,5 tỉ đồng.

 

Tại khu siêu thị bán hàng miễn thuế, nơi “làm mồi” cho các hạng mục đầu tư khác, cảnh tượng cũng đìu hiu. Khu trung tâm thương mại Hiệp Thành được xây dựng bề thế, hiện đại, nhưng nhiều gian hàng tại khu này đóng cửa im ỉm. Các dãy ghế cho khách mua sắm ngồi nghỉ ngơi, cửa kính tại các gian hàng để bụi bám dày. Dọc hai bên hành lang chính trong khu thương mại, mỗi bên có vài chục cửa hàng nhưng chỉ mười cửa hàng mở cửa.

Đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ HP cho biết phải bán gian hàng, hoặc tìm người cho thuê lại vì doanh số không đủ bù chi phí, các gian bên cạnh cũng rao bán khiến tình trạng kinh doanh ảm đạm, khách hàng càng thưa thớt. Tại các siêu thị cũng chỉ lác đác vài khách hàng mua sắm là người VN và chuyển ngược hàng vào nội địa.

Tương tự, KKTCK Thường Phước (Đồng Tháp) quy mô 202ha hiện mới là trảng cát trống không. Các nơi quy hoạch làm khu bảo thuế, khu thương mại dịch vụ và các phân khu chức năng khác đang làm dở dang, nhiều chỗ hiện vẫn chưa giải phóng, san lấp xong mặt bằng.

Phía dưới cửa khẩu là khu phố chợ bề thế hoàn thành từ năm 2004 nhưng hiện gần như bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân, nói: “Hơn 1.000 hộ bị giải tỏa đất đai, nhà cửa nhưng chỉ để thả bò dê, phơi lúa...”.

Tại các KKTCK ở An Giang như: Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, hay tại KKTCK Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang), Bờ Y (Kon Tum)... tình trạng hàng ngàn hecta đất quy hoạch cho các hạng mục thương mại dịch vụ, công nghiệp...cũng đang bỏ hoang.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn - phó giám đốc Trung tâm Đầu tư & khai thác hạ tầng khu kinh tế Đồng Tháp - cho biết tới nay vốn trung ương đầu tư cho KKTCK Dinh Bà và Thường Phước trên 100 tỉ đồng, trong khi chi phí bồi hoàn, tái định cư ở Thường Phước đã ngốn hết 50 tỉ đồng. “Ngân sách tỉnh eo hẹp nên tiến độ xây dựng các KKTCK bị chậm lại, từ đó chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư” - ông Đoàn nói.

Khu trung tâm thương mại Hiệp Thành (Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng hiện nhiều gian hàng đang đóng cửa - Ảnh: Bạch Hoàn

Nơi tiêu thụ hàng ngoại

Theo ông Dương Thành Vấn, trưởng phòng phụ trách đầu tư tại KKTCK Mộc Bài, tại Mộc Bài hiện nay có bốn siêu thị lớn, trung tâm thương mại và hơn 30 cửa hàng bán hàng miễn thuế đang hoạt động. Dù siêu thị lớn, trung tâm thương mại bề thế... nhưng hiệu quả của khu phi thuế quan này lại không được như mong muốn.

“Mục đích thành lập khu bán hàng miễn thuế là để tạo sự hấp dẫn, lôi kéo nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Khi sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đã có ngay thị trường tiêu thụ kế bên được miễn thuế. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng biến nơi này thành một chợ đầu mối khổng lồ, tập hợp hàng sản xuất nội địa, xuất khẩu tại chỗ qua Campuchia” - ông Vấn cho biết.

Đã chi hơn 4.000 tỉ đồng...

Theo Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch - đầu tư), hiện cả nước có 28 KKTCK thuộc 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới. Từ năm 2004 đến nay, tổng số vốn ngân sách dành cho đầu tư và duy trì hoạt động của các KKTCK khoảng hơn 4.000 tỉ đồng. Và hiện mỗi năm ngân sách dành cho hoạt động của các KKTCK khoảng 700-800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ghi nhận tại các siêu thị miễn thuế ở Mộc Bài cho thấy khu vực này đang là nơi tập kết hàng tiêu dùng xa xỉ. Các siêu thị, cửa hàng chủ yếu bán hóa mỹ phẩm cao cấp, rượu ngoại đắt tiền, đồ điện tử, bánh kẹo... nhập khẩu.

Thậm chí ngay cả khăn giấy vệ sinh cũng có hàng ngoại nhập. Các mặt hàng được nhập về từ Pháp, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Hàng Việt chỉ xuất hiện thưa thớt. Tại các trung tâm thương mại chỉ có vài ba quầy hàng bán áo quần và phần lớn là hàng không có thương hiệu, chất lượng kém, thiết kế cũ kỹ...

Lý giải về thực trạng này, ông Vấn cho rằng do người dân có tâm lý chuộng hàng ngoại nhập. Hơn nữa, doanh nghiệp chọn kinh doanh những mặt hàng nhập khẩu để được miễn tới 2-3 thứ thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy chênh lệch giá giữa hàng miễn thuế và hàng ngoài thị trường sẽ xa nhau và đây là lợi thế để tăng doanh số. Trong khi đó, hàng sản xuất trong nước chỉ miễn được 10% thuế giá trị gia tăng.

Đáng lưu ý, đây không phải hiện tượng chỉ có ở Mộc Bài mà tại KKTCK Tịnh Biên (An Giang), các siêu thị miễn thuế cũng bày bán phần lớn hàng có xuất xứ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia...

Nhà đầu tư hờ hững

Theo quy hoạch đã được điều chỉnh, KKTCK Mộc Bài có tổng diện tích lên đến 21.284ha. Tại đây có 1.003ha đất dành cho khu thương mại, dịch vụ phi thuế quan, khu công nghiệp 633ha, thương mại dịch vụ và sân golf 370ha, 7.400ha cho khu đô thị, khu du lịch sinh thái khoảng 600ha... Trong khi đó, ông Dương Thành Vấn cho biết trong tổng số 46 dự án đã đăng ký đầu tư vào Mộc Bài (tổng vốn khoảng 6.200 tỉ đồng và 219,25 triệu USD) chỉ có 16 dự án đi vào hoạt động, hầu hết đều hoạt động thương mại, dịch vụ trong khu bán hàng miễn thuế.

Mặc dù đã đi vào hoạt động được khoảng mười năm nhưng ông Dương Thành Vấn thừa nhận đến nay Mộc Bài vẫn chưa có hiệu quả kinh tế và đóng góp cho ngân sách địa phương gần như không đáng kể. “Dự án hoạt động còn ít, chưa kể có nhiều ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư và hiện đang trong thời gian được hưởng ưu đãi” - ông Vấn cho hay.

Tại An Giang, từ năm 2007 tỉnh này đã chi 200 tỉ đồng xây dựng khu thương mại cửa khẩu có diện tích 11ha. Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, với chính sách bán hàng miễn thuế, hiện khu thương mại chỉ thu hút được 74 doanh nghiệp đăng ký vào kinh doanh. Ở các lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp không hào hứng vì tương lai quá mù mịt. “Khu vực biên giới vốn đã heo hút, ít tiêu thụ. Đầu ra ở thị trường Campuchia cũng chưa thật sự lớn, sức mua yếu. Chưa kể nguồn nhân lực địa phương vẫn chưa có nghề”, một doanh nghiệp ban đầu dự tính mở nhà máy sản xuất hàng nhựa ở Tịnh Biên phân trần.

Còn tại KKTCK Bờ Y, ông Nguyễn Trọng Hảo - trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Kon Tum - thừa nhận có tình trạng không chỉ kém thu hút với nhà đầu tư mới mà ngay cả những nhà đầu tư đã đăng ký cũng đang ngập ngừng giữa làm tiếp hay rút lui.

B.HOÀN - Đ.VỊNH - T.B.DŨNG
---------------------------------------------------------------------

 

 

 

Đìu hiu khu kinh tế cửa khẩu - Kỳ cuối: Sẽ rà soát toàn bộ

TT - Trong 28 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) đã ra đời, hiện chỉ có vài nơi như Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn)... hoạt động tương đối hiệu quả.

Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần rà soát lại các KKTCK, trước mắt chỉ tập trung cho những nơi có tiềm năng phát triển thật sự.

Nhà lồng chợ và những dãy phố ở khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) từ năm 2004 tới nay luôn đóng cửa im ỉm, mặt sân biến thành nơi phơi lúa - Ảnh: Đức Vịnh


Theo quy hoạch phát triển KKTCK đến năm 2015, chỉ thành lập 27 KKTCK. Thế nhưng, việc phát triển các KKTCK đã bị “vỡ kế hoạch”, bởi hiện nay có tới 28 KKTCK được “khai sinh”.

Không như kỳ vọng

Lý giải điều này, ông Lưu Quang Khánh, vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cho rằng không phải phá vỡ quy hoạch của Chính phủ mà chỉ là đi trước một chút. Một vài địa phương do cần có điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nên phải thành lập KKTCK. “Thậm chí, nếu phía ta chưa mở thì nước bạn cũng đề nghị nên bắt buộc phải làm” - ông Khánh cho hay.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là số lượng vượt quy hoạch nhưng hoạt động thực tế mới chỉ đạt được một phần nhỏ của quy hoạch. Cụ thể năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK được lên “kế hoạch” là 13,5-14 tỉ USD, nhưng con số trên thực tế chỉ đạt 5,44 tỉ USD. Và theo Tổng cục Hải quan, hiện xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới vẫn chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch. Đó là chưa kể hàng xuất nhập khẩu từ những vùng kinh tế khác vận chuyển đến. Hàng tại các khu công nghiệp nằm trong KKTCK chiếm tỉ lệ không nhiều.

Cơ quan phụ trách chiến lược phát triển các KKTCK là Vụ Kinh tế dịch vụ cũng thừa nhận thực trạng hoạt động còn ảm đạm của các KKTCK. Hiện chỉ có các KKTCK ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Đây là những khu kinh tế có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Vì vậy điều kiện để một KKTCK trở nên sôi động còn phụ thuộc vào phía bên kia biên giới. Với các KKTCK chậm phát triển, không thu hút được đầu tư, ông Khánh cho rằng các khu này chủ yếu nằm ở biên giới với Lào và Campuchia. Lý do là kinh tế hai nước bạn chưa phát triển, trao đổi thương mại ít. “Nhưng nếu không xây dựng ở thời điểm hiện nay, chuẩn bị sẵn và đón đầu thì tiềm năng, hiệu quả kỳ vọng trong tương lai sẽ không được khai thác” - ông Khánh nói.

Nên dừng thành lập mới

PGS-TS Võ Đại Lược (Viện Khoa học xã hội - thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư) cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng phát triển ồ ạt của các KKTCK. “Tôi đã đến một KKTCK rộng hơn 20.000ha nhưng thấy ở đó hầu như không có hoạt động gì. Quy hoạch đủ các ngành. Công nghệ thì lạc hậu”, ông Lược nói. Theo nhìn nhận của ông, việc phát triển ồ ạt như hiện nay, những nơi chưa cần thiết cũng đầu tư xây dựng là hoàn toàn sai lầm, rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Do đó cần phải rà soát lại các KKTCK, trước mắt phải dừng thành lập mới. Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng không chỉ hàng ngàn tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư không hiệu quả, mà lãng phí lớn hơn là hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp bị lấy đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang. Nhiều địa phương vì lợi ích cục bộ, đề xuất quy hoạch các KKTCK quá lớn.

Trước thực trạng hiện nay, ông Lưu Quang Khánh cho biết Vụ Kinh tế dịch vụ đang tiến hành rà soát lại hoạt động của các KKTCK. Trên cơ sở nắm được khu nào hoạt động hiệu quả, khu nào chưa hiệu quả, các nguyên nhân tác động tới việc thu hút đầu tư và hoạt động của khu thương mại trong KKTCK, cơ quan này sẽ có báo cáo tổng hợp lên Bộ Kế hoạch - đầu tư, đề xuất hướng điều chỉnh phù hợp.

BẠCH HOÀN

“Chúng ta đang đầu tư lãng phí”

Ông Nguyễn Mại - Ảnh: C.V.K.

Trước tình trạng “lạm phát khu kinh tế cửa khẩu”, tiền tỉ “phơi nắng”, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS. TS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, phân tích:

- Các KKTCK mọc lên khắp nơi nhưng vắng lặng, hiệu quả thấp chỉ là một trong những vấn đề của tình trạng đầu tư, nhất là việc thành lập các khu kinh tế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Chúng ta đã có trên 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế, cả chục KKTCK nhưng tỉ lệ lấp đầy không cao, vẫn còn hàng vạn hecta đất chưa có người đầu tư. Trong khi đó, còn nhiều địa phương muốn mở thêm các khu công nghiệp mới, chúng ta lại sắp cấp phép cho ba khu kinh tế nữa...

* Thực tế rất nhiều KKTCK đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng bao năm qua vẫn không đạt mục tiêu phát triển kinh tế khu vực, tăng xuất khẩu, thưa ông?

- Tôi từng nhiều lần phát biểu về tình trạng đầu tư theo phong trào. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, KKTCK cũng là một dạng đó. Chúng ta đang có nền kinh tế của 63 tỉnh, thành chứ không có nền kinh tế vùng cũng như tổng thể nền kinh tế quốc gia. Vì từ khi phân cấp, các tỉnh chạy đua rầm rộ, đâu cũng muốn xây sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, rồi có biên giới thì có KKTCK. Lập ra các khu kinh tế không khó, nhưng tạo “phần mềm” thế nào để thu hút được đầu tư, quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra của các khu kinh tế mới khó. Chúng ta đang đầu tư khá lãng phí, trong khi đó ngay khu kinh tế đầu tiên là Chu Lai giờ nhìn lại cũng chưa đạt được mục tiêu ban đầu.

* Có rất nhiều KKTCK đang tồn tại phập phù, gây lãng phí. Cần giải quyết bài toán này thế nào?

- Các KKTCK và khu kinh tế nói chung vắng lặng không chỉ gây lãng phí lớn về đất đai, nguồn lực mà còn có thể gây tác động lâu dài. Các khu công nghiệp chiếm vài trăm hecta, khu kinh tế thì chiếm tới 15.000-20.000ha, KKTCK cũng chiếm dụng diện tích rất lớn. Nếu không giải quyết, cứ để tình trạng phập phù như thế, tiền tiếp tục đổ vào đây sẽ tác động xấu đến lạm phát vì hiệu quả thấp. Nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành rà soát lại, dự án nào hoạt động không hiệu quả thì bãi bỏ, dự án nào cấp đất mà chưa hoạt động thì thu hồi. Tôi cũng cho rằng cần có biện pháp dứt khoát. Tuy nhiên, để giải quyết một cách tổng thể, cần có định hướng lại về đầu tư nước ngoài cũng như chiến lược chung của đất nước.

Chúng ta cần xác định phải có một nền kinh tế quốc gia, nghĩa là trong đó có những điểm nhấn lớn chứ không phải tỉnh nào cũng làm. Trăm hoa đua nở, rất khó có hiệu quả với số lượng lớn như thế.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

 

( Theo Tuổi Trẻ)

  • KCX Tân Thuận chỉ thu hút công nghệ cao
  • Khu kinh tế biển trong tư duy đột phá chiến lược
  • Đầu tư mở rộng cảng gắn bảo vệ môi trường biển
  • Các khu kinh tế - Quy mô lớn, hiệu quả nhỏ
  • Cụm công nghiệp Hải Dương: “Vẽ” nhiều, hoàn thiện ít
  • Nhà máy đạm Cà Mau sắp có sản phẩm đầu tiên
  • Quản lý vốn tại KCX - KCN: Nhiều lỗ hổng
  • 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container