Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Huyện công nghiệp đầu tiên ở ĐBSCL

Năm 2010, huyện Bến Lức (một trong 14 huyện, thành phố của tỉnh Long An) đã đóng góp 27% vào tổng GDP của tỉnh này. Đặc biệt, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP của huyện chỉ còn 5%, giá trị công nghiệp chiếm 78%, thương mại dịch vụ - 17% GDP.

Nếu quan niệm khi giá trị sản xuất nông nghiệp 1 địa phương chiếm chưa tới 5% GDP thì địa phương đó trở thành “công nghiệp hóa”, thì Bến Lức đang trở thành huyện công nghiệp đầu tiên của tỉnh Long An và cả vùng ĐBSCL.

Tận dụng lợi thế

Hiếm có địa phương nào trên cả nước có được lợi thế cho phát triển kinh tế như huyện Bến Lức. Nằm sát nách trung tâm kính tế lớn nhất nước TPHCM, thị trấn Bến Lức chỉ cách trung tâm TPHCM hơn 20km, lại là cửa ngõ từ TPHCM đi về vùng đồng bằng trù phú miền Tây. QL1A, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và tuyến đường quốc gia N2 chạy ngang qua, sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc suốt chiều dài của huyện... Năm 2011 này sẽ có thêm tuyến đường Bến Lức – Long Thành nối miền Đông với miền Tây mà Bến Lức là điểm nút. Đất đai ở Bến Lức thuộc loại màu mỡ, có thể trồng nhiều loại nông sản như lúa, thơm, mía, hoa màu...

So với các huyện giáp ranh TPHCM của Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh thì huyện Bến Lức có nhiều lợi thế hơn. Thế nhưng suốt thời gian dài Bến Lức chỉ biết nhìn các địa phương bạn phát triển công nghiệp, còn mình thì không. Mãi tới cách đây hơn 10 năm, địa phương này mới bừng tỉnh, chuyển mình mạnh mẽ để phát triển công nghiệp. Hiện ở Bến Lức có những nhà máy lớn với số lượng hàng chục ngàn công nhân, như Cty TNHH May Ching Luh (25 ngàn công nhân). Chỉ trong vòng 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của huyện Bến Lức tăng 5,5 lần, đạt 48 triệu đồng/năm vào năm 2010.

Đại công trường

Thế nhưng, giai đoạn 2010 – 2015 mới là lúc huyện Bến Lức phát triển mạnh mẽ nhất khi các dự án lớn, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) đồng loạt đi vào hoạt động. Không khó để nhìn thấy trước, khi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2015 kết thúc, huyện Bến Lức sẽ lột xác như thế nào. Hiện đã có 14 dự án K,CCN với diện tích gần 1.200ha được cấp phép trên địa bàn huyện, nhưng mới chỉ có gần 30% triển khai xây dựng. Khi các dự án này đồng loạt triển khai trong một vài năm tới, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, sẽ tạo nên cuộc bức phá lớn ở Bến Lức.

Các dự án khu đô thị cao cấp, du lịch sinh thái cũng đã được ưu tiên dành hàng ngàn hécta đất. Vừa qua, các nhà đầu tư trên cả nước và giới kinh doanh du lịch – giải trí châu Á bỗng xôn xao khi Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép dự án khu du lịch – giải trí Happy Land lớn nhất Đông Nam Á tại huyện Bến Lức. Một khi dự án trị giá 2 tỉ USD này hoàn thành, đi vào hoạt động trong 4 - 5 năm tới, cả một đoạn sông Vàm Cỏ Đông phía thượng nguồn cầu Bến Lức sẽ là nơi tìm đến nghỉ ngơi, giải trí của cả thế giới.

Những ngày này đi trên huyện Bến Lức, đâu đâu cũng thấy cảnh san lấp mặt bằng, xây dựng, như thể cả huyện đang là đại công trường. Con đường từ thị trấn Bến Lức đi về KCN Long Cang – Long Định vừa xây dựng hoàn tất, làm cho cảnh xây dựng ở KCN Thuận Đạo, cảng Bourbon như thêm sôi động. Phía bên kia sông Vàm Cỏ Đông, KCN Nhựt Chánh cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy. Rồi KCN Thạnh Đức, các K,CCN dọc sông Vàm Cỏ Đông thuộc các xã Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Lợi cũng đang mọc lên bao nhà máy mới. Dọc theo QL1A qua huyện Bến Lức bây giờ không còn khoảng ruộng trống nào, thay thế vào đó là hàng loạt các dự án xây dựng công nghiệp, các dự án đô thị cao cấp... Đi trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương ngang qua sông Vàm Cỏ Đông, du khách nhìn thấy trên bờ Nam dòng sông vẫn còn cảnh ruộng vườn hoang sơ. Thế nhưng, nơi đây đất đai đang sôi lên từng ngày khi dự án tỉ đô Happy Land đang bắt đầu khởi động.

Phát triển bền vững

Bến Lức phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa là điều không còn gì phải bàn cãi. Vấn đề là việc phát triển đó phải bảo đảm tính bền vững, phải giữ cho vùng đất này “hồn vía” của vùng sông nước miền Tây hiền hòa, thân thiện với thiên nhiên. Đã có nhiều ý kiến cảnh báo, nhiều công trình nghiên cứu về nguy cơ phát triển công nghiệp nóng ở Bến Lức sẽ “giết chết” dòng sông huyền thoại Vàm Cỏ Đông. Đã có hàng chục ngàn công nhân nhập cư vào Bến Lức, con số này sẽ lên đến hàng trăm ngàn trong những năm tới. Nếu không có những biện pháp về an sinh, xã hội, chăm sóc cho người lao động một cách căn cơ, bài bản, chính sự phát triển sẽ làm rối loạn xã hội nơi đây, để lại hậu quả khôn lường. Hàng ngàn hécta đất nông nghiệp đã và sẽ bị mất, theo đó là hàng chục ngàn nông dân mất đất, mất phương tiện sản xuất, nhiều người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đó cũng là thử thách đặt ra cho “huyện công nghiệp” đầu tiên của đồng bằng này.

Tất cả những thách thức đó đang được những người có trách nhiệm ở tỉnh Long An và huyện Bến Lức đặt ra và tìm cách giải quyết. Gương phát triển của Bến Lức sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương còn lại của Long An và cả đồng bằng. Vì vậy mà Bến Lức không chỉ phát triển cho riêng mình. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức – ông Nguyễn Thành Thanh – tự tin nói: “Huyện Bến Lức đang tập trung khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 người dân có mức thu nhập bình quân 130 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 6.000USD)...”.

(Báo Lao Động)

  • Bước chuyển mới ở KCN Ðiện Nam - Ðiện Ngọc
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Khánh thành, mở rộng và... băn khoăn!
  • Phát triển các khu công nghiệp: Không thể bỏ qua những mặt trái
  • Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất màn hình Iphone, Ipad
  • Các khu công nghiệp Hà Nội: Lương thấp, lao động không mặn mà
  • Phát triển khu công nghiệp: Động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế
  • Khu công nghiệp, khu chế xuất: Đề xuất tăng cường quản lý lao động
  • Trái tim Dung Quất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container