Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Khánh thành, mở rộng và... băn khoăn!

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được khánh thành và dự kiến mở rộng quy mô trong thời gian tới, giữa lúc những băn khoăn về hiệu quả còn nguyên đó.

Đã hoạt động ổn định

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Getty

Theo thông tin mới nhất từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ diễn ra vào ngày 6/1/2011, tức khoảng 2 tuần nữa, khi nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định.

Với hơn 86% đại biểu có mặt tán thành, kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thông qua nghị quyết về dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Theo nghị quyết, Quốc hội "ghi nhận dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành thương mại", cũng như "những kết quả bước đầu đạt được, những bài học thành công và chưa thành công".

Tuy rằng, trong quá trình thảo luận, đã có 11 đại biểu không đồng ý ra nghị quyết tại kỳ họp này với lý do một số hạng mục công trình chưa hoàn thành, chưa quyết toán xong và nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được sáu tháng, cần có thêm thời gian hợp lý thì mới đủ điều kiện đánh giá đầy đủ, chính xác hiệu quả kinh tế của dự án.

Hơn nữa, công tác quyết toán dự án chưa được kiểm toán, báo cáo chính thức, công tác tái định cư chưa được thực hiện đúng theo kế hoạch. Hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường, tác động của nhà máy đối với kinh tế khu vực miền Trung, về thời điểm thu hồi vốn, về hiệu suất sinh lời, về khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ của nhà máy… cũng đã được yêu cầu làm rõ hơn trước khi ra nghị quyết.

Theo Petro Vietnam, sau gần hai năm đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tiếp nhận 94 lô dầu thô từ mỏ Bạch Hổ (Vũng Tàu), với khoảng 7,6 triệu tấn; nhập khẩu sáu chuyến dầu thô từ nước ngoài, khoảng 400.000 tấn.

Tính đến đầu tháng 12, nhà máy đã chế biến 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán khoảng hơn 6,66 triệu tấn xăng, dầu các loại. Năm 2010, ước tính doanh thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 53.800 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10.430 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, nhà máy đạt doanh thu 73.000 tỷ đồng.

Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành ở công suất 105%, cao hơn công suất cực đại 100% khoảng 1.000 tấn một ngày. Trung bình mỗi ngày, nhà máy chế biến khoảng 18.000 tấn sản phẩm xăng, dầu các loại để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Mở rộng và những băn khoăn

Thông tin đáng chú ý nhất và có thể sẽ được công bố trong lễ khánh thành là việc Petro Vietnam đang thuê nhà thầu JGC của Nhật Bản nghiên cứu khả thi chi tiết phương án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn một năm.

Mục tiêu của kế hoạch này là đến năm 2015, dự án mở rộng nhà máy sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành sản xuất.

Trong khi vấn đề hiệu quả kinh tế của "giai đoạn 1" vẫn đang gây tranh cãi, việc chuẩn bị cho "giai đoạn 2" chắc chắn sẽ ghi nhận những băn khoăn mới.

Thực tế cho thấy, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã bị chậm tiến độ đến 9 năm so với nghị quyết xác định triển khai vào năm 1997 của Quốc hội, theo đó mức vốn đầu tư vào dự án đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên đến 3,05 tỷ USD. Trong khi đó, Petro Vietnam vẫn tự tin đánh giá cao hiệu quả kinh doanh trong tương lai của nhà máy.

Trong bối cảnh kinh doanh nói chung đang có xu hướng giảm lợi nhuận do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, việc một dự án như vậy có thể giữ nguyên các mức tính toán ban đầu là bài toán khó thực sự. "Chỉ tính riêng con số lãi ngân hàng mà nhà máy phải trả sau khi đi vào hoạt động chính thức, tính trên tổng vốn vay đã khá lớn. Chỉ riêng việc trả lãi vay vốn đầu tư thôi hoạt động kinh doanh của nhà máy cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng, chưa kể các khoản chi phí khác như vận hành, bảo dưỡng, trượt giá quy đổi tiền tệ...”, một chuyên gia tư vấn nhận xét.

Vốn đầu tư cho "giai đoạn 2" sẽ lấy từ đâu? Cơ sở nào cho việc tiếp tục đầu tư mở rộng? Câu chuyện tiến độ có được cải thiện sau quá nhiều bài học của "giai đoạn 1"? Quốc hội có dễ dàng thông qua kế hoạch mới khi mà các tiếng nói phản biện đã "chất lượng" hơn nhiều so với thời điểm hơn mười năm trước?... Đó là những câu hỏi mà chính Petro Vietnam sẽ phải dụng công để trả lời.

Việc rà soát lại hiệu quả dự án trong giai đoạn 1, xem ra cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh giai đoạn 2 đang được chuẩn bị triển khai. Để có thể thuyết phục được công luận, việc đó cần được thực hiện bởi những tổ chức tư vấn, giám định tài chính độc lập, và đó chắc chắn là một lựa chọn không dễ dàng.

(Theo Vneconomy)

  • Phát triển các khu công nghiệp: Không thể bỏ qua những mặt trái
  • Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất màn hình Iphone, Ipad
  • Các khu công nghiệp Hà Nội: Lương thấp, lao động không mặn mà
  • Phát triển khu công nghiệp: Động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế
  • Khu công nghiệp, khu chế xuất: Đề xuất tăng cường quản lý lao động
  • Trái tim Dung Quất
  • Hà Nội có thêm 11 khu công nghiệp trong 5 năm
  • Sau 20 năm phát triển KCN, KCX, KKT: Vẫn chưa tạo được những dấu ấn mạnh mẽ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container