Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu tại các doanh nghiệp KCX-KCN TPHCM : Cách nào?

Qua đợt khảo sát 429/987 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (bao gồm 235 DN trong nước và 194 DN có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 50% DN được đánh giá là có trình độ công nghệ phổ biến ở mức trung bình trở xuống. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM xoay quanh vấn đề này.

 

Một số doanh nghiệp ở KCN Lê Minh Xuân còn sử dụng công nghệ cũ. Ảnh: THÀNH TÂM

 

- Phóng viên: Ông có thể lý giải nguyên nhân?

Ông LÊ ANH TUẤN: Có 2 lý do dẫn đến tình trạng trên.

Lý do thứ nhất: Những năm đầu của thập niên 90, TPHCM là một trong những tỉnh thành đi đầu trong việc lập các KCX và KCN nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, thu hút vốn đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu và giải quyết lao động thất nghiệp… trong lúc Mỹ còn cấm vận, chưa quan hệ bình thường với VN, các tập đoàn kinh tế lớn chưa dám đầu tư nhiều ở VN; cũng là thời điểm các làn sóng dịch chuyển công nghệ lỗi thời từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước chậm và đang phát triển, trong đó có VN mà TPHCM lại đi đầu mở cửa trước.

Vào thời điểm đó, cả nước ta nói chung và thành phố nói riêng đang rất cần vốn đầu tư phát triển, rất cần việc làm để giải quyết thất nghiệp nên đã nhấn mạnh mục tiêu lấp đầy KCN, miễn là thu hút được vốn đầu tư, tạo được nhiều việc làm, do đó chưa quan tâm đúng mức các yếu tố phát triển bền vững: công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, ít ô nhiễm v.v…

Lý do thứ hai: Trước đây có nhiều cơ sở sản xuất TTCN trong nội thành gây nhiều ô nhiễm môi trường ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe dân cư; vì vậy, lãnh đạo thành phố đã chủ trương di dời những cơ sở sản xuất ấy ra ngoại ô thành phố. Một vài KCN như: Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung cũng đã được giao nhiệm vụ nhận những cơ sở sản xuất kể trên.

- Được biết, hiện Ban quản lý KCX-KCN phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đổi mới trình độ công nghệ cho các DN. Liệu việc làm này có dễ thực hiện?

Quả là không dễ nhưng chúng tôi quyết tâm phấn đấu thực hiện. Trước mắt, Ban quản lý phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai trang bị phần mềm đánh giá trình độ công nghệ cho các DN. Đây là biện pháp cơ bản nhất để giúp DN đang hoạt động trong KCX-KCN tự xác định được mình đang yếu ở khâu nào (tổ chức, nhân lực, công nghệ hay thông tin).

Từ đó, DN mới tự lập kế hoạch thay đổi phù hợp. Kế đến, chúng tôi sẽ từng bước xây dựng lực lượng đội ngũ chuyên gia giỏi về chuyên môn ngành nghề, tài chính và công nghệ đủ để hỗ trợ, tư vấn cho các DN lập dự án vay vốn, lựa chọn công nghệ hiện đại phù hợp với từng ngành nghề sản xuất. Ban quản lý cũng kêu gọi Hiệp hội Doanh nghiệp KCN thành phố thành lập các chi hội DN tổ chức theo từng ngành nghề để tạo điều kiện hỗ trợ nhau về mặt vốn liếng, lao động, thông tin, thị trường và thậm chí cả công nghệ sản xuất.

Trước mắt sẽ tập trung thành lập chi hội, DN ở 4 ngành mũi nhọn: cơ khí chính xác, điện tử – CNTT – viễn thông, hóa – dược, chế biến lương thực – thực phẩm tinh.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBNDTP, BQL đang phối hợp với Sở KH-CN nghiên cứu đề án lập quỹ đổi mới công nghệ hỗ trợ cho các DN KCX-KCN thành phố sẽ trình cho UBNDTP vào tháng 7-2009. Đồng thời BQL cũng đã chọn cử một số cán bộ chuyên viên tham gia vào 5 hợp phần của đề án đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TPHCM của Sở KH-CN đã được UBNDTP phê duyệt.

- Theo ông, ngoài việc cải tạo công nghệ cũ, lạc hậu thì nên chăng cần gác cửa về trình độ công nghệ đối với các dự án sẽ đầu tư trong thời gian tới?

Chúng tôi đã và đang thực hiện vấn đề này. Đối với dự án đầu tư mới, chúng tôi ưu tiên lựa chọn những dự án DN có vốn lớn, công nghệ cao và đặc biệt ít ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ DN đổi mới công nghệ đưa ra, các chính sách hỗ trợ của nhà nước vô cùng quan trọng không thể thiếu được, song biện pháp làm cho chính bản thân DN tích cực tự giác và các DN cùng ngành nghề hỗ trợ cho nhau trong việc đổi mới công nghệ là biện pháp có tính quyết định. Vì vậy, vai trò của Hiệp hội DN KCN, đặc biệt là các chi hội DN ngành nghề là cực kỳ quan trọng. Việc hình thành các chi hội ngành nghề, tập hợp hết các DN cùng ngành nghề là việc làm vô cùng cấp bách và cần thiết hiện nay.

(Theo SGGP)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container