Cả nước có hai khu công nghệ cao (KCNC) là KCNC TPHCM (SHTP) và Hòa Lạc (KCNC HL) đang hoạt động, đã đạt những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên để nó phát triển hiệu quả, cần có cơ chế quản lý phù hợp hơn. Chính vì tầm quan trọng của vấn đề, sáng 26-2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến với sự tham dự của hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM.
SHTP cần quy chế riêng
Tại đầu cầu TPHCM, ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban Quản lý SHTP đã đề nghị Chính phủ có buổi làm việc với các Bộ: KH-CN, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính… và cả SHTP cũng như KCNC HL để trao đổi và thống nhất những vấn đề còn chưa thống nhất. Sau đó phải nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao vì SHTP nhận thấy có nhiều điểm bất cập, cách hiểu khác nhau. Vì mỗi KCNC có một đặc thù riêng, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của khu vực, do vậy vận dụng một quy chế chung sẽ gây khó khăn cho hoạt động của KCNC.
Công nhân Việt Nam làm việc tại Công ty Nidec - Khu công nghệ cao TPHCM. |
Trong “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao”, ông Hỷ đề nghị Thủ tướng chính phủ ban hành cụ thể những chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển thuộc thế mạnh của quốc gia. Qua đó SHTP sẽ xây dựng lộ trình, giải pháp phát triển công nghệ cao phù hợp với tình hình địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, SHTP cũng rất mong Chính phủ ban hành gói kích cầu đặc biệt, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong nước vào SHTP. Trong đó, tập trung kích cầu hai đối tượng chính là doanh nghiệp lập các dự án mới sản xuất sản phẩm công nghệ cao và các doanh nghiệp KHCN, cá nhân, tổ chức tham gia ươm tạo công nghệ cao…
Tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài kiến nghị: Chính sách cho nhà đầu tư tại SHTP vẫn chỉ nằm ở dạng thí điểm, nay SHTP đã có những thành công, hiệu quả thì đến lúc Chính phủ cần xem xét, công khai các chính sách đầu tư này để tạo cơ sở phát triển ngay trong năm 2010. Hàng năm, Chính phủ giao chỉ tiêu ngân sách cho TP, năm nào TP cũng vượt chỉ tiêu. Vậy đề nghị chính phủ cho phép TP hưởng phần ngân sách vượt chỉ tiêu để đầu tư vào KH-CN, SHTP…
KCNC HL vướng mặt bằng
Tại đầu cầu Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, Trưởng ban Quản lý KCNC HL lại tỏ ra trầm tư trước việc công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2009 “gần như rơi vào thế bế tắc”.
Ông Lạng nhấn mạnh, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có mặt bằng sạch cùng với tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, nên các hoạt động đầu tư trong KCNC HL năm 2009 chưa thực sự sôi động. Nguyên nhân là năm 2009 Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Theo đó, sự thay đổi trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước trong thời gian đầu áp dụng thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những phương án đền bù đã được lập và phê duyệt trước đó. Các cơ quan tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng cho KCNC HL sau khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội còn nhiều bất cập, nên việc thực hiện phân cấp thẩm định phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường của cấp huyện trong thời gian đầu còn rất lúng túng.
Do đó tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đề nghị Chính phủ nhanh chóng bố trí nguồn vốn từ ngân sách để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kỹ thuật nói chung và giải phóng mặt bằng nói riêng. Ông Lạng nhấn mạnh: 1.400 tỷ đồng đầu tư trong 10 năm qua ở KCNC HL là quá ít. Để hoàn thành kế hoạch năm 2010 và tiền đề cho những năm sau, KCNC HL rất cần Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng.
Trước những kiến nghị của KCNC SHTP, KCNC HL, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ rà soát lại tất cả những những vấn đề còn chưa thống nhất trong thực hiện quy chế quản lý KCNC trước ngày 30-3; các KCNC lập danh sách những việc kiến nghị trước ngày 30-4 để trong cuộc họp chính phủ vào tháng 6 giải quyết dứt điểm. Riêng mặt bằng KCNC HL, trong tháng 4, Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để giải quyết.
Về kiến nghị vốn đầu tư cho hai KCNC, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, KCNC là công trình quốc gia, đề nghị Ban quản lý của hai KCNC trình kế hoạch vốn, nhu cầu vốn trong tháng 4 để Chính phủ giải quyết... Như vậy, các cơ chế mới cho hai KCNC tại TPHCM và Hà Nội phải chờ thêm vài tháng nữa mới được ban hành
(Theo BÁ TÂN // SGGP Online)
Đến cuối năm 2009, SHTP đã cấp 40 giấy phép đầu tư (22 dự án FDI, 18 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD và 17 dự án đã đi vào hoạt động, dự kiến năm 2010 có 24 dự án (trong đó có Intel). Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất đạt 1,1 tỷ USD, trong đó 98% là xuất khẩu. Đến hết năm 2009, KCNC HL đã có 37 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 9.481 tỷ đồng và 515,67 triệu USD (tương đương 1,058 tỷ USD), diện tích đất là 169,7ha. Tuy nhiên tính đến nay vẫn còn khoảng 50% diện tích đất, tương đương hơn 600ha, chưa được giải tỏa. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com