Những năm đầu mới thành lập, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) tập trung thu hút FDI về công nghệ cao nhằm tạo thương hiệu và cú hích ban đầu cho phát triển, và đến nay, mục tiêu này đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên về lâu dài, năng lực nội sinh vẫn là yếu tố cơ bản và mang tính quyết định sự thành công của dự án SHTP. Vì thế SHTP đang chuyển mình để hoàn thiện hơn.
Nền móng đã vững
Vẫn phải thừa nhận rằng SHTP chưa thu hút được dự án từ lĩnh vực vật liệu mới; bỏ lỡ một số cơ hội thu hút các tập đoàn lớn như IBM (Hoa Kỳ), Bosch (Đức)… mà nguyên nhân chính là chưa sẵn sàng về đất kèm cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, đến nay SHTP chưa đạt được chỉ tiêu về 4,5 tỷ USD giá trị sản xuất, trong đó có 3,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 5 năm (2006 - 2010) theo kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm trung tâm xử lý nước thải của SHTP. Ảnh: T.BA |
Ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban quản lý SHTP cho biết thêm: Cuối năm 2008, cả năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các dự án trong SHTP cũng chịu ảnh hưởng (giãn tiến độ triển khai, xây dựng, giảm quy mô sản xuất). Tuy nhiên đến những tháng cuối năm 2009, tình hình đã khá hơn, hoạt động của doanh nghiệp phục hồi nhanh, một số doanh nghiệp còn triển khai mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng nhà xưởng như Nidec VN, Nidec Sankyo. Tập đoàn Nidec đã trình dự án thứ 4 tại SHTP...
Song song đó, trong quá trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án, SHTP gặp phải một số vướng mắc như phát triển hạ tầng (trong và ngoài Khu công nghệ cao); kế đến là thể chế cũng còn nhiều vướng mắc (chính sách chưa nhất quán, thủ tục hành chính chưa phù hợp với tính chất hoạt động của các công ty đa quốc gia về công nghệ cao – nhất là các lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng).
Theo ông Hỷ, quan trọng hơn, Luật Công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 nhưng vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, do đó chưa phát huy được tính đột phá trong thu hút và phát triển công nghệ cao, nhất là với các tập đoàn đa quốc gia, vốn hết sức cẩn trọng với các vấn đề pháp lý liên quan.
Tuy nhiên có thể khẳng định đến nay, SHTP đã thu hút được các tập đoàn, công ty công nghệ cao có uy tín từ các khu vực phát triển công nghệ cao mạnh nhất thế giới của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật; tạo ra được “hình ảnh” SHTP, một địa chỉ đáng tin cậy trong thu hút đầu tư công nghệ cao.
Cuối tháng 10-2010, Tập đoàn Intel toàn cầu sẽ tổ chức lễ khánh thành nhà máy Intel tại SHTP – nhà máy sản xuất ATM lớn nhất toàn cầu của Intel (theo đánh giá của Intel). Nhà máy sản xuất chipset của Intel dự kiến sẽ xuất lô hàng chipset đầu tiên trong năm nay với giá trị sản xuất khoảng 120 triệu USD trong năm 2010 và tăng dần từ 5 - 15 tỷ USD hàng năm (tùy nhu cầu thị trường).
Ban quản lý SHTP đã kết hợp với Intel xây dựng chương trình thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ cho nhà máy Intel nhằm phát huy tính lan tỏa của dự án, từng bước nâng giá trị nội địa trong sản phẩm từ nhà máy Intel...
Bước đầu, SHTP đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất khẩu của thành phố (năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp SHTP chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ cao của thành phố).
Tiến đến những sản phẩm công nghệ cao
SHTP cần làm gì trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2020 để góp phần thực hiện thành công định hướng chiến lược phát triển KH-CN, xây dựng TPHCM thành trung tâm KH-CN tiên tiến của đất nước và khu vực?
Theo ông Lê Thái Hỷ, có 3 lực lượng chính tham gia vào hoạt động KH-CN: Đó là viện nghiên cứu; trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động KH-CN, nhất là hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) hướng đến thị trường, thương mại hóa thành các sản phẩm công nghệ cao.
Có thể nói ở phần lớn các nước phát triển và đang phát triển, khối doanh nghiệp luôn được coi là “trung tâm”, là thành phần thực hiện hoạt động R&D lớn nhất (về khía cạnh đầu vào và đầu ra). Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia rất tích cực vào hoạt động R&D của viện, trường.
Hay nói cách khác, khu công nghệ cao là “sân chơi” được nhà nước tạo ra để gắn kết giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hóa kết quả R&D.
Hiện tại SHTP đã có 42 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 37 dự án sản xuất - dịch vụ - thương mại công nghệ cao; 3 dự án đào tạo và 4 dự án R&D. Ngoài ra, còn có 3 đơn vị sự nghiệp do UBND TP thành lập hoạt động trong SHTP, gồm: Trung tâm R&D, Trung tâm Đào tạo và Vườn ươm DN CNC.
Với những gì đã xây dựng được, mục tiêu của SHTP giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, là nơi sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, là một trung tâm quốc gia về R&D, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao với tiêu chí gia tăng số lượng ứng dụng, phát minh, sáng tạo được chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc ươm tạo thành doanh nghiệp mới rồi tiến tới sản xuất, thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao…
Ông Hỷ khẳng định, đi theo hướng này, SHTP sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nóng của xã hội như tạo ra hàng Việt Nam chất lượng cao (để người Việt Nam có cơ sở tin và dùng hàng Việt Nam). Để thực hiện được mục tiêu kế tiếp này, đòi hỏi trước hết phải luôn đổi mới tư duy từ các bên tham gia trong hoạt động KH-CN – Nhà nước, viện trường, doanh nghiệp với định hướng coi doanh nghiệp là trung tâm, là thành phần tham gia nhiều nhất trong hoạt động KH-CN; đồng thời rất cần sự điều hành quyết liệt của UBND TPHCM với vai trò là một tổng chỉ huy mạnh….
Hiện SHTP có 17 dự án đi vào hoạt động, trong số này có 5 dự án triển khai hoạt động R&D theo cam kết (chi phí cho R&D từ 2% - 38%): Nidec VN, Nidec Sankyo, Datalogic, DGS, NanoGen; 3 doanh nghiệp chi ở mức nghiên cứu cải tiến, phát triển sản phẩm: Allied, Sonion, GES . |
( Theo BÁ TÂN // Báo SGGP Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com