Với quyết định của chính phủ phê duyệt quy hoạch chuyển đổi Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) thành Khu đô thị - thương mại- dịch vụ vừa được ban hành ngày 15-3-2010, cho thấy ngày xóa sổ KCN này đang đến gần.
Khu xử lý nước thải của một nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 chưa đạt tiêu chuẩn - Ảnh: Đ. Minh |
Theo đề án quy hoạch, KCN Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi để đầu tư thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ có diện tích 324.08 ha được xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị loại 1.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1, chuyển đổi theo cơ cấu chức năng sử dụng đất và phân đợt đầu tư, gồm tổ chức các khu chức năng (Khu công trình công cộng, Khu thương mại dịch vụ, Khu nhà ở, Khu công viên cây xanh), tổ chức hệ thống giao thông; phân đợt đầu tư gồm đợt 1 (2011-2012): xây dựng khu vực phía tây nam và một phần phía đông bắc, đợt 2 (2013-2017): xây dựng khu phía tây và khu phía đông bắc, đợt 3: xây dựng các khu vực còn lại.
Khu công nghiệp đen
Theo cách nhìn nhận của tỉnh Đồng Nai thì KCN già nua này đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của nó và đã không còn phù hợp do không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
KCN Biên Hòa 1 có diện tích 335ha, được thành lập từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa và được coi là KCN ra đời sớm nhất Việt Nam. |
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai thì tình hình nước thải ô nhiễm từ các nhà máy ở KCN Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai là rất nghiêm trọng, khó có thể khắc phục được.
Cơ quan chức năng này cho hay mỗi ngày KCN Biên Hòa 1 thải ra sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) gần 15.000 m3 nước thải chưa được xử lý.
Ô nhiễm chất thải công nghiệp nguy hại tại KCN Biên Hòa 1 cũng đáng báo động, mỗi tháng có gần 1.500 tấn chất thải công nghiệp nguy hại được thải ra, chỉ số ít được ký hợp đồng xử lý, phần nhiều được chứa lại trong các nhà máy.
Doanh nghiệp thấp thỏm
Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1. Trong số đó có nhiều đơn vị được giao đất 50 năm tỏ ra lo lắng trước phương án chuyển đổi KCN này.
Ông Nguyễn Văn Gia, Phó giám đốc Cty Bông vải & Kinh doanh tổng hợp Miền Đông, cho biết, cho đến nay Cty vẫn chưa nhận được văn bản pháp lý nào về việc di dời mà chỉ nghe nói đến chủ trương này thôi.
Ông Gia băn khoăn: di dời, thì Cty sẽ đi đâu và tìm đâu ra vị trí phù hợp với điều kiện kinh doanh như hiện nay?
Một cán bộ quản lý của một doanh nghiệp may trong KCN Biên Hòa 1 cho biết: di dời nhà máy thì còn được, nhưng liệu có di dời được hàng ngàn công nhân đi theo không, trong khi Cty đang phải chạy đôn chạy đáo tuyển lao động và tìm mọi cách giữ chân họ.
Một số doanh nghiệp đặt ra vấn đề doanh nghiệp hợp đồng thuê đất 50 năm, nhưng chỉ mới hoạt động trên 10 năm, ai sẽ phải gánh chịu thiệt hại khi phá vỡ hợp đồng?
(Theo Đức Minh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com