Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, nhưng đến nay các hạng mục tối thiểu như trục đường, hệ thống cấp-thoát nước tại Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á vẫn… là con số không. Ngay việc đền bù giải tỏa cũng đang dây dưa, nửa vời khiến hàng chục doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng thuê đất đầu tư tại đây như ngồi trên lửa.
Đường dẫn vào KCN Xuyên Á lầy lội và bụi. |
Ngổn ngang hạ tầng
Hình ảnh “ấn tượng” nhất tại KCN Xuyên Á là những trục đường thi công nham nhở hoặc xuống cấp thê thảm. Đơn cử, tuyến đường số 1 bắt đầu từ ngoài đường lộ dẫn vào KCN Xuyên Á, được xem là tuyến “mẫu”, huyết mạch, tuy dài chỉ khoảng 500m nhưng 1/3 tuyến đường đã là bùn lầy, ô tô qua lại lún hơn nửa bánh xe, lắc lư như đi đường rừng… Phần còn lại của con đường là đất, đá lởm chởm, mỗi lần ô tô chạy qua, dù chỉ cách nhau chừng 20m cũng khó nhìn thấy nhau do bụi mịt mù.
Các tuyến đường còn lại trong KCN Xuyên Á cũng không khá gì hơn. Hầu hết là đường cụt, cỏ dại vươn ra cả mặt đường, nhiều chỗ vượt quá đầu người. Phía cuối những con đường cụt là những họng cống của hệ thống nước thải được xả thẳng ra bãi tràm, đước xen kẽ nhà dân rất ô nhiễm. “Nghe nói có hệ thống thoát nước nhưng chúng tôi thấy toàn xả thẳng ra môi trường. Chưa kể, cứ mưa xuống khoảng 20 phút là cống thoát không kịp, nước ngập nhiều tuyến đường nên phương tiện vào ra nhà máy phải nằm chờ… nước rút!” - giám đốc một DN cơ khí tại đây cho hay.
Trước thực trạng này, nhiều DN tại KCN Xuyên Á đã làm đơn đề nghị Ban Quản lý KCN Long An (LAIZA) kiểm tra lại hệ thống thoát nước và cao độ nền GPS xem có đạt chuẩn theo quy định hay không?
Dù đi vào hoạt động gần chục năm, nhưng đến nay các DN ở KCN Xuyên Á vẫn chưa có nước sạch để dùng. Do đó, DN nào sang thì mua nước đóng bình mỗi tháng mất vài chục triệu đồng, DN nào tiết kiệm thì khoan giếng, lóng phèn xài tạm.
“Dù lóng phèn nhưng nước để uống, nấu ăn vẫn phải mua rất tốn kém. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư và LAIZA nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi” - ông Nguyễn Thanh Trí, Giám đốc DNTN A Đông Nguyên, bức xúc. Điều mà các DN tại đây hết sức lo ngại nữa là do chưa có hệ thống cấp nước, trong khi KCN cũng không có hệ thống họng nước cứu hỏa nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì không biết phải làm sao?
Mập mờ pháp lý, thu phí tùm lum
Nhiều DN còn bức xúc và làm đơn khiếu nại gởi cơ quan chức năng việc Công ty cổ phần Ngọc Phong (gọi tắt CTCP Ngọc Phong), chủ đầu tư KCN Xuyên Á, đã lừa nhà đầu tư cũng như thu nhiều khoản tiền vô lý.
Trong suốt quá trình tìm hiểu những phản ánh của DN cũng như ghi nhận thực tế tại KCN Xuyên Á, chúng tôi nhiều lần liên lạc với văn phòng CTCP Ngọc Phong xin gặp lãnh đạo cao nhất của công ty nhưng đều được nhân viên trả lời giám đốc đang ở nước ngoài. Ông Ngô Văn Trường, Phó Tổng giám đốc CTCP Ngọc Phong, đồng ý gặp phóng viên nhưng từ chối trả lời với lý do không đủ thẩm quyền phát ngôn với báo chí. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban LAIZA Phan Thành Phi cho biết, thực trạng bừa bộn tại KCN Xuyên Á kéo dài mấy năm qua. Về mặt quản lý nhà nước, LAIZA đã có nhiều cuộc họp với CTCP Ngọc Phong và phía CTCP Ngọc Phong cũng đã hứa khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển biến. Ông Phi nhấn mạnh, lần này sẽ làm quyết liệt, nếu CTCP Ngọc Phong tiếp tục không hợp tác, khắc phục ngay các tồn đọng, sẽ buộc phải ngưng tiếp nhận nhà đầu tư. |
Trường hợp của Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung Long An là một điển hình. Tháng 4-2007, công ty ký thỏa thuận thuê đất để đầu tư vào KCN Xuyên Á với CTCP Ngọc Phong với số tiền 1.548.285 USD, diện tích gần 6 ha. Theo thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên, số tiền thanh toán sẽ chia thành 11 đợt, trong thời hạn 2 năm và bên thuê “có quyền chuyển nhượng, cho thuê lại đất hoặc chuyển dịch quyền sở hữu trong quá trình xây dựng trên đất thuê cho một đơn vị thứ ba”… Tuy nhiên, đến nay sau 2 năm, khi công ty này thanh toán gần 900.000 USD, phía chủ đầu tư mới giao đất.
Trớ trêu là khi công ty cho công nhân ra san lấp mặt bằng lại bị chủ đất ra cắm cọc, căng dây ngăn cản với lý do “đất chưa đền bù, không được san lấp”! Còn điều khoản “cho thuê, chuyển nhượng với đơn vị thứ ba” không thể thực hiện. Bởi trên thực tế, CTCP Ngọc Phong không được Nhà nước giao đất, chỉ được thuê đất, do đó công ty ký hợp đồng với Công ty Việt Trung Long An với điều khoản như trên là sai luật! Vì vậy, CTCP Ngọc Phong đưa ra hướng xử lý, nếu DN đồng ý ký lại “phụ lục hợp đồng” với điều khoản “không được chuyển nhượng, cho thuê với đơn vị thứ ba” thì tiếp tục thực hiện hợp đồng, bằng không CTCP Ngọc Phong sẽ thanh lý trước thời hạn!
Đáng chú ý là hiện giá đất cho thuê tại KCN Xuyên Á so với trước đây đã cao gấp 3-5 lần thời điểm trước. Như vậy, nếu DN đồng ý thỏa thuận này đồng nghĩa với “sập bẫy” được giăng sẵn của CTCP Ngọc Phong.
Từ thông tin này, nhiều DN đầu tư vào KCN Xuyên Á càng hoang mang hơn khi CTCP Ngọc Phong thuê đất Nhà nước 50 năm trả tiền hàng năm, trong khi thu của DN thuê lại đất một lần, trả trong 2 năm đầu. Và như thế, trường hợp CTCP Ngọc Phong phá sản, không thể tiếp tục hợp đồng thuê với Nhà nước và đầu tư xây dựng hạ tầng nữa thì hậu quả DN đã đóng tiền nhận đất xây nhà xưởng sản xuất phải giải quyết ra sao?
Điều kiện hoạt động “tàn phế” là vậy, nhưng thay vì khẩn trương khắc phục, thì CTCP Ngọc Phong lại cố tình “kiếm chuyện” và gây khó dễ với các DN. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên ASK Trần Thanh Tồng cho hay, lúc đầu đơn vị ký hợp đồng với CTCP Ngọc Phong có điều kiện đường điện phải tới hàng rào doanh nghiệp, nhưng khi làm lại hợp đồng thì điều kiện này bị bãi bỏ. Dù nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan chức năng, nhưng xem ra kêu trời không thấu. Cuối cùng, ASK đành phải bỏ ra gần 50 triệu đồng để đấu điện vào xưởng sản xuất.
Tương tự, hàng loạt DN tại đây muốn có điện sản xuất đều phải bỏ tiền túi ra tự lo. Mọi cam kết, thỏa thuận ban đầu với CTCP Ngọc Phong xem như bị “vô hiệu”, nhưng không ai có thể làm được gì?!
Trong khi đó, mọi quyền lợi liên quan đến CTCP Ngọc Phong, DN nào lớ rớ là ăn “đạn phạt”. Ví dụ như mới đây ASK và nhiều DN vừa chậm đóng tiền thuê đất theo hợp đồng có vài ngày, liền bị CTCP Ngọc Phong ra quyết định phạt lãi chậm nộp tiền với số tiền hàng chục triệu đồng. Hay như việc CTCP Ngọc Phong yêu cầu DN nào xây dựng phải ký quỹ 30 triệu đồng và nộp lệ phí 0,18 USD/tháng đã làm hàng loạt DN lên ruột.
“Khu đất DN tôi rộng 4.000m². Nếu căn cứ theo quy định này, thì ngoài 30 triệu đồng ký quỹ bảo vệ cơ sở hạ tầng, còn phải đóng 960 USD phí quản lý, sử dụng hạ tầng. Đây chỉ là các khoản phí đóng trong 4 tháng, nếu thời gian thi công lâu hơn, phải đóng tiếp một khoản tiền tương đương. Thật quá ép người!”, một DN phản ứng.
Được biết, việc này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay CTCP Ngọc Phong vẫn ngang nhiên thực hiện, trong khi chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp.
(Theo Lạc Phong // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com