Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội: Lãng phí bạc tỷ, công nghệ "đắp chiếu"

Lời tòa soạn: Trên thế giới, quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang diễn ra mạnh mẽ ở những nước có KHCN phát triển. Tri thức và công nghệ cao đã trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nông nghiệp đô thị, công nghệ cao chắc chắn là hướng đi tất yếu của một thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, từ vài năm trước, hàng chục tỷ đồng ngân sách được đổ ra để triển khai các dự án này, nhưng do cách làm thiếu quy hoạch, thiếu bài bản nên một loạt dự án đã phá sản. Giờ đây, Hà Nội đang cân nhắc một dự án mới. Vậy đâu là bài học và đâu là con đường cần lựa chọn?

Bài 1: Lãng phí bạc tỷ, công nghệ “đắp chiếu”

Rau dền, cỏ dại chen nhau trong khu nông nghiệp công nghệ cao  Ảnh: Hà Nhân

Những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều công sức để thử nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào sản xuất, nhằm tạo bước chuyển cho nông nghiệp Thủ đô, khắc phục tình trạng bức xúc về chất lượng vệ sinh an toàn nông phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác... Tuy nhiên, sau nhiều năm mò mẫm, các mô hình đã và đang triển khai vẫn bộc lộ yếu kém, chưa có lối ra.

Lãng phí tiền tỷ

Năm 2004, thành phố Hà Nội giao cho Trung tâm Kỹ thuật rau hoa quả (nay chuyển thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội - Hadico) làm chủ đầu tư dự án NNCNC, cùng với ban hành cơ chế hỗ trợ tài chính khuyến khích. Địa điểm thực hiện dự án đặt tại thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm). Tổng mức đầu tư dự án là 18 tỷ đồng, trong đó thành phố đầu tư là 10 tỷ đồng làm hạ tầng, 8 tỷ đồng còn lại là vốn của công ty để nhập bộ khung nhà kính rộng 8.000m2 và các trang thiết bị khác từ Israel. Trong nhà kính là hệ thống máy cảm biến tự động nhận thông số nhiệt độ, ánh sáng và nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng báo về máy chủ, phân tích số liệu và chỉ định kỹ thuật tưới, chăm sóc cho cây. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến nay khu NNCNC đầu tiên của Hà Nội vẫn trong tình trạng dở dang, kém hiệu quả và không thể áp dụng mở rộng sản xuất. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực NNCNC, dự án này đầu tư tốn kém, công nghệ không phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết Việt Nam, mùa nóng chi phí điện điều hòa cho nhà kính quá lớn nên giá thành sản phẩm quá cao.

Ngày 7-1, chúng tôi có mặt tại khu NNCNC Cầu Diễn, quan sát thấy trong nhà kính được trồng hoa ly và dưa chuột. Nhưng thực tế, DN chỉ tận dụng trong vài tháng cuối năm mùa đông gặp thời tiết rét, sương muối nên phải trồng hoa ly, hoa lan trong nhà kính, còn lại những tháng mùa hè thời tiết nóng, trồng cây nhà kính không phù hợp, nếu trồng các loại rau quả thường không có lãi. Dự án phải chi phí quá lớn do nhập thiết bị ngoại 100%, công nghệ chuyển giao chậm, trong quá trình vận hành luôn gặp trục trặc kỹ thuật. Phải mất 3-4 năm, kỹ sư của Việt Nam mới xử lý được sự cố. Đặc biệt, dự án quy hoạch ở vị trí không thuận lợi nên không hiệu quả; hiện TP Hà Nội có quyết định di chuyển khu NNCNC này sang địa điểm mới để dành đất làm đô thị. Mặt khác, mô hình này hầu như không có khả năng nhân rộng ra đại trà, vì khó có DN nào bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, máy móc, chưa kể chi phí cho công tác GPMB... trong khi "đầu ra" sản phẩm còn bế tắc.

Dây chuyền đắp chiếu

 

Khu nông nghiệp công nghệ cao chỉ trồng hoa để lấp chỗ trống.

Cùng với dự án trên, Hadico cũng được giao làm chủ dự án xây dựng các lò mổ tập trung. Cuối tháng 6-2007, dây chuyền giết mổ khá hiện đại do Hadico đầu tư lên tới 11 tỷ đồng tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động. Công suất giết mổ của dây chuyền là 700 con gia cầm/giờ, nhưng giờ đây cũng đã ngừng hoạt động. Lý do được đưa ra là không có khách hàng. Ông Phan Minh Nguyệt, Giám đốc Hadico lý giải, trên thực tế hiện có rất nhiều lò mổ tư nhân đang hoạt động, giết mổ chỉ mất 2.000 đồng/con, trong khi đưa vào giết mổ tập trung của nhà máy chi phí phải 5.000 đồng, gồm tiền kiểm dịch, khấu hao dây chuyền. Sản phẩm gà sạch giết mổ trong nhà máy cũng không thể tiêu thụ nổi, do không cạnh tranh được với các lò mổ di động khắp các ngõ phố trong nội thành. Kết quả, việc đầu tư một dự án giết mổ tập trung với hàng chục tỷ đồng như vậy mà không có định hướng cụ thể, rõ ràng, quy hoạch lại trong khu dân cư; không nghiên cứu về thị trường dẫn đến đắp chiếu bỏ đấy.

Dự án NNCNC thứ 3 là trồng hoa ở Tây Tựu (Từ Liêm) cũng do Hadico làm chủ đầu tư đang có nguy cơ đổ bể do khâu GPMB gặp khó khăn. Dù phương án đền bù GPMB đã hoàn tất nhưng mới chỉ có hơn 50% số hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nguyên nhân là do từ khi có Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều hộ dân có ý "nghe ngóng" chờ chính sách mới, không chịu nhận tiền đền bù, mặc dù đã được chính quyền và nhà đầu tư vận động, giải thích nhiều lần.

Ý tưởng rất lớn nhưng thực tế tất cả các dự án NNCNC của Hà Nội đến nay vẫn dở dang. So với tiêu chí CNC trong nông nghiệp là công nghệ có hàm lượng tri thức cao về nghiên cứu khoa học, được tích hợp từ các thành tựu khoa học hiện đại, như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa thì các khu NNCNC của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu cả về nghiên cứu, ứng dụng và hiệu quả. Một số thiết bị, công nghệ nhập khẩu không phù hợp hoặc lạc hậu, gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhân lực vận hành sản xuất chưa lành nghề, chưa có tác phong làm việc công nghiệp là những trở ngại làm cho dự án không khả thi.

Theo TSKH Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư NNCNC có rủi ro rất lớn, nên nếu để các DN tự "bơi" thì không thể có NNCNC. Nhà nước phải có cơ chế đặc thù về vốn, công tác GPMB, đào tạo nhân lực... cho DN thì mới có thể sớm tìm ra mô hình NNCNC phù hợp với đặc thù từng địa phương. Hà Nội xác định mục tiêu phát triển NNCNC là đúng hướng, khi diện tích sản xuất NN ngày càng bị thu hẹp nên cần nâng cao giá trị trên một đơn vị đất canh tác. Việc ứng dụng CNC vào sản xuất NN của Thủ đô mặc dù hết sức thiết thực nhưng không phải dễ làm. Những thất bại cũng như khó khăn trong 3 dự án vừa qua chắc chắn là bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai các dự án khác.

 

 

(Theo Quỳnh Dung - Bạch Thanh/HNMO)

  • Chuyện khó tin ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc
  • Các KCN tỉnh Bà Rrịa - Vũng Tàu (BR-VT) : Tăng trưởng trong khó khăn
  • “No dồn, đói góp” khu công nghiệp (Kỳ II)
  • Quá nửa dự án đang “treo” tại KKT Tân Thanh
  • KKT Nhơn Hội rộng cửa đón nhà đầu tư
  • 3.500 tỉ đồng đầu tư vào khu công nghiệp Phú Bài
  • TPHCM: Chuẩn bị mở rộng Khu Công nghệ cao
  • Khu KT Dung Quất: Thu ngân sách ước đạt trên 2.400 tỷ đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container