Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ đã cho phép lập Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (HHTP) tại Hà Nội và đến năm 2000 tiếp tục cho lập Khu CNC TP Hồ Chí Minh (SHTP). Quãng thời gian ấy, HHTP và SHTP đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để hai đơn vị này phát triển hiệu quả, cần có cơ chế quản lý mới phù hợp hơn.
Vừa làm vừa điều chỉnh
Dây chuyền sản xuất ở Công ty Datalogic Việt Nam (Khu công nghệ cao TP HCM).
Đây là tình trạng chung của cả hai khu CNC nói trên khi bắt tay xây dựng hạ tầng cũng như cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển lĩnh vực này. HHTP chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2007, với nhiều dự án đầu tư và có quy hoạch cụ thể. Trong khi đó SHTP có tốc độ phát triển nhanh hơn nhờ những giải pháp quyết liệt của UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo HHTP, giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những vấn đề nan giải và gây nhiều bức xúc nhất. Thậm chí, nhiều hộ dân đã nhận đền bù trước đây nay tái lấn chiếm để yêu cầu thêm tiền. Hiện nay, trong tổng diện tích 1.586ha, các bên liên quan mới GPMB được khoảng 840ha. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, việc áp dụng nghị định trong thời gian đầu khá khó khăn.
Theo TS Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban quản lý HHTP, các chính sách ưu đãi cho HHTP còn bất cập. Mặc dù được xác định là khu CNC mang tính thí điểm, được áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt, song về thực chất, sự ưu đãi ở HHTP không có gì khác hơn so với một số khu khác. Trong khi đó, nếu chọn đầu tư tại đây có nghĩa là các đối tác sẽ phải chấp nhận ở xa trung tâm thành phố, xa bến cảng và sân bay. Hạ tầng giao thông kết nối từ HHTP đến các địa điểm này chỉ có duy nhất đường Láng - Hòa Lạc sắp hoàn thiện là đáng kể...
Ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban quản lý SHTP cho biết, có nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa các bộ, ngành về phát triển các khu CNC, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Giai đoạn hiện nay, SHTP mong muốn Chính phủ ban hành gói kích cầu đặc biệt nhằm thu hút các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào đây, trong đó chú trọng các doanh nghiệp lập dự án mới sản xuất sản phẩm CNC và doanh nghiệp CNC, cá nhân, tổ chức tham gia ươm tạo CNC...
Có "chạy đua" lập khu CNC hay không?
Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo HHTP, SHTP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá kết quả đạt được của hai khu CNC trong 10 năm qua rất đáng trân trọng. Dự kiến, trong tháng 3 hoặc 4-2010, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì các cuộc họp để nghe ý kiến của đại diện hai khu CNC, quan điểm của UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về các chính sách liên quan, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp tại đây. Về vốn đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu cuối tháng 4-2010, Ban quản lý của HHTP, SHTP phải có báo cáo cụ thể về nhu cầu vốn trong thời gian tới để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định...
Việc Chính phủ "gỡ rối" cho những vướng mắc trong phát triển hai khu CNC tầm quốc gia là kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, nếu mở rộng vấn đề phát triển khu CNC trên cả nước thì rõ ràng đang có khá nhiều điều đáng bàn. Bởi theo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học - công nghệ, hiện có khá nhiều địa phương đã tự ý "gắn mác" khu nông nghiệp CNC hoặc các khu công nghiệp CNC. Điều này cho thấy một sự thật là việc định hướng và phát triển các khu CNC ở các địa phương còn nhiều bất cập.
Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước hiện có 21 khu công nghệ, nông nghiệp CNC, nằm trên địa bàn 18 tỉnh, thành. Chúng được lập dựa trên cơ sở những quan niệm thiếu rõ ràng về khu CNC, có khi chỉ nhằm mục tiêu sản xuất, kinh doanh, ít hoặc không có hoạt động nghiên cứu và không có sự phân biệt với khu công nghiệp nhưng vẫn được coi là khu CNC. Gọi là khu nông nghiệp CNC nhưng ở nhiều nơi, thực chất chỉ có các hoạt động sản xuất cây giống, xây dựng mô hình nhà kính hiện đại để chuyển giao cho nông dân, sản xuất nông sản để bán, tập huấn và chuyển giao cho nông dân mà câu chuyện tại Trung tâm Kỹ thuật rau quả Hà Nội, Khu nông nghiệp Đồ Sơn (Hải Phòng), Khu nông nghiệp ứng dụng CNC sông Hậu (Cần Thơ) là những ví dụ điển hình. Rõ ràng, đặc trưng cơ bản của khu CNC nói chung (là sự tích hợp giữa nghiên cứu và triển khai ứng dụng với sản xuất, kinh doanh) chưa được thể hiện ở một số khu CNC.
Ngoài ra, việc phát triển các khu CNC ở nước ta còn bị chi phối bởi tính cục bộ địa phương. Các địa phương đang đua nhau xúc tiến xây dựng khu CNC nhưng khi xây dựng dự án, một số nơi đã không tính toán các yếu tố liên quan có từ sự tác động của khu CNC khác đóng trên các địa bàn lân cận. Hậu quả của sự thiếu phối hợp, mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực của đất nước, gây khó khăn cho công tác quy hoạch ở tầm quốc gia. Việc xuất hiện khu CNC một cách ồ ạt tại Việt Nam là do các địa phương chưa nắm được hết tình hình về trình độ nhân lực cũng như nhiều điều kiện khác về lập khu CNC...
Hy vọng bài toán khu CNC sớm có lời giải thích hợp khi Chính phủ vào cuộc, quyết tâm thực hiện việc đưa HHTP, SHTP trở thành đầu tàu trong nghiên cứu khoa học, xây dựng các doanh nghiệp dựa trên nền tảng tri thức hiện đại.