Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng hai chiều cho khu chế xuất: Còn ít quá!

Doanh nghiệp trong các KCX rất muốn mua nguyên liệu nội địa, doanh nghiệp nội địa thì muốn nhập hàng chất lượng cao từ các KCX... nhưng hiện cung - cầu vẫn chưa gặp nhau
 Đã gần 10 năm áp dụng xuất nhập khẩu tại chỗ qua các KCX nhưng đến nay, lượng hàng nội địa bán vào KCX chỉ khoảng 200 triệu USD/năm (tương đương 10% lượng nguyên liệu các doanh nghiệp (DN) từ các KCX nhập từ nước ngoài).

Tương tự, các DN KCX bán hàng cho thị trường nội địa cũng rất hạn chế. Chín tháng đầu năm 2009, họ chỉ bán ra thị trường nội địa khoảng 23 triệu USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu sang các nước.

Gạo, đậu, khoai tây... nhập tất

Hiện nay, phần lớn các DN KCX sử dụng nguyên liệu nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu từ các loại hạt nhựa, vải, sắt thép... đến nông sản thực phẩm. Ngay cả những loại nông sản vốn rất dồi dào tại VN như gạo, đậu xanh, đậu nành, khoai tây... nhiều DN cũng chọn nhập hàng từ Thái Lan, Đức, Đan Mạch.

Theo một cán bộ Ban Quản lý KCX – KCN TPHCM, hàng nội chưa “vào” được KCX một phần là nguyên liệu của các DN KCX do công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài cung cấp, chỉ định. Tuy nhiên, cũng phải kể đến nguyên nhân chủ quan: Chất lượng nguyên liệu nội địa chưa đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, chưa có đơn vị sản xuất tập trung, đầu mối cung ứng sản phẩm ổn định. Ngoài ra, giá cả nhiều loại nguyên liệu nội địa cao hơn so với giá nhập từ nước ngoài khiến DN trong các KCX không ưu tiên chọn mua.


Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty Furukawa Sky trong KCX Tân Thuận - TPHCMẢnh: T.Thạnh

Bà Thích Nhuộc Khùy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đế Lĩnh chuyên sản xuất bún miến, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Philippines, Úc, Trung Đông, Đức, cho biết: Công ty sử dụng nguyên liệu tinh bột đậu xanh ướt nội địa, giá thường cao hơn so với hàng cùng loại nhập từ nước ngoài (Trung Quốc), đẩy giá thành sản phẩm cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan nên khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một số công ty chế biến hàng nông sản xuất khẩu cũng cho biết họ cảm thấy mệt mỏi vì phải phập phồng chạy theo mùa vụ khi mua nguyên liệu trong nước: trúng mùa thì nguyên liệu dồi dào, giá rẻ nhưng thất mùa thì nguyên liệu ít, không đạt yêu cầu chất lượng...

Nhiều rào cản

Từ năm 2002, các DN trong các KCX bắt đầu bán hàng ra thị trường nội địa theo hình thức xuất khẩu tại chỗ. Đến nay, sau 9 năm thực hiện, chỉ một số mặt hàng tiêu dùng như may mặc, ống nhựa, giấy dán tường, bút chì... ra được thị trường.

Chủ trương của UBND TPHCM là khuyến khích DN trong nước nhập khẩu hàng hóa, linh kiện chất lượng cao từ các DN KCX để từng bước nâng cao trình độ công nghệ của các DN nội địa nhưng đến nay, DN trong nước vẫn chưa tiếp cận được nguồn hàng này.

Theo nhiều DN KCX, nguyên nhân chủ yếu là do các DN trong nước chưa có sản phẩm tương thích có thể gắn kết đồng bộ với sản phẩm của các DN KCX. Riêng về lĩnh vực sản xuất xe hơi, máy vi tính..., dù các DN KCX thường cung cấp linh kiện cho các ngành sản xuất này nhưng do quy mô sản xuất của các DN trong nước quá nhỏ nên chưa được các DN KCX quan tâm...

Ngoài ra, đơn hàng xuất khẩu tại chỗ nhỏ, DN mua hàng luôn kéo dài thời gian thanh toán để chiếm dụng vốn, phải mất nhiều thời gian cho thủ tục (cả bên bán và bên mua đều phải mở tờ khai hải quan) và một số quy định về chính sách thuế... cũng là những rào cản không nhỏ.

Mới đây, Công ty TNHH Theodore Alexander HCM (KCX Linh Trung 2) đã kiến nghị Bộ Tài chính - Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế và Ban Quản lý KCX - KCN TPHCM xem xét và điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với nguyên vật liệu từ nội địa bán vào KCX.

Ông Jess Rueloekke, tổng giám đốc công ty này, cho biết: Công ty sản xuất và xuất khẩu 100% hàng trang trí nội thất, nguyên liệu chính là gỗ xẻ mua từ các nguồn trong nước. Từ ngày 1-1-2009, nguyên liệu này phải chịu thuế xuất khẩu 10% và đã gây không ít khó khăn cho công ty. Công ty phải gián tiếp gánh 10% thuế xuất khẩu này từ các nhà cung cấp nên chi phí nguyên vật liệu cao hơn nhiều so với DN xuất khẩu cùng ngành không nằm trong KCX

Lãng phí lớn

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm và áp lực cạnh tranh gia tăng, khoảng 200 DN ở hai KCX Tân Thuận và Linh Trung với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD/năm là thị trường hấp dẫn đối với hàng hóa (nguyên liệu) trong nước.

Ngược lại, nhiều DN KCX đã lên kế hoạch tiếp cận, mở rộng bán hàng ra thị trường VN. Ông Huỳnh Tấn Phong, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Ban Quản lý KCX – KCN TPHCM (Hepza), cho rằng để thu hút được hàng hóa, linh kiện chất lượng cao từ KCX, DN VN phải phát triển công nghệ - trình độ sản xuất, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. từ đó, việc đẩy mạnh mua hàng linh kiện của KCX mới mang lại hiệu quả cao.

(TheoThanh Nhân // Người lao động online)

  • Gần 7.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp
  • Chậm tiến độ do chờ chính sách mới
  • Ban Quản lý các khu công nghiệp làm chủ đầu tư một số công trình ở các khu, cụm công nghiệp
  • Chính thức khởi công cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn
  • Dung Quất phù hợp với mô hình thành phố công nghiệp?
  • Vũng Áng: Nơi hội tụ của "siêu dự án"
  • Miền Bắc “nở rộ” các khu công nghiệp
  • Giá thuê đất khu công nghiệp tăng cao: Nhà đầu tư hạ tầng kêu cứu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container