10 NĂM VẪN CHƯA GIẢI PHÓNG XONG MẶT BẰNG
KCN Phú Mỹ 1 là một trong 2 KCN sau KCN Đông Xuyên được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Ban đầu, KCN Phú Mỹ I do Công ty Đầu tư Phát triển đô thị tỉnh (UDEC) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, sau đó vì nhiều nguyên nhân, tỉnh đã mua lại, thành lập và giao cho Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ I (IZICO) quản lý khai thác. Hiện nay, sau đúng 10 năm có quyết định thành lập, KCN Phú Mỹ 1 vẫn còn 55 ha đất của 7 hộ dân chưa đền bù giải tỏa xong. Nguyên nhân là do đất của 7 hộ dân này vốn là đất sản xuất muối, khi muối mất giá, bà con chuyển sang làm đùng nuôi tôm. Đúng lúc người dân đang làm đùng thì Nhà nước thu hồi đất làm KCN; toàn bộ diện tích đất thu hồi được thống kê và ghi rõ loại đất là đùng nuôi tôm. Giá bồi thường đất đùng nuôi tôm được tính thấp hơn giá đất làm muối. Do vậy, khi phương án đền bù được xây dựng và UBND tỉnh phê duyệt xong thì người dân không đồng ý nhận tiền. Những hộ dân ở đây yêu cầu phải tính giá đền bù theo giá đất ruộng muối. Nhận thấy yêu cầu của người dân là hợp lý, Ban quản lý các KCN tỉnh và bản thân Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ I (IZICO) đã nhiều lần đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tân Thành kiến nghị với tỉnh giải quyết. Ban quản lý KCN tỉnh cũng đã làm tờ trình và đốc thúc Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tân Thành xúc tiến việc trình xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, bởi theo qui định toàn bộ công tác đền bù giải phóng mặt bằng là do UBND huyện Tân Thành chịu trách nhiệm. Song, đã qua nhiều năm, đến nay sự việc tính toán lại vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thậm chí, Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Tân Thành cũng chưa trình UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo về việc này…
Việc không có đất “sạch” để giao cho nhà đầu tư đã tác động xấu đến chủ dự án tại KCN và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Dự án sản xuất thép ESSAR Việt Nam là một minh chứng; dự án này đã phải chờ đợi từ rất lâu tại KCN Phú Mỹ 1 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành mặc dù chủ đầu tư đã chấp nhận đóng tiền thuê đất trong thời gian 10 năm liền. Theo tính toán, với mức giá cho thuê đất là 1,4 USD/m2/năm, nếu hoàn tất giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư thì năm 2009 tổng số tiền thuê đất thu được từ dự án ESSAR là 6 triệu USD”.
ĐẦU TƯ KHÔNG ĐỒNG BỘ
Cơ sở hạ tầng KCN yếu kém là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án của các nhà đầu tư. Trong ảnh: Đường vào KCN Cái Mép xuống cấp, lầy lội. |
Trong số 9 KCN thành lập từ những năm 1996 đến 2002 ngoài KCN Phú Mỹ 1 chưa đền bù giải tỏa xong, còn lại các KCN khác đều hoàn tất sớm khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và đến nay tỉ lệ lấp đầy đều đạt từ 50% đến trên 80%. Nhà đầu tư rất chủ động, linh hoạt trong việc quyết định điều chỉnh mức giá hỗ trợ, đền bù cho người dân theo đúng tinh thần “thỏa thuận” hợp tình hợp lý… Thế nhưng, ở những khu công nghiệp này cũng đang lộ diện sự khập khiễng bởi không có hệ thống xử lý nước thải, giải pháp bảo vệ môi trường lâu dài.
Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, vì vậy mỗi ngày có hàng ngàn m3 nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp tại các KCN được tống ra sông Thị Vải, sông Dinh. Nhiều chủ đầu tư KCN hiện đều có hành vi vi phạm: Không thực hiện đầy đủ một trong các nội dung bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép... Vì vậy, các KCN của Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm nặng cho các dòng sông trên lưu vực sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc thực hiện theo phân khu chức năng cũng chưa hợp lý, sản xuất thép đang xen kẽ với sản xuất gas công nghiệp, sản xuất thép và vật liệu xây dựng xen kẽ với sản xuất bột mỳ... Chính sự quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm chéo trong KCN. Cùng với việc triển khai giải phóng mặt bằng chậm, đây chính là những nguyên nhân đang tác động xấu đến kế hoạch đầu tư của chủ dự án, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.
(theo BRVT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com