Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nỗi lo từ nông sản ngoại

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta đã bỏ ra hàng tỉ đô la để nhập khẩu các loại nông sản từ nước ngoài, trong đó hai phần ba là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đáng nói hơn, các loại nông sản này được nhập dễ dàng, ồ ạt; phần nhiều trong số này có cùng chủng loại với nông sản trong nước.

Có lẽ, đã đến lúc, Việt Nam cần gia cố hàng rào kỹ thuật cho kín kẽ để tránh nghịch cảnh: ở một nước nông nghiệp với gần 70% dân số sống nhờ đồng ruộng, nhiều loại nông sản làm ra được tiêu thụ rất vất vả nhưng khắp các chợ lại tràn ngập hàng từ nước ngoài.

Tràn ngập từ chợ đầu mối đến chợ lẻ

9 giờ đêm, khu vực trái cây ngoại của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TPHCM) khá tấp nập. Hàng chục chiếc xe container mang biển số phía Bắc xếp hàng dài thẳng tắp, nhân công bốc xếp luôn tay đẩy - vác từng rổ hàng từ xe xuống đất. Trong khi đó, các chành (nơi làm trung gian bán hàng cho các thương lái người Việt và người Hoa) cũng tất bật với việc ra giá - thu tiền - vào sổ với người mua đang vây quanh.

Chị Trương Thị Bích Phượng, chủ sạp Phượng Hùng, người đã có thâm niên mua bán trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức hơn năm năm nay, trước đó là làm chủ vựa tại chợ Cầu Muối, cho hay thông thường một đêm, chị bán được khoảng 20 tấn như lê, táo, nhãn, mận, cam có xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan, trong đó hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo. “Nói người dân ngại hàng Trung Quốc ở đâu không biết chứ tôi thấy hàng này bán mạnh lắm. 14 chành ở đây đều bán hàng Trung Quốc hết, cũng có hàng từ các nước khác xen vào nhưng không bao nhiêu”, chị Phượng nói.

Sâu trong chợ, ở khu nhà lồng bán rau củ, cũng dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của các loại sản phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines... với hành, tỏi, cà rốt, khoai tây, hành tây, bông cải trắng, bông cải xanh, gừng... Anh Hòa, chủ sạp Hòa Chu chuyên kinh doanh hành, tỏi cho biết: anh chủ yếu bán hàng Trung Quốc với khối lượng khoảng vài chục tấn/ngày, còn hàng Việt Nam có bán nhưng không đáng kể. Cứ cách 2-3 ngày, anh Hòa lại gọi điện cho bạn hàng tại cửa khẩu Lạng Sơn chuyển hàng vào. Nói về mức độ phổ biến của các loại hành tỏi, rau có nguồn gốc từ nước ngoài, anh Hòa khẳng định, có đến 50%. “Chị cứ nhìn xung quanh đi, mấy cái bông cải, cà rốt đó là hàng Trung Quốc hết. Rồi gừng, khoai tây... nhiều lắm” - anh Hòa vừa chỉ tay ra các sạp lân cận vừa nói.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thống kê mỗi đêm, lượng hàng về chợ khoảng 2.800-3.000 tấn, trong đó các loại trái cây chiếm 1.500-1.700 tấn, số còn lại là rau củ. Theo bà Hà, 25-30% trong số hàng trái cây là hàng nhập khẩu và hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm đến hai phần ba. Ở ngành hàng rau củ, hàng Trung Quốc theo thống kê của chợ từ 150-200 tấn, chiếm khoảng 15%.

Từ chợ đầu mối, các loại trái cây, rau củ ngoại theo các tiểu thương tủa đi các chợ lẻ ở TPHCM, các tỉnh miền Tây, thậm chí ra cả các tỉnh phía Bắc (theo lời của chủ các chành, vựa tại đây). Khảo sát tại một chợ bất kỳ trên địa bàn thành phố đều dễ dàng tìm thấy hàng có nguồn gốc Trung Quốc hay Thái Lan, từ những loại Việt Nam không trồng được như táo, lê cho đến loại trong nước không thiếu như hành, tỏi, khoai tây, cà rốt, nhãn, chôm chôm...

Lợi thế lớn cho hàng Trung Quốc

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (cảng Cát Lái), tính từ đầu năm đến 30-6-2010, các doanh nghiệp đã nhập khẩu:

Hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan.
Theo các chành, vựa tại chợ đầu mối chuyên bán hàng Trung Quốc, họ rất thích phân phối hàng có nguồn gốc từ nước này vì chủng loại phong phú, số lượng không hạn chế, giá rẻ hơn hẳn sản phẩm cùng loại, ít biến động và phương thức buôn bán thuận tiện.

Anh Hòa so sánh: “Lấy ví dụ ở mặt hàng tỏi, hàng Trung Quốc giá về đến chợ chỉ khoảng 37.000 đồng/ki lô gam, trong khi tỏi Lý Sơn hôm rồi có người chào giá tới 60.000 đồng/ki lô gam. Còn về hình thức, nhìn tép tỏi to, bóc vỏ dễ dàng thì người ta cũng thích hơn củ tỏi nhỏ này chứ”. Cũng theo anh Hòa, ngoài yếu tố giá, buôn hàng Trung Quốc cũng thích hơn vì muốn lấy bao nhiêu hàng, vài tấn hay vài chục tấn đều được đáp ứng đầy đủ, không có chuyện tăng giá khi lấy nhiều và hàng có đều quanh năm. Trong khi đó, hàng Việt Nam số lượng rất hạn chế, mỗi lần lấy chỉ có vài tấn và thường xuyên có tình trạng lấy hàng liên tục là bị tăng giá, hàng chỉ có vài tháng mỗi năm.Chưa hết, các tiểu thương mỗi khi cần hàng, chỉ cần một cú điện thoại đặt số lượng là hai ngày sau đã có hàng chạy thẳng từ Lạng Sơn vào tận chợ đầu mối giao. So với hàng cùng loại có nguồn gốc từ nhiều nước khác, trái cây, rau củ Trung Quốc giá rẻ hơn hẳn nhờ lợi thế về thuế và phương thức vận chuyển thuận tiện. Ví dụ, cùng là táo nhưng táo Mỹ tại chợ đầu mối ở mức 43.000-45.000 đồng/ki lô gam hàng Trung Quốc chỉ từ 13.000-20.000 đồng/ki lô gam, cao nhất cũng chỉ 32.000 đồng. Hay với mặt hàng nho, nho đỏ của Mỹ giá 83.000 đồng/ki lô gam thì nho Trung Quốc chỉ 50.000-55.000 đồng...

Theo quy định hiện hành, nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, nếu xuất trình được chứng nhận xuất xứ (C/O) sẽ được áp mức thuế 0% (trong khi mức thuế áp với hàng có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand ở mức phổ biến từ 15-30% tùy nước, tùy mặt hàng). Thêm vào đó, việc vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, không qua trung gian cũng đã giúp giá nông sản Trung Quốc luôn ở mức thấp, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại từ các nước khác.
Biện pháp cần thiết: lập hàng rào kỹ thuật

Nhập khẩu các loại nông sản từ nước ngoài là việc cần thiết để giúp người dân trong nước có cơ hội thưởng thức nhiều loại sản phẩm. Tuy nhiên, việc nhập khẩu ồ ạt, có phần dễ dàng và nhập cả những loại nông sản sẵn có trong nước; chưa biết rõ chất lượng của sản phẩm lại là điều đáng lo ngại cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu.

Bà Hà thừa nhận, hiện nay chợ chỉ mới quản lý về chất lượng đối với các mặt hàng trong nước, chủ yếu là rau khi Chi cục Bảo vệ thực vật đưa thuốc, dụng cụ xuống để thử hàng, thiên về dư lượng thuốc trừ sâu còn hàng nhập ngoại hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động kiểm soát nào. “Hàng Trung Quốc về đến chợ, đóng trong thùng các tông rất đẹp, có dấu kiểm định của cơ quan thông quan nên chúng tôi không kiểm tra nữa. Nhưng nói thật, nếu làm, mình cũng không có đủ trình độ chuyên môn vì đâu thể biết bên trong nó như thế nào”.

Theo đại diện Cục Hải quan TPHCM, cho đến thời điểm này, các quy định đối với hàng nông sản nhập khẩu từ nước ngoài chỉ mới dừng lại ở việc làm thủ tục thông quan tại cảng, hàng được đưa về kho của các công ty nhập khẩu rồi người của Chi cục Bảo vệ thực vật xuống lấy mẫu đem đi kiểm tra. Theo vị đại diện này, quy trình này tương tự mặt hàng thực phẩm đông lạnh ở giai đoạn trước đây, khi chưa phải có giấy phép của cơ quan thú y mới được thông quan như hiện nay.

Hồi giữa tháng 4, trước tình hình Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa giữa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và các hiệp định buôn bán biên mậu được áp dụng khiến cho hàng hóa nông sản của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN vào Việt Nam dễ dàng hơn nhờ mức thuế ưu đãi, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bên liên quan rà soát các khâu nhằm mục tiêu kiểm soát nhập khẩu nông sản, thực phẩm không cần thiết để bảo vệ hợp lý các mặt hàng nông nghiệp trong nước cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Trên thực tế, có thể nói sự vận dụng các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và các nước đang diễn ra rất tốt ở chiều nhập khẩu, nhưng ở chiều ngược lại liệu hàng xuất khẩu Việt Nam có được thuận lợi như vậy không là điều cần được quan tâm

(thesaigontimes)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Tìm giải pháp hỗ trợ nông sản
  • Thương hiệu nông sản - Mới xây đã muốn... sập!
  • Hạt điều Bình Phước: Khi nào hết “vô danh”?
  • Tan hoang vườn tiêu ở vùng trọng điểm Chư Pưh
  • Cấp thiết nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu
  • Cần nhập khẩu 300.000 tấn hạt điều nguyên liệu
  • Chế biến nông sản: Nguyên liệu “ăn đong”
  • Bài toán nông sản ngoại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container