Mấy năm gần đây, ĐBSCL rộ lên phong trào ào ạt xây dựng thương hiệu nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế Global Gap. Tiêu chuẩn này là “giấy thông hành” cho nông sản thâm nhập thị trường thế giới, thế nhưng, hiện mô hình kiểu mẫu này đang đuối sức…
Nhiều loại trái cây ĐBSCL được đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn đầu ra. Ảnh: HUỲNH LỢI |
Sống dở chết dở
Đi tiên phong là Vĩnh Long với bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, Tiền Giang có vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, lúa Mỹ Thành Nam, Bến Tre với chôm chôm Chợ Lách đạt tiêu chuẩn Global Gap. Hàng loạt loại đặc sản danh tiếng khác ở ĐBSCL như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, quýt hồng, cam mật, nhãn tiêu da bò, tiêu Phú Quốc đang “chạy đua” gắn mác Global Gap. Nông sản nâng cao được giá trị và xuất khẩu là niềm vui lớn của nông dân ĐBSCL, khẳng định sự nhạy bén ứng dụng kỹ thuật, thích ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, thực tế sau khi đạt chuẩn, nhiều mô hình lại “chết đứng” vì nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, như: sản lượng hạn chế, khó mở rộng diện tích, sản xuất mạnh ai nấy làm, thiếu vốn đầu tư. Hiện nay, diện tích cây ăn trái áp dụng quy trình này chưa nhiều, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) đều đạt quy trình sản xuất theo Global Gap 2 - 3 năm qua nhưng diện tích rất khiêm tốn, sản lượng thấp, nên không thể nhận đơn đặt hàng lớn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Sau 4 năm có “giấy thông hành” đến vụ mùa vừa qua mới xuất khẩu được hơn 10 tấn trái cây.
Việc phát triển diện tích áp dụng Global Gap cũng khó khăn. Tại HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, phải chờ đến cuối năm 2011 mới có thêm 100ha áp dụng tiêu chuẩn Global Gap trong khi diện tích canh tác loại đặc sản này tới 2.500ha. Còn vùng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) có 1.300ha nhưng diện tích áp dụng Global Gap chưa đầy 24ha. Hơn 2 năm qua, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa không mở rộng được diện tích, thậm chí một số trường hợp xin rút khỏi danh sách vì cảm thấy “đuối”.
Tại Bến Tre, lão nông Sáu Hớn ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách bỏ tiền túi, áp dụng thành công quy trình Global Gap trên vườn chôm chôm 6,4ha của mình. Sau thành công ban đầu, lão nông Sáu Hơn đề nghị chính quyền địa phương kêu gọi nông dân trồng chôm chôm áp dụng Global Gap để tạo thế mạnh cạnh tranh về sản lượng, chất lượng và giá cả. Nhưng gần 1 năm qua, tỉnh Bến Tre cũng có chừng ấy diện tích chôm chôm theo Global Gap. Một thực tế khác khiến nông dân chán nản là giá thu mua. Dù nông sản đạt chuẩn Global Gap nhưng không được các HTX mua với giá như cam kết, nhiều lúc giá ngang sản phẩm không đạt chuẩn. Đã vậy, nông sản còn bị loại do cảm tính của một vài cán bộ, cá nhân.
Thiếu quan tâm, ít đầu tư
Sầu riêng - một trong những đặc sản của ĐBSCL cần được đầu tư xây dựng thương hiệu. |
Thực tế, năng lực của phần lớn các HTX còn nhiều hạn chế. Hoạt động 4 năm qua, nhưng HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) dù được đầu tư kho lạnh, nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng chưa thể ký hợp đồng trực tiếp xuất khẩu với đối tác nước ngoài mà phải thông qua trung gian ở TPHCM.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Năng lực nhân sự HTX còn hạn chế, nhất là không biết ngoại ngữ nên khó tiếp cận khách nước ngoài”. Tại HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, tình trạng còn bi đát hơn. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm, lo ngại: “Sau khi đạt tiêu chuẩn Global Gap, HTX như bị bỏ rơi, không được đầu tư mở rộng diện tích. Thực tế, HTX không có vốn, không có tài sản thế chấp, trụ sở cũng ở tạm trên đất của xã không có giấy chủ quyền nên khó vay ngân hàng, không thể ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với nước ngoài mà phải qua trung gian. Nhiều lô hàng xuất 3-4 tháng vẫn chưa lấy được tiền trả cho nông dân. Vì không tiền làm kho lạnh trữ bưởi nên thường xuyên bị ép giá, hoặc xuất khẩu phải ghép chung với các loại trái cây khác”.
Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa tuy đạt chuẩn Global Gap nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý. Khi lãnh đạo HTX “la làng” vì không có 7.700 USD để trả chi phí cho cơ quan đến kiểm tra, đánh giá, xác nhận, tái công nhận tiêu chuẩn Global Gap (trước đây do Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN tài trợ), nguy cơ phá sản mô hình treo lơ lửng thì lãnh đạo địa phương mới chỉ đạo cùng gỡ khó (HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim may mắn hơn vì còn nguồn tài trợ từ dự án). Rất may là Ngân hàng Thế giới bắt đầu xúc tiến dự án mở rộng diện tích bưởi Năm Roi theo Global Gap. Coi như thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hòa vừa mới được cứu sống.
Theo các nhà khoa học nông nghiệp, thương hiệu nông sản quyết định sự phát triển của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Vì thế, phải xác định việc xây dựng thương hiệu là chiến lược mang tầm quốc gia. Nhà nông không thể đơn độc làm được mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và nông dân cần hiệp lực, coi đây là khâu quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở đó ban hành các chính sách ưu đãi doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu nông sản, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Từ năm 2010, ĐBSCL bắt đầu xây dựng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản khoảng 300.000ha, sản lượng khoảng 3 triệu tấn trái cây/năm, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa. Hình thành được các vùng chuyên canh sẽ rất thuận lợi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Đặc biệt là chất lượng đồng nhất về kích cỡ, màu sắc, hương vị.
Tuy nhiên, để hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản quy mô lớn, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc tổ chức, giúp nhà vườn liên kết với nhà khoa học, với doanh nghiệp. Đặc biệt, chính nông dân, những người trực tiếp sản xuất cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm làm ra ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và thế giới.
(Theo Bình Đại // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com