Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu đồ gỗ: Chưa qua khó khăn

Không có các biện pháp đồng bộ sẽ khó đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD đồ gỗ. Ảnh: Đức Thanh
Mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD đồ gỗ năm 2010 được coi là rất khó, do sức mua của các thị trường nhập khẩu vẫn thấp, trong khi nhiều nước siết chặt các quy định về đồ gỗ nhập khẩu.
 
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đồ gỗ trong quý I tăng đáng kể khi đạt kim ngạch 655 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Quyền, xuất khẩu đồ gỗ vẫn tập trung vào 3 thị trường chính là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Ngoại trừ thị trường Nhật vẫn tương đối ổn định thì sức mua của thị trường Mỹ chưa tăng nhiều, do các DN nhập khẩu chưa vượt qua khó khăn của suy thoái.

Năm 2009, nhập khẩu đồ gỗ của thị trường Mỹ giảm khoảng 15% so với năm 2008. Không những thế, do các nhà nhập khẩu đồng loạt hạ giá 10% đối với các đơn hàng, nên kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ của DN Việt Nam chỉ đạt khoảng 700 triệu USD, so với mức 950 triệu USD của năm 2008.

Trong những tháng cuối năm 2009, trước tình hình sản phẩm bí “đầu ra”, các DN Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, nhưng cũng không hề đơn giản.

“Năm 2009, Vifores cùng một số DN xuất khẩu đồ gỗ tiến hành khảo sát thị trường Bỉ với mục đích xây dựng kho ngoại quan tại đây. Mặc dù phía Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp lý, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được kế hoạch này, vì không có đơn vị nào đứng ra làm đầu mối”, ông Quyền nói và cho biết, nếu như có kho ngoại quan tại đây, xuất khẩu hàng sang thị trường Đông Âu sẽ rất thuận lợi, đồng thời có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú của khu vực này.

“Tín hiệu thị trường Đông Âu năm 2010 tương đối sáng sủa. Tuy nhiên, giá các đơn hàng xuất khẩu vẫn thấp hơn so với năm 2008”, ông Quyền cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty SADACO cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD đồ gỗ trong năm 2010, tăng gần 400 triệu USD so với năm 2009, là rất khó, nếu không có các biện pháp đồng bộ.

“DN đang rất kỳ vọng vào các thị trường mới. Đơn cử, thị trường Nga được đánh giá là thị trường đặc biệt tiềm năng đối với sản phẩm gỗ Việt Nam, nhưng xúc tiến thị trường này ra sao, ai là người tổ chức, kinh phí từ đâu vẫn đang bỏ ngỏ. Chắc chắn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, thì bản thân DN không thể tự làm được”, ông Mạnh nói.

Chia sẻ ý kiến này, giám đốc một DN xuất khẩu đồ gỗ cho biết, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ ở thị trường Nga vào khoảng 7 - 8 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, bán hàng vào thị trường Nga không hề đơn giản, do nơi đây vẫn sử dụng đồng rúp trong giao dịch, trong khi việc chuyển đổi rúp sang USD khá phức tạp. Ngoài ra, thuế xuất khẩu vào thị trường Nga cao và khí hậu lại khắc nghiệt, nên sản phẩm dễ xuống cấp và hư hỏng, có thể gây mất uy tín thương hiệu.

Ông Quyền cho hay, từ tháng 4/2010, Hoa Kỳ bắt đầu thực thi Đạo luật Leacy nhằm kiểm soát chặt  hơn tính hợp pháp trong việc khai thác và buôn bán gỗ, sản phẩm gỗ. Theo đó, các DN phải chứng minh nguồn gỗ, ván nhân tạo được sử dụng là hợp pháp, không vi phạm luật của nước bán gỗ, nước sản xuất và nước nhập sản phẩm. Nếu vi phạm đạo luật này, mức phạt sẽ rất cao, thậm chí phạt tù.

Điểm rất đáng lo ngại là, quy định sử dụng sản phẩm an toàn (các sản phẩm không độc hại đối với sức khoẻ con người) của Hoa Kỳ rất khắt khe, như quy định 200 hoá chất không được sử dụng trong các loại vải, trong khi đồ gỗ sử dụng khá nhiều vải (để bọc nệm ghế, dùng trong nôi trẻ em) và nhiều DN Việt Nam còn rất mơ hồ về loại vải nào được phép sử dụng, loại nào không được phép, dù Vifores và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã công bố.

Cũng từ năm 2010, Đạo luật FLEGT của EU đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, EU kiểm tra ngặt nghèo nguồn gốc gỗ, lượng hoá chất dư thừa trong sản phẩm. Do đạo luật này quy định rất chặt chẽ, nên các nước xuất khẩu gỗ cũng đang hạn chế khai thác.

Ông Quyền cho rằng, trong bối cảnh như vậy, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng hoàn thiện các chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, thay vì phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo thống kê của Vifores, giá nguyên liệu gỗ chiếm khoảng 60% giá trị sản phẩm, có nghĩa là trong 2,65 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả năm 2009, thì chi phí cho nguyên liệu nhập khẩu đã chiếm tới 1,59 tỷ USD. Trong 3 năm trở lại đây, các DN đã nhập trên 3 tỷ USD nguyên liệu (bằng 41,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ). Bên cạnh đó, hầu hết các nguyên vật liệu phụ trợ (ốc vít, tay nắm, chìa khoá, bản lề, giấy nháp, keo, sơn...) đều phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm cũng bị đội lên. “Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng không có nghĩa là giá trị gia tăng tăng tương xứng, nếu như không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu từ trong nước”, ông Quyền nói.

(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Xuất khẩu nông sản: Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó
  • Để ngành điều phát triển bền vững
  • Sản lượng điều xuất khẩu của Ấn Độ sụt giảm
  • Mỹ sẽ kiểm tra tiêu xuất khẩu của Việt Nam
  • Giá nhiều loại nông sản hồi phục
  • Năm khả quan cho xuất khẩu hồ tiêu
  • Nghịch lý cây điều: Xuất khẩu tăng, diện tích giảm
  • “Phập phồng” điều xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container