Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các liên doanh sản xuất ô tô đang "ký sinh" trên Nhà nước và người tiêu dùng

Hầu hết các liên doanh sản xuất ôtô tại Việt Nam chỉ tìm cách trục lợi bằng cách tận hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ mà “lờ” đi các cam kết trong giấy phép đầu tư.


Lắp ráp thủ công


Theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Tài chính, sau nhiều năm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỷ lệ nội địa hóa (NĐH) của 6 liên doanh sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam (liên doanh) vẫn còn xa mới đạt được con số 10%. Trừ Công ty Honda Việt Nam - tuy mới lắp ráp ôtô từ năm 2005, nhưng đã cố gắng đạt được tỷ lệ NĐH cao nhất trong 6 doanh nghiệp được kiểm tra là 10%, các liên doanh còn lại đều đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam trên dưới 10 năm nhưng tỷ lệ NĐH đều thấp hơn 10%. Công ty TNHH Ford Việt Nam (hoạt động từ năm 1996) đến nay mới đạt tỷ lệ NĐH bình quân 2%; Công ty TNHH Việt Nam-Suzuki (đầu tư sản xuất từ năm 2006) nhưng hiện mới đạt tỷ lệ 3%; Công ty ôtô Việt Nam Deawoo và Công ty TNHH ôtô Ngôi sao 4%...


Những số liệu này khiến không ít người ngỡ ngàng, bởi trước đó những con số tự công bố của các liên doanh này về tỷ lệ NĐH đều cao hơn rất nhiều. Ngay trong báo cáo gửi Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện chiến lược quy hoạch ôtô Việt Nam cuối năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã đưa ra tỷ lệ NĐH trung bình của các liên doanh là trên 20%, có sản phẩm đã đạt tỷ lệ NĐH tới 33%. Thậm chí có liên doanh còn tự khẳng định đã đạt tỷ lệ NĐH gần 40% (!?).


Trong khi đó theo giấy phép đầu tư, các liên doanh này (trừ Honda Việt Nam) đều cam kết phải đạt mức NĐH cao hơn rất nhiều. Đơn cử, theo giấy phép đầu tư, Công ty TNHH Ford Việt Nam phải đạt tỷ lệ NĐH trung bình 30% sau 10 năm hoạt động kể từ năm 1996.


Trong khi đó, để khuyến khích các liên doanh đầu tư nâng cao tỷ lệ NĐH, phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã cho các liên doanh này hưởng nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, đất, thủ tục hành chính... Kết quả là với tỷ lệ NĐH chỉ đạt từ 2 đến 10%, rõ ràng Việt Nam đã không có được ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa. Kiểm tra thực tế việc đầu tư sản xuất của các liên doanh, Bộ Tài chính đã đưa ra một kết luận: đến năm 2008, dây chuyền sản xuất lắp ráp ôtô của các liên doanh chủ yếu vẫn là thủ công, việc đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện trong nước để tăng tỷ lệ NĐH là không đáng kể.


Vì sao giá ôtô cao?
 

Trong khi đó, giá sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam đang vào loại cao nhất thế giới. Đó là một thực tế. Giải thích nguyên nhân giá ôtô sản xuất trong nước cao, các liên doanh đều đổ tội là do thuế. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, thuế nhập khẩu linh kiện bình quân chỉ chiếm 6% giá thành xe; còn thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm bình quân 27% giá thành xe.
 

Mặc dù dây chuyền lạc hậu, song các chi phí khác như linh kiện phụ tùng mua trong nước, phân xưởng, kinh doanh... được Bộ Tài chính nhìn nhận là khá thấp, ít tác động tới giá thành, giá bán sản phẩm. Chi phí chiếm tỷ lệ cao nhất, góp phần quan trọng làm giá lắp ráp xe ôtô tại Việt Nam cao chính là giá linh kiện phụ tùng nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm tới 48% tổng chi phí sản xuất kinh doanh.


Điều đáng lưu ý là hơn là các loại linh kiện phụ tùng nhập khẩu này đều được các liên doanh nhập từ các công ty thành viên của tập đoàn trong khu vực và trên thế giới. Trong khi linh kiện phụ tùng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành và giá bán thì giá các linh kiện này lại hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ trung thực khi kê khai của các liên doanh. Chính vì vậy không có gì lạ khi cộng giá phụ tùng linh kiện ôtô nhập khẩu vào Việt Nam có lúc đắt hơn xe nguyên chiếc tại nước khác. Dễ hiểu vì sao các liên doanh không thích đầu tư mua phụ tùng sản xuất trong nước để nâng cao tỷ lệ NĐH sản phẩm.


Quản lý lỏng, chính sách sơ hở
 
 
Vì sao 10 năm qua các liên doanh lại có thể làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như vậy? Nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách quản lý lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, đồng thời các cơ quan chức năng đã lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra, giám sát.


Theo Bộ Tài chính, mặc dù giấy phép đầu tư ban đầu có quy định đối với các liên doanh về lộ trình thực hiện NĐH sản xuất linh kiện trong nước nhưng các chính sách tiếp theo lại không đồng bộ, thiếu ràng buộc pháp lý chặt chẽ. Đơn cử như Quyết định 177/2004/QĐ-TTg ngày 5-10-2004 của Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2010” đã quy định  không tính thuế nhập khẩu theo linh kiện rời CKD, IKD (đồng nghĩa với việc tính theo tỷ lệ NĐH) mà  lại tính theo biểu thuế đối với linh kiện và phụ tùng nhập khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước. Còn Quyết định 43/2006/QĐ-BTC ngày 29-8-2006 đã bãi bỏ chính sách thuế theo tỷ lệ NĐH đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí-điện-điện tử. Thậm chí để thu hút đầu tư bằng mọi giá, UBND nhiều tỉnh khi cấp bổ sung giấy chứng nhận đầu tư đều tự ý bỏ các quy định về tỷ lệ NĐH và trao thêm cho doanh nghiệp chức năng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.


Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, chính sách tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện rời theo hướng khuyến khích NĐH gần như đã bị hạn chế bởi các liên doanh đều là các công ty đa quốc gia, việc sản xuất linh kiện, phụ tùng được công ty mẹ đầu tư, phân bổ theo vùng, lãnh thổ theo hướng tập trung hóa cao để cung cấp cho các công ty con.


Mặt khác, cơ quan cấp giấy phép đầu tư cũng đã không chú trọng đúng mức khâu hậu kiểm, để cho các liên doanh “phớt lờ” lộ trình NĐH đã cam kết. Tính đến tháng 10/2008, các liên doanh đều không thực hiện kê khai đăng ký tỷ lệ NĐH và Bộ Khoa học Công nghệ cũng không hề thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy xác nhận theo quy định!
 

*  Cuối tháng 9/2008, Thanh tra Bộ Tài chính đã thành lập 6 đoàn thanh tra tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế của 6 liên doanh sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Sau hơn 1 tháng làm việc, 6 đoàn đã hoàn tất chương trình kiểm tra, tuy nhiên phải sau đó 1 tháng, tháng 11, các biên bản làm việc mới được ký kết do các công ty còn phải chờ xin ý kiến với giám đốc ở nước ngoài.

*  Kiểm tra cho thấy Bộ Kế hoạch & Đầu tư và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã  thực hiện miễn giảm thuế  trong giấy phép đầu tư không đúng quy định cho 2 công ty là Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam.

*  5/6 công ty đã  không thực hiện đúng các quy định của Luật Kế toán như: sổ kế toán chỉ thực hiện ghi đơn, không ghi tài khoản đối ứng; không in sổ kế toán theo quý, năm và ký tên, đóng dấu lưu trữ; sổ kế toán, chứng từ hạch toán của công ty chỉ sử dụng tiếng Anh, không sử dụng tiếng Việt.

*  5/6 công ty hạch toán không đúng vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2007 tổng số tiền 27.281.560.685 đồng và 1.525.283,97 đô-la Mỹ.

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • DN sản xuất ôt tô trong nước: Vẫn ở điểm xuất phát
  • GM đối mặt với khả năng phá sản
  • Hãng xe Trung Quốc Chery "nhắm tới" Volvo
  • Doanh nghiệp ôtô: Thời điểm tốt để đầu tư và cải tổ
  • Tổng thống Mỹ Obama lập ban hồi phục ngành xe hơi
  • Giải cứu ngành ôtô Mỹ - Cuộc chơi nhiều rủi ro
  • Tháng ế ẩm nhất trong 3 năm của ôtô trong nước
  • Ngành ôtô Nhật đang khốn đốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container