Theo phản ánh của đa số các showroom ôtô nhập khẩu tại Hà Nội và Hải Phòng, những ngày gần đây lượng khách hàng đặt mua các loại xe Toyota có nguồn gốc từ Mỹ gần như là "zero" - Ảnh: Reuters. |
Không chỉ các loại xe Toyota nhập Mỹ chịu cảnh ế ẩm mà toàn bộ thị trường xe hơi nhập khẩu đang có cơ rơi vào cảnh chợ chiều.
Một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên sự khó khăn cho thị trường xe hơi nhập khẩu là sự e ngại của khách hàng về chất lượng sản phẩm và đặc biệt là chất lượng dịch vụ từ phía rất nhiều nhà cung cấp không chính thức.
Toyota nhập Mỹ gặp “hạn”
Ngay sau khi đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thông báo tạm ngừng cấp chứng nhận đăng kiểm đối với các loại xe Toyota nhập khẩu từ thị trường Mỹ thuộc diện thu hồi, thị trường ôtô nhập khẩu đã gần như lập tức quay ngoắt với các loại xe này.
Theo phản ánh của đa số các showroom ôtô nhập khẩu tại Hà Nội và Hải Phòng, những ngày gần đây lượng khách hàng đặt mua các loại xe Toyota có nguồn gốc từ Mỹ gần như là "zero". Thậm chí lượng khách hỏi thăm, khảo giá cũng rất hiếm gặp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Kylin GX 668, một nhà nhập khẩu lớn có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM, cho biết hiện các mác xe Toyota nhập từ Mỹ vốn rất ăn khách trước đây như Camry, Venza hay Avalon đang rơi vào cảnh ế ẩm trầm trọng. Hầu hết khách hàng đã chuyển sang mua xe mang các thương hiệu khác hoặc Toyota nhập từ các thị trường ngoài Mỹ.
Ông Tuấn cũng cho biết, sau quyết định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Kylin GX 668 sẽ tạm ngừng nhập khẩu các loại xe Toyota từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu có khách hàng đặt mua, công ty vẫn sẽ tiến hành nhập khẩu.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, thực tế tình cảnh ế ẩm của các loại xe Toyota nhập Mỹ không chỉ bắt đầu từ sau quyết định tạm ngừng cấp chứng nhận của ngành đăng kiểm mà đã khởi động từ hơn một tháng trước đây, tức thời điểm thông tin thu hồi xe Toyota tại Mỹ mắt đầu xuất hiện với mật độ dày trên các trang báo.
Một vài thống kê cho thấy, trong khoảng một năm trở lại thương hiệu Toyota thường chiếm từ 15 - 20% tổng lượng xe nhập, trong đó chủ yếu là các mác xe Camry, Venza và một số ít là Avalon, Rav4. Do vậy, việc xe Toyota bị khách hàng quay lưng lại sẽ khiến toàn bộ thị trường ôtô nhập khẩu gặp khó khăn trong thời gian tới.
“Ngại” dịch vụ hơn chất lượng
Đó là ghi nhận chung của phóng viên VnEconomy sau khi tiếp xúc với nhiều khách hàng đang có ý định mua xe nhập khẩu.
Anh Phùng Quang Lâm ở Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, thực tế có không ít người quan niệm giống anh là khi mua xe nhập không qua nhà phân phối chính thức thì điều e ngại nhất không phải chất lượng sản phẩm mà là chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp.
“Trước đây tôi từng mua một chiếc Daewoo Lacetti và khi xe có trục trặc, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi đem xe đi bảo hành, sửa chữa. Bởi thực tế dịch vụ bảo hành của đa số nhà nhập khẩu không chính thức là không có mà dịch vụ bảo dưỡng cũng không tốt. Dù mua xe mới 100% nhưng có thể coi là xe không được bảo hành bởi tôi đều phải mang xe đến các xưởng dịch vụ bên ngoài”, anh Lâm giãi bày.
Có cùng quan điểm giống anh Lâm, anh Trương Tuấn Anh ở Phương Liệt (Thanh Xuân - Hà Nội), cũng cho rằng đối với các loại xe nhập khẩu thì dịch vụ bán hàng và sau bán hàng mới là điều anh quan tâm nhất.
“Đặc biệt là sau sự kiện xe Toyota nhập Mỹ bị lỗi mà khách hàng trong nước như chúng tôi không được biết “số phận” chiếc xe của mình thế nào, muốn biết lại phải đi cậy nhờ. Còn khi biết xe của mình bị lỗi và thuộc diện thu hồi thì lại không được thu hồi vì là xe… “ngoài luồng”. Muốn xe được sửa, chúng tôi lại phải chi thêm không ít tiền trong về lý, xe của chúng tôi phải được bảo hành”, anh Tuấn Anh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xe Toyota nhập từ Mỹ bị lỗi tại Việt Nam không được thu hồi, dịch vụ bảo hành không được cung cấp, dịch vụ sửa chữa cũng không được đảm bảo thì số phận các loại xe nhập khẩu khác ngoài Toyota và nguồn Mỹ cũng sẽ tương tự. Trong khi đó, thời gian này không chỉ hãng Toyota thu hồi xe số lượng lớn mà nhiều hãng xe khác cũng đang “dính bão” thu hồi. Vì vậy, có lẽ người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải thận trọng hơn với quyết định tậu xế hộp của mình.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com