Xe 5 chỗ hay 7 chỗ sẽ được xem là dòng xe chủ lực của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam? Với những gì diễn ra đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong 15 năm qua thì câu trả lời là không dễ.
Sau gần 15 năm kể từ khi các ông lớn của làng ô tô thế giới như Toyota, Ford, Mercedes Benz có mặt tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô giờ đây vẫn đang tiếp tục lúng túng với câu hỏi: làm thế nào để có được sự phát triển đúng nghĩa, tức là mang lại giá trị gia tăng cao thông qua nội địa hóa nhiều và giá xe rẻ.
Mong ước này cũng đã được thể hiện trong chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô với các định hướng bước đầu làm xe tải, xe khách và sau đó chuyển sang xe con với mức độ nội địa hóa phấn đấu đạt khoảng 50 - 70% vào giai đoạn 2015 - 2020 chỉ là quy hoạch.
17 thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cùng với cả chục doanh nghiệp ô tô trong nước khác và các công ty nhập khẩu năm 2008 đã tiêu thụ được 150.000 xe ô tô các loại. Một năm trước đó, năm 2007, con số này vào khoảng 110.000 xe. Trong năm nay, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo mức tiêu thụ sẽ vào khoảng 130.000 chiếc. Nhưng dù có đạt hơn 100.000 xe/năm thì công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng còn lâu mới có thể tăng tốc khi con số nói trên được đóng góp bởi nhiều hãng, nhiều chủng loại xe khác nhau. Chính vì vậy, việc lựa chọn một dòng xe làm chủ lực để các doanh nghiệp tập trung vào phát triển và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ kịp thời được xem là không dễ dàng.
Hiện tại, có nhiều đề xuất chọn dòng xe du lịch 7 chỗ là dòng xe chiến lược cho công nghiệp ô tô Việt Nam bởi các nước láng giềng của Việt Nam hoặc đang chọn xe dưới 5 chỗ ngồi, hoặc xe bán tải (pick up) là dòng xe chiến lược. Chính trên quan điểm này, với sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ phía Công ty Toyota Việt Nam, mà khi thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe 6 - 9 chỗ bị điều chỉnh tăng mạnh từ 30% lên 50% kể từ ngày 1/4/2009, một làn sóng phản ứng trong công luận đã diễn ra.
Cũng dễ hiểu cho đề xuất của Toyota Việt Nam bởi dòng xe 7 chỗ mà hãng này phát triển tại Việt Nam qua nhiều năm như Zace hay giờ đây là Innova luôn có sản lượng tiêu thụ tốt. Năm 2007 lượng xe Innova tiêu thụ được là 12.433 xe; năm 2008 là 14.947 xe và trong 5 tháng đầu năm nay là 3.653 chiếc. Đề xuất này cũng được một số hãng khác có dòng xe 7 chỗ bán chạy như Ford Everest hay GM Captiva ủng hộ, dù mức bán chưa đạt tới 4.000 xe/năm. Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, dù chưa thể khẳng định đây có phải là dòng xe chủ lực hay không, nhưng phải thừa nhận xe 6 - 9 chỗ ngồi rất phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng ủng hộ việc lựa chọn xe 7 chỗ làm dòng xe chiến lược. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc của hãng xe nội Vinaxuki cho hay, trên thực tế người tiêu dùng Việt Nam đang lãng phí với xe 7 chỗ.“Chúng ta nên chọn các loại xe có dung tích động cơ nhỏ dưới 1.5 là xe chiến lược để có chính sách phát triển. Đây cũng là dòng xe được các nước khác chọn lựa bởi xét về lâu dài thì phù hợp với mức độ di chuyển của từng cá nhân”, ông Huyên nói.
Ngay hãng Mercedes Benz Việt Nam (MBV) cũng không chọn xe 7 chỗ làm dòng xe chiến lược cho mình. Tiến sỹ Udo Loersch, Tổng giám đốc Công ty ô tô Mercedes Benz Việt Nam - từng là Chủ tịch VAMA giai đoạn 2006 - 2008, khi được hỏi “có bình luận gì về việc chọn xe 7 chỗ để phát triển thành dòng xe chiến lược của Việt Nam” đã cho hay, tôi không phải là Chính phủ, cũng không phải là các hãng khác nên không thể nói được. “MBV cũng có những xe nhập khẩu là 7 chỗ nhưng giá khá cao, dù các loại xe này khá thành công ở Việt. Nhưng có quá nhiều xe loại to chạy ngoài đường vậy thì cũng ảnh hưởng tới đường phố”, TS Loersch nói.
Nhiều hãng xe cũng đã lách được những qui định về thuế để sống khỏe. Thuế nhập khẩu bộ linh kiện chỉ có 20%, xe nhập khẩu nguyên chiếc bị đánh thuế lên tới 83%, vì vậy họ chọn cách nhập khẩu linh kiện về lắp ráp tại Việt Nam. “Nếu nhập khẩu nguyên chiếc thì xe GLK sẽ có giá hơn 100.000 USD thay vì chưa tới 80.000 USD như khi chúng tôi nhập linh kiện về lắp ráp” - TS Loersch nói. Chính vì vậy, sau gần 15 năm, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô cũng không có những đột biến đáng kể dù các nhà sản xuất như Toyota Việt Nam hay Honda Việt Nam đã sớm để tâm tới vấn đề này ngay từ khi mới bắt đầu nhận giấy phép đầu tư.
Quay trở lại với giá xe. Năm 2003, giá một chiếc xe Mercedes loại E240 hay BMW seri5 là khoảng 70.000 nghìn USD. Còn năm 2009, giá của những chiếc xe trên vào khoảng 110.000 - 120.000 USD. Nhưng với tốc độ tiêu thụ xe không hề giảm trong những năm vừa qua đã cho thấy, chính tâm lý ham xài sang của người tiêu dùng Việt Nam đã tạo cơ hội cho các hãng xe sống tốt và ngân sách nhà nước có được một nguồn thu đáng kể.
Cách đây 3 năm, theo thống kê của cơ quan thuế, với số lượng xe bán được của các liên doanh khi đó chỉ vào khoảng 50.000 xe/năm thì chỉ riêng đóng góp của các liên doanh sản xuất ô tô đã chiếm tới 1/5 tổng thu ngân sách của hơn 5.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (trừ dầu thô). Với số lượng xe tăng gấp đôi so với 3 năm trước, và thuế cũng có nhiều thay đổi theo hướng tăng, có thể nói đây vẫn là nguồn thu không hề nhỏ.
Trở lại với câu chuyện chọn dòng xe nào là chủ lực đi kèm với các chính sách phát triển có liên quan, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, các doanh nghiệp nếu có sản xuất xe 6 - 9 chỗ sẽ bị thiệt do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh. Và khi không còn ưu đãi về thuế, doanh số giảm sút thì doanh nghiệp sẽ buộc phải hoãn kế hoạch đầu tư nội địa hóa. Việc các nhà hoạch định chính sách chọn dòng xe nào là dòng xe chiến lược có thể còn phải đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng rõ ràng với việc khách hàng đặt mua xe Honda Civic, Toyota Altis hay Vios bây giờ mà phải tới tận tháng 10 mới được lấy xe như hiện nay; hay như việc Mercedes Benz Việt Nam và Euro Auto (nhà nhập khẩu BMW chính hãng) chuyển hướng sang giới thiệu những dòng xe có động cơ thấp, thì một lần nữa doanh nghiệp lại không đợi cơ quan chức năng tìm tương lai cho mình.
(Theo Xuân Diệu // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com