Việc thực hiện chương trình nội địa hoá tại các công ty đều rất thấp so với những cam kết. Ảnh: Đức Thanh |
Các công ty được thanh tra bao gồm Công ty Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki, Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty Ô tô Việt Nam Daewoo, Công ty TNHH liên doanh Sản xuất ô tô Ngôi Sao và Công ty Honda Việt Nam.
Theo kết quả thanh tra, việc thực hiện chương trình nội địa hoá tại các công ty đều rất thấp so với những cam kết về tỷ lệ nội địa hoá như giấy phép đầu tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp lần đầu.
Theo giấy phép đầu tư, Công ty Toyota Việt Nam sẽ sử dụng linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước đạt ít nhất 30% giá trị xe sau 10 năm, kể từ năm 1996 (khi bắt đầu sản xuất). Nhưng thực tế đến hết năm 2007, tỷ lệ linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước của Toyota Việt Nam mới đạt bình quân là 7% giá trị xe.
Việc Toyota Việt Nam vốn tích cực nhất trong triển khai nội địa hóa, nhưng kết quả đạt được thấp cũng khiến cho người ta khó có thể hy vọng kết quả tốt hơn ở các công ty khác có lượng xe bán ra còn thấp hơn cả Toyota Việt Nam
Cụ thể, đến hết năm 2007, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki đạt tỷ lệ nội địa hóa 3% so với yêu cầu ít nhất 38,2% giá trị xe; Công ty TNHH Ford Việt Nam cũng mới đạt 2% so với yêu cầu 30%; Công ty Ô tô Việt Nam Daewoo đạt bình quân 4% giá trị xe; Công ty TNHH liên doanh Sản xuất ô tô Ngôi Sao mới đạt 4% giá trị xe; Công ty Honda Việt Nam đạt bình quân 10% giá trị xe.
Nguyên nhân chính khiến các liên doanh ô tô không thực hiện nội địa hoá sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô là do không có ràng buộc pháp lý rõ ràng, cụ thể và nhất quán. Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện dời theo hướng khuyến khích nội địa hoá gần như đã hạn chế việc đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước của các tập đoàn ô tô nước ngoài.
Đến thời điểm thanh tra, tháng 10/2008, các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong diện thanh tra đều không thực hiện việc kê khai, đăng ký tỷ lệ nội địa hoá và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không thực hiện kiểm tra, cấp giấy xác nhận theo quy định tại Quyết định số 28/2004/QĐBKHCN ngày 1/10/2004 và Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của bộ này. Đây là những nguyên nhân mà các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho rằng không còn bị ràng buộc bởi điều kiện phải thực hiện việc nội địa hoá sản phẩm theo quy định tại giấy phép đầu tư ban đầu.
Thờ ơ với việc đầu tư sản xuất linh phụ kiện ở Việt Nam, nhưng giá bán xe ô tô của các liên doanh lại cao ngất ngưởng. Theo kiểm tra, dù có nhiều lợi thế về điều kiện sản xuất - kinh doanh, như chi phí nhân công rẻ, được nhiều ưu đãi về đầu tư của Chính phủ, nhưng tại 6 công ty được thanh tra, giá bán lẻ các sản phẩm ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đều cao hơn giá ô tô cùng loại bán tại thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài các nguyên nhân như chi phí điện, nước, chi phí vận chuyển, bốc xếp có chiều hướng tăng hàng năm, thì dây chuyền công nghệ lạc hậu (cả 6 công ty được thanh tra đều sử dụng dây chuyền hầu hết là thủ công) cũng làm tăng giá thành sản xuất.
Năm 2008, khi Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô theo Quyết định số 17/2008/QĐ-BTC, ngày 17/4/2008 và Quyết định 37/2008/QĐ-BTC, ngày 12/6/2008, thì ngay lập tức liên doanh đã tăng giá bán ô tô với lý do bù đắp chi phí từ việc tăng thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng.
Ngoài yếu tố thuế nhập khẩu tăng, các liên doanh đều cho rằng, các yếu tố khác như giá điện nước, chi phí vận chuyển… tăng cũng là nguyên nhân để tăng giá bán xe. Nhưng trớ trêu là, với một số loại xe ít được khách hàng ưa chuộng hoặc tiêu thụ chậm, thì các liên doanh lại không điều chỉnh tăng giá bán.
Trên thực tế, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam do hàng bán chạy nhất cũng đã 2 lần tăng giá bán lẻ đến người tiêu dùng, với mức tăng từ 800 USD đến 1.600 USD, để bù đắp lại các khoản chi phí trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2008.
Công ty Honda Việt Nam năm 2007 cũng thay đổi giá bán 1 lần với Hona Civic 1.8 AT, với mức tăng 3,59%, trong khi loại Civic 1.8 MT giảm 3,12% và xe Civic 2.0 AT giá bán không thay đổi. 6 tháng đầu năm 2008, Công ty 2 lần thay đổi giá bán xe, trong đó giá bán ô tô loại 1.8AT tăng 1,82%, xe loại 1.8MT tăng 1,38%, xe loại 2.0AT tăng 1,1%.
Trong khi đó, Công ty TNHH Ford Việt Nam lại giảm giá bán một số mẫu xe từ 1-10%, như xe Focus 2.0 AT loại 5 cửa giảm 1%; Escape 2.3 XLS và Ranger 4x2 XL Canopy giảm 10%. Còn Công ty liên doanh Sản xuất ô tô Ngôi Sao cũng đã có 4 lần điều chỉnh giá bán, trong đó xe Grandits Standard năm 2008 tăng 990 USD/xe; các mặt hàng xe tải tăng bình quân 5.000 USD/xe trong năm 2008.
(Theo Hoàng Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com