Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trở lại câu chuyện vì sao giá xe trong nước quá cao?

Kết quả các cuộc thanh tra của thanh tra bộ Tài chính vừa qua tại sáu doanh nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô đã hé mở phần nào những nguyên nhân vì sao giá xe trong nước quá cao.

Không chỉ có vấn đề nội địa hoá sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô đạt quá thấp theo yêu cầu, nhiều liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trong nhiều năm qua đã bán xe với giá quá cao so với giá bán xe cùng loại trên thị trường thế giới. Cùng với chính sách đánh thuế cao vào xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, các cơ quan quản lý nhà nước đã khiến cho người tiêu dùng không chỉ phải chấp nhận mua xe với giá cao ngất ngưởng, mà còn phải xếp hàng chờ hàng tháng, nửa năm, cả năm… để mua được chiếc xe ưng ý.

Theo kết quả tổng hợp của thanh tra ngành tài chính, trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của sáu công ty liên doanh ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thì linh kiện, vật tư nhập khẩu chiếm khoảng 49%; linh kiện, phụ tùng mua trong nước (gọi là nội địa hoá) trung bình chỉ 5%. Chi phí phân xưởng chiếm khoảng 6%. Chi phí kinh doanh chiếm 10%. Còn lại, thuế nhập khẩu linh kiện chiếm khoảng 7% và thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm một tỷ lệ khá lớn: trung bình 27%.

Trong khoản chi phí mua sắm vật tư, linh kiện từ nước ngoài về sản xuất, lắp ráp, ở các công ty khác nhau thì tỷ lệ này cũng rất khác nhau. Ví dụ như tại công ty TNHH Việt Nam Suzuki, linh kiện nhập khẩu năm 2007 chiếm bình quân 57% tổng chi phí sản xuất. Ở công ty Ford Việt Nam, tỷ lệ này là 53%, công ty Toyota: 53%... Các công ty chủ yếu nhập khẩu từ các công ty thành viên của tập đoàn trong khu vực và trên thế giới. Nhưng vấn đề ở đây là giá linh kiện nhập khẩu cao hay thấp lại tuỳ thuộc vào sự kê khai của các công ty liên doanh này, vượt khỏi khả năng kiểm soát của nhà quản lý. Thực tế từ trước đến nay, các cơ quan nhà nước không quản lý, giám sát được giá linh kiện, phụ tùng đầu vào nhập khẩu của các công ty sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Bên cạnh đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp này chấp nhận sử dụng dây chuyền lạc hậu (cả sáu doanh nghiệp được thanh tra đều sử dụng dây chuyền thủ công) không quan tâm đến giá sản xuất có cạnh tranh so với các dây chuyền hiện đại ở nước ngoài, vì đã có hàng rào bảo hộ che chắn.

Một điểm cần phải nhấn mạnh thêm là các liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam có rất nhiều lợi thế, ưu đãi so với các doanh nghiệp sản xuất ôtô ở các nước khác như: chi phí nhân công rẻ, nhiều ưu đãi về thuế (như ưu đãi về thuế để thực hiện chính sách nội địa hoá), nhà nước đánh thuế cao ôtô nguyên chiếc nhập khẩu để bảo hộ cho các liên doanh này… Thế nên, giá bán ôtô trong nước quá cao so với xe cùng loại ở thị trường bên ngoài – có vẻ như giá xe trong nước được làm giá so với giá xe bên ngoài, chứ không được xây dựng trong một môi trường cạnh tranh. Ví dụ, tính vào thời điểm đang tiến hành thanh tra (tháng 11.2008): xe Toyota Corolla 1.8 Mt sản xuất trong nước giá 19.523 USD trong khi xe cùng loại ở nước ngoài chỉ có 15.350 USD. Xe Toyota Camry 2.4 sản xuất trong nước lúc đó giá 29.523 USD trong khi giá xe cùng loại bên ngoài có nơi bán thấp nhất là 20.195 USD, nơi bán cao nhất là 25.575 USD. Xe Camry 3.5, giá bán xe sản xuất trong nước là 38.510 USD thì bên ngoài nơi bán thấp nhất là 24.215 USD và cao nhất cũng chỉ 28.695 USD.

Một số công ty không chỉ đã được miễn giảm thuế theo chính sách ưu đãi (để khuyến khích nâng dần tỷ lệ nội địa hoá) mà còn được miễn, giảm thuế… sai chế độ. Thanh tra đã phát hiện việc bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc miễn, giảm thuế không đúng chế độ cho hai công ty. Ví dụ như công ty Honda Việt Nam đã được cả bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp vượt quá một năm so với quy định trong luật và vượt quá quy định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp một năm. Công ty Toyota Việt Nam cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho miễn thuế thu nhập doanh nghiệp một năm và kéo dài thời gian được giảm thuế thu nhâp doanh nghiệp (50%) thêm một năm. Sau khi thanh tra làm ra chuyện, cuối năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải điều chỉnh lại quy định miễn, giảm thuế cho Toyota Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.

Không chỉ có vậy, trong việc chấp hành chế độ hạch toán doanh thu, chi phí, hầu hết các doanh nghiệp liên doanh sản xuất ôtô đều có vi phạm. Ví dụ, năm 2007, có 5/6 công ty đã hạch toán không đúng vào chi phí sản xuất kinh doanh số tiền trên 27,28 tỉ đồng và trên 1,52 triệu USD. Công ty Honda Việt Nam đã hạch toán không đúng chi phí sản xuất, kinh doanh số tiền 797.401 USD. Công ty Việt Nam Daewoo cũng bị phát hiện hạch toán chi phí sai số tiền 373.325 USD do hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá sai, hạch toán chi phí quản lý không đúng… Về chấp hành các luật thuế, cũng có tới 5/6 công ty vi phạm nặng: kê khai thiếu thuế VAT đầu ra phải nộp, kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ không đúng số tiền 940 triệu đồng và 6.797 USD. Phần lớn các doanh nghiệp được thanh tra phải kê khai nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu…

Có thể nói, cuộc thanh tra chuyên đề về giá lắp ráp, kinh doanh xe ôtô trong nước là một cuộc thanh tra lớn, đã cho thấy các công ty lắp ráp xe trong nước không phải cạnh tranh với xe nhập khẩu qua những cam kết với nhà đầu tư và môi trường toàn cầu hoá, nên tha hồ tính khống giá thành, vẫn lời chán. Vấn đề là sau đây, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm gì để các doanh nghiệp này không tiếp tục kê khống các khoản chi phí, không gian lận về thuế… để người tiêu dùng được mua xe với giá hợp lý nhất.

(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Volvo sắp về tay người Trung Quốc
  • Ôtô nhập khẩu lập đỉnh mới
  • 10 sự kiện, vấn đề ôtô nổi bật năm 2009
  • Sản xuất ô tô: Câu chuyện nội địa hóa
  • Đạt 2 – 7%: vỡ mộng nội địa hoá sản xuất ôtô
  • Sản lượng ôtô Nhật Bản đạt kỷ lục tại châu Á
  • Người Việt hài lòng nhất với dịch vụ ôtô của Honda
  • Dòng xe du lịch chiến lược : Triển khai thế nào ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container