Một số DN thương mại chuyên kinh doanh ôtô, xe máy nhập khẩu đang “ngồi trên lửa” vì bị ngân hàng áp dụng biện pháp “phanh gấp”.
Theo ông Trịnh Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Thương mại Nghệ An, từ khoảng trung tuần tháng 12 đến nay, Cty của ông không thể thực hiện các hợp đồng nhập khẩu ôtô do các ngân hàng không bán USD cho các đơn hàng nhập khẩu ôtô, xe máy nguyên chiếc. Ông Sơn cho biết chưa hề nhìn thấy văn bản hay công văn nào, nhưng khi cán bộ Cty đến ngân hàng thì nhận được trả lời, có chỉ đạo không bán USD cho các đơn hàng nhập khẩu ôtô.
Giải pháp “giật cục” ?
Nhằm hạn chế nhập khẩu ôtô, bộ Công Thương mới đây đã có đề xuất tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc lên mức trần theo cam kết WTO là 91%. Hiện tại, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đang ở mức 83%.
Thị trường ôtô giá đã tăng vọt giờ lại thêm lo ngại. Theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế, biện pháp hạn chế nhập ôtô trong vài tuần cuối năm mang nặng tính “chạy chỉ tiêu” hơn là kiềm chế nhập siêu. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế nhận định, biện pháp này nặng về hình thức và tạo con số nhập siêu giả tạo. Những lô hàng nhập về VN trong tháng 12 đã được DN ký hợp đồng và thanh toán một phần tiền cho đối tác từ lâu rồi. Dù có thông quan chậm, kim ngạch nhập khẩu đó vẫn tính sang năm 2010 chứ có hạn chế được nhập siêu đâu.
Theo cam kết trong WTO, tất cả các loại xe ôtô phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm kể từ khi gia nhập. Như vậy tới năm 2014 thuế nhập khẩu ôtô sẽ đồng loạt áp dụng mức 70% và đến năm 2018, mức thuế áp dụng chỉ còn 0%. Thuế suất 0% này sẽ áp dụng cho tất cả các loại xe nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thuộc ASEAN và các nước thành viên WTO.
Cần cái nhìn dài hơi
Theo TS Nguyễn Đức Thành - GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH quốc gia Hà Nội), các biện pháp ngắn hạn trên làm méo mó hoạt động kinh tế và đảo lộn kế hoạch của DN. Dù thị trường khan hàng thực sự hoặc giả tạo và người tiêu dùng “nhịn” mua sắm đến hết tháng 12, rất có thể người bán vẫn áp đặt giá cao hơn bình thường sang đầu năm 2010.
Hiện tại, thuế nhập khẩu với mặt hàng ôtô nguyên chiếc đang ở mức 83%. Cho dù, mức thuế năm 2010 có thể được áp dụng như đề xuất của Bộ Công thương tăng lên 91% thì nó vẫn buộc phải kéo về mức 0% vào năm 2018, theo đúng cam kết WTO. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã tăng gần như liên tiếp với mức cao kể từ tháng 5/2009 trở lại đây, duy nhất có tháng 8 giảm nhẹ so với tháng 7. Ước tính đến hết tháng 11/2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đạt khoảng 66.300 chiếc với giá trị hơn 1 tỷ USD. Mặc dù, theo yêu cầu của chiến lược phát triển công nghiệp ôtô VN, trung bình tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe đạt 40 - 45% vào năm 2005 và đạt khoảng 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, kết quả thanh tra một số DN sản xuất ôtô trong nước mới đây lại cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa gần như không tăng trong hơn 10 năm trở lại đây. Ngành công nghiệp ôtô trong nước rõ ràng vẫn chưa được hình thành và chủ yếu vẫn là sản phẩm lắp ráp bằng linh kiện, máy móc nhập từ bên ngoài (nên cũng không hạn chế được nhập siêu).
Theo tin từ Bộ Công thương, bộ này sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tối đa nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu như ôtô, điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm, rau quả. Đồng thời, Bộ Công thương đề xuất Ngân hàng nhà nước xem xét kỹ hoặc dừng không cho vay ngoại tệ nhập khẩu đối với những mặt hàng xa xỉ trong tháng 12. Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật như kéo dài thời gian thông quan hoặc kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu cũng đang được tính đến. |
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com