Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Loay hoay dòng xe “chiến lược”

Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu một số bộ, ngành đóng góp ý kiến bằng văn bản để lãnh đạo Chính phủ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc phát triển dòng xe ôtô chiến lược do bộ Công thương đề xuất. Đến nay, những ý kiến đưa ra rất khác nhau. Và theo VAMA (hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ôtô Việt Nam), chính vì sự khác nhau ấy, Chính phủ cần gấp rút thành lập một nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia của nhiều bộ, ngành và VAMA... để thảo luận rộng rãi, nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định một dòng xe chiến lược của Việt Nam.

Theo đề xuất của bộ Công thương, nên chọn loại xe đa dụng 6 – 9 chỗ ngồi, dung tích động cơ nhỏ hơn 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Cho dù được một số ý kiến đồng tình tại hội thảo gần đây do bộ này tổ chức nhưng cũng có không ít ý kiến không cho rằng sự lựa chọn của bộ Công thương là hay. Có người đã đặt câu hỏi về sự khách quan của bộ Công thương khi đúng vào thời điểm bộ Công thương có tờ trình về dòng xe “chiến lược” thì Toyota đã giới thiệu dòng xe Avanza nhập khẩu bảy chỗ ngồi, động cơ 1,5 lít tại Vietnam Motor Show 2009. Bộ Tài chính đã lên tiếng, rằng, “việc chọn một dòng xe chiến lược đồng nghĩa với tạo lợi thế cạnh tranh cho một chủng loại xe trong số các chủng loại xe có trên thị trường nội địa”. Cho nên, việc Chính phủ yêu cầu các bộ đề xuất ý kiến riêng của mình về dòng xe chiến lược lúc này, là một bước đi cần thiết nhằm đưa đến sự lựa chọn đúng đắn, khách quan.

Và quả thực, những ý kiến rất khác nhau từ các bộ cho thấy, đây là vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn nữa để tránh những sai lầm như với chính sách nội địa hoá sản xuất linh kiện, phụ tùng để phát triển ngành công nghiệp ôtô trước đây. Trên thực tế, có sự phân khúc thị trường rất khác nhau giữa các dòng xe mà các tiêu chuẩn như động cơ nhỏ, giá rẻ... như bộ Công thương nêu chưa hẳn đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đã có nhiều loại xe Trung Quốc cũng có dung tích xilanh 1,5 lít, từ 6 – 9 chỗ ngồi... nhưng bán ở thị trường Việt Nam rất chậm.

Một số chính sách mà bộ Công thương đề nghị cũng đã bị một số bộ, ngành khác cho rằng không phù hợp. Ví dụ với như đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhà sản xuất dòng xe chiến lược, bộ Tài chính cho rằng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các văn bản hướng dẫn không có quy định nào về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Hơn nữa, theo bộ Tài chính, việc ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để nội địa hoá sản xuất một mặt hàng nào đó, không riêng ôtô, là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO. Các đề nghị khác của bộ Công thương về ưu đãi, giảm thuế khác như thuế VAT, thuế trước bạ cũng được bộ Tài chính cho là không phù hợp.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đóng góp một ý kiến đáng chú ý. Theo bộ này, trong khi bộ Công thương chọn loại xe sử dụng xăng, dầu thì nhiều hãng xe trên thế giới đã chuyển sang sản xuất loại xe thân thiện với môi trường có sử dụng kết hợp động cơ chạy bằng nhiên liệu truyền thống với việc sử dụng nhiên liệu sạch như: gas, điện, năng lượng mặt trời... Hơn nữa, theo bộ Kế hoạch và đầu tư, việc bộ Công thương chọn loại xe 6 – 9 chỗ mà chưa tính đến hàng hoá kèm theo là chưa phù hợp với điều kiện địa lý, chất lượng hạ tầng của giao thông Việt Nam trong những năm tới.

Về phía bộ Khoa học và công nghệ, bộ này cho rằng, nếu chọn xe dung tích xilanh dưới 1,5 lít là không phù hợp với thực tế của Việt Nam vì xe loại này khi đi ở nông thôn và miền núi thì dung tích đó không đảm bảo công suất, khi chạy dễ bị quá tải, chóng hỏng máy và gây ô nhiễm môi trường. Bộ Khoa học và công nghệ còn cho rằng, nếu là xe chiến lược thì bộ Công thương phải tính đến cả khả năng xuất khẩu mới kích thích được việc sản xuất phụ tùng linh kiện tại Việt Nam.

Trên đây chủ yếu mới là ý kiến của một số bộ, nếu đưa ra thảo luận rộng rãi chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến xác đáng hơn nữa để Chính phủ xem xét. Một vấn đề rất đáng lưu tâm là hiện nay, dù doanh số bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn tăng trưởng tốt, xe sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng các dòng xe vẫn đang phụ thuộc lớn vào linh phụ kiện nhập khẩu. Với các cơ sở sẵn có tại các nước ASEAN lân cận, các hãng đã được hưởng lợi đáng kể từ ưu đãi thuế trong khu vực AFTA. Nay nếu đưa thêm ưu đãi thuế cho dòng xe sử dụng linh kiện ASEAN như ý kiến từ bộ Công thương, chắc chắn sẽ không thúc đẩy việc sản xuất tại Việt Nam của các hãng xe. Vì thế, nếu dòng xe chiến lược theo đề xuất của bộ Công thương được chấp nhận, sẽ lại làm lợi cho nền công nghiệp của các nước láng giềng như người ta đã làm trong chương trình nội địa hoá ôtô từ trước đến nay.

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Tiêu thụ xe hơi ở châu Âu giảm 1,6% năm 2009
  • Hàn Quốc sản xuất ôtô điện chạy được dưới nước
  • Điểm mặt 5 hãng xe tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam
  • Ngành công nghiệp xe hơi khởi sắc
  • Bốn sự kiện làm thay đổi ngành công nghiệp ôtô
  • Thị trường ôtô : Tăng đầu năm, cuối năm có giảm?
  • Năm 2009, bán ra gần 120.000 ôtô “nội” các loại
  • Trung Quốc: Thị trường ôtô hấp dẫn nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container