Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường ô tô Việt Nam: Tiềm năng lớn - Thách thức nhiều

Công nhân của nhà máy Vinaxuki ở khu công nghiệp Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Hùng.

Thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhưng tiềm năng này chỉ được đánh thức khi giá xe được đưa về mặt bằng giá chung của khu vực và thế giới. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước.

Sức tiêu thụ ô tô ở thị trường Việt Nam đang gượng dậy mạnh mẽ sau nhiều tháng trầm lắng. Chỉ trong tháng 10-2009, các nhà sản xuất và nhập khẩu đã bán được gần 20.000 xe, riêng các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tiêu thụ được gần 12.000 chiếc.

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, VAMA đã bán được 92.130 xe các loại. Nếu tính cả ô tô nhập khẩu, toàn thị trường đã tiêu thụ gần 150.000 chiếc. Nhóm các loại xe du lịch và xe tải vẫn là những sản phẩm bán chạy nhất, kế đến là loại xe đa dụng và xe việt dã.

Sự hồi phục này phần lớn là nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ. Việc giảm thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ đã giúp giá các loại ô tô giảm trung bình 2.000-3.000 đô la Mỹ/chiếc và gần như ngay lập tức đã có tác động tích cực đến thị trường.

Hiện nay, phần lớn các nhà sản xuất ô tô trong nước vẫn trong tình trạng sản xuất không kịp đơn đặt hàng. Còn với thị trường ô tô nhập khẩu, cho dù Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng mức giá để tính thuế nhập khẩu, khiến cho giá xe nhập nguyên chiếc tăng từ 1.000-3.500 đô la Mỹ/chiếc, nhưng lượng xe nhập về Việt Nam vẫn không giảm.

Nếu sắp tới không có sự thay đổi bất ngờ nào về chính sách thuế, nhiều khả năng mức tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam năm nay sẽ chạm ngưỡng 200.000 xe.

Tuy nhiên, sự hồi phục này không vững chắc, vì nó phụ thuộc vào chính sách kích cầu của Chính phủ, mà chính sách này lại chỉ mang tính tạm thời. Ông Akito Tachibana, Chủ tịch VAMA, cho rằng sức mua ô tô có thể giảm 20% vào đầu năm tới, khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ chấm dứt.

Dù sao, Việt Nam vẫn là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành công nghiệp này. Nếu so với Thái Lan, quốc gia có ngành ô tô phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, mức tiêu thụ 200.000 xe của Việt Nam trong năm nay vẫn chưa thấm vào đâu. Nhưng nếu xem xét trong điều kiện mặt bằng giá ô tô tại Việt Nam đắt hơn gần hai lần so với Thái Lan và 2,5-3 lần so với các nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 chỉ hơn 1.000 đô la Mỹ/năm, thì con số kể trên vẫn rất đáng kể.

Trong những năm qua, tuy có những thời điểm trồi sụt, nhưng nhìn chung thị trường ô tô Việt Nam vẫn phát triển rất mạnh. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, lượng xe bán ra thị trường đã tăng gần 1,5 lần so với mức tiêu thụ của cả năm 2007 và gấp ba lần so với năm 2006. Đây là sự phát triển rất ấn tượng. Nếu giá ô tô giảm một nửa so với hiện nay, tương đương mặt bằng giá của Thái Lan, sức tiêu thụ của thị trường sẽ không chỉ tăng gấp đôi, mà có thể là gấp ba, bốn lần.

Nguyên nhân chính làm cho giá ô tô tại Việt Nam cao ngất ngưởng là do thuế. Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc là 83% và thuế tiêu thụ đặc biệt, tính theo giá nhập cộng với thuế nhập khẩu, là 50%. Ô tô lắp ráp trong nước được ưu đãi hơn khi nhập linh kiện, phụ tùng, với thuế nhập áp dụng với động cơ là 20% và 15% với phụ tùng.

Nhưng do sản lượng lắp ráp ít, lại tốn nhiều chi phí cho khâu lắp ráp sơ bộ ở một nhà máy trung gian, đóng gói, vận chuyển, nên giá bán cũng không rẻ hơn bao nhiêu so với xe nhập. Với các cam kết về cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), chắc chắn trong 10 năm tới giá ô tô tại Việt Nam sẽ giảm.

Theo cam kết trong WTO, đến năm 2014, thuế nhập khẩu các loại ô tô sẽ phải giảm xuống 70% và đến 2017 thuế nhập khẩu ô tô chở người sẽ là 47%. Riêng trong khuôn khổ AFTA, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các loại ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống vào 2018. Tới lúc ấy, nếu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn giữ nguyên mức như hiện nay, mặt bằng giá ô tô sẽ giảm mạnh và đây sẽ là cú hích quan trọng để thúc đẩy thị trường ô tô phát triển.

Tuy nhiên, đối với ngành lắp ráp ô tô trong nước, thời điểm 2017-2018 lại là một thách thức rất lớn. Đến nay, ngành này vẫn còn tồn tại và phát triển được là nhờ vào hàng rào bảo hộ bằng thuế quan. Với giá thành sản xuất như hiện nay, chắc chắn sẽ không doanh nghiệp nào có thể tồn tại, một khi thuế nhập khẩu xe từ những nước ASEAN được cắt xuống còn 0%.

Lúc ấy, chắc chắn nhiều công ty sẽ đóng cửa nhà máy và chuyển sang làm dịch vụ nhập khẩu và hậu mãi, giống như kịch bản đã xảy ra đối với một số doanh nghiệp lắp ráp hàng điện tử. Thời gian còn lại tuy không nhiều, nhưng nếu Việt Nam muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa, thay vì chỉ lắp ráp ở công đoạn cuối, thì cơ hội vẫn còn.

Cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam là thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ. Sau nhiều năm áp dụng chính sách nội địa hóa bằng biện pháp hành chính, đến nay dù có một số công ty tuyên bố đạt được tỷ lệ nội địa hóa 35-40% đối với một số dòng xe, nhưng nhìn chung ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô gần như vẫn là con số không. Có thể nói, hình thành được ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng mạnh là chìa khóa để ô tô chế tạo tại Việt Nam có giá thành mang tính cạnh tranh quốc tế. Nhưng công nghiệp phụ trợ không thể phát triển với quy mô thị trường ô tô còn quá nhỏ bé như hiện nay.

Như đã trình bày ở trên, thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhưng tiềm năng này chỉ được đánh thức khi giá xe được đưa về mặt bằng giá chung của khu vực và thế giới. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước.

Cho đến nay, chính sách đối với ngành ô tô vẫn còn mơ hồ. Mặc dù các quan chức của Bộ Công Thương vẫn tuyên bố Việt Nam muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp này nhưng chính sách về thuế lại đi ngược lại. Việc áp đặt thuế suất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cao cũng đồng nghĩa với việc giới hạn sức phát triển của thị trường. Điều này có thể xuất phá từ hai nguyên nhân: mạng lưới đường bộ kém phát triển nên phải hạn chế lượng xe tham gia giao thông và thuế đánh trên ô tô đang là nguồn thu lớn cho ngân sách. Lẽ đương nhiên, cắt giảm thuế sẽ làm ngân sách thất thu không nhỏ, nhưng đó chỉ là sự suy giảm tạm thời.

Một khi ô tô trở thành một ngành công nghiệp lớn, hiệu quả thu lại sẽ nhiều hơn gấp bội so với những thiệt hại trước mắt. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng nhiều lần khuyến nghị, Chính phủ khó mà cải thiện điều kiện yếu kém của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nếu không thu hút được khu vực tư nhân tham gia. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, thị trường ô tô phát triển sẽ là động lực quan trọng để tư nhân đầu tư mở rộng mạng lưới giao thông.

Ngoài ra, điều doanh nghiệp ngành ô tô cần ở Chính phủ là sự ổn định về chính sách và có chiến lược phát triển rõ ràng. Những năm qua, chính sách đối với ngành này, nhất là thuế, thường xuyên thay đổi và khó dự đoán. Chính vì vậy, không nhà sản xuất nào có thể yên tâm để xây dựng những kế hoạch đầu tư dài hạn. Hiện nay, tuy thị trường đang khởi sắc, nhưng rủi ro vẫn đang đe dọa.

Bộ Tài chính đang có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô lên 60% đối với xe có dung tích xi lanh dưới 3 lít, và xe trên 3 lít là 70%. Nếu chính sách này được áp dụng, thị trường ô tô sẽ lại rơi vào suy thoái.

(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Thị trường ô tô: Nghịch lý về quyền lợi
  • Bất ngờ xe “chiến lược”!
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Ôtô thương hiệu Việt, tại sao không?
  • Dòng xe chiến lược quốc gia: Loại nào?
  • Sản lượng ôtô của Trung Quốc lần đầu chạm mốc 10 triệu xe
  • Lại khủng hoảng thừa xe “ngoại”?
  • Định hướng ôtô “nội”: Làm mới chuyện cũ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container