Tháng 8 đã diễn ra triển lãm ôtô lớn nhất trong năm. ảnh QH |
Sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trong tháng 8 vừa qua tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, bất chấp hồi cuối tháng đã diễn ra triển lãm ôtô lớn nhất trong năm.
Vẫn chỉ xe thương mại bị ế
Số liệu được Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam công bố ngày 9/9 cho thấy, các thành viên của Hiệp hội này bán được tổng cộng 7.809 xe trong tháng 8 vừa qua, giảm 7% so với tháng trước. Sự sụt giảm chung này cũng vẫn là do sự "giảm dần đều" của các mẫu xe thương mại, chủ yếu là xe tải do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Nếu chỉ tính về lượng, xe du lịch và xe hai cầu, đa dụng có mức tiêu thụ khá ổn định, cùng đạt mức trên 2.200 xe trong hai tháng gần đây. Trong khi đó, xe thương mại giảm thê thảm, từ mức kỷ lục 8.185 chiếc hồi tháng 4 hiện còn 3.250 chiếc, chỉ còn tăng được đúng 2% so với cùng kỳ năm trước (tháng trước vẫn còn tăng 24% so cùng kỳ).
Tuy nhiên, nếu tính chung tất cả các dòng xe so cùng kỳ năm ngoái thì sản lượng bán ôtô trong nước tháng 8 vẫn tăng được 21%, đúng bằng mức tăng của xe hai cầu, xe đa dụng; và xe du lịch tăng mạnh nhất với mức tăng 62%.
Tình trạng ảm đảm xảy ra với 10 trên tổng số 16 nhà sản xuất, lắp ráp trong tháng 8 vừa qua, khi doanh số bán của họ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn vị lắp ráp xe tải như Trường Hải, Vinaxuki, Vinacomin, Samco, Isuzu...là những đơn vị có mức tiêu thụ giảm mạnh nhất. Đặc biệt Vinastar (lắp ráp xe Mitsubishi) giảm mạnh nhất về lượng, tới 322 chiếc, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị này đang rất kỳ vọng vào mẫu xe Zinger thay thế Jolie đã giới thiệu tại triển lãm ôtô vừa qua, dù cuối tháng 9 mới chính thức ra mắt.
Sở dĩ doanh số chung vẫn tăng vì số ít nhà sản xuất còn lại lại có mức tăng rất cao, điển hình như Toyota tăng 693 chiếc so với cùng kỳ, đạt 2.489 chiếc; Ford tăng 268 chiếc; GM Daewoo tăng 175 chiếc, Honda tăng 134 chiếc.
Tính chung 8 tháng qua, ngoại trừ Vinastar, VMC và Samco, tất cả các thành viên VAMA đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Toyota tăng gần 50%, Honda tăng 111%, Ford tăng 73%...
Khó có đột biến cuối năm
Trong tháng 8 vừa qua, triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội và đây được xem là một cơ hội rất tốt để các nhà sản xuất quảng bá hình ảnh và thực hiện các hoạt động kích thích thị trường. Trên thực tế, triển lãm đã diễn ra khá thành công, với sự góp mặt của nhiều xe mới như Zinger, Innova số tự động, Escape 2008, Civic màu nâu vàng và đặc biệt là các mẫu xe ý tưởng FTSH của Toyota, Verve của Ford.
FTSH- mẫu xe ý tưởng ấn tượng nhất tại triển lãm. ảnh QH
Đa số các mẫu xe mới nói trên sẽ chính thức ra mắt trong tháng 9 này với hy vọng sẽ kích thích nhu cầu của khách hàng và đón đầu mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, tình hình tiêu thụ ôtô những tháng cuối năm khó khả quan do ôtô vẫn bị hạn chế tiêu dùng bởi các chính sách thuế, tín dụng và gần đây nhất là lệ phí trước bạ tăng lên 10%.
Bản thân các nhà sản xuất ôtô trong nước còn đang lo sốt vó trước dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua cuối năm nay theo hướng đánh thuế theo dung tích xi-lanh, trong đó các mẫu xe chủ lực của họ là từ 6-9 chỗ ngồi tăng gấp đôi so với hiện nay. Thông qua các kênh khác nhau, họ đang cố gắng tác động nhằm hạ bớt mức thuế suất xuống. Mới đây nhất, tại hội thảo quốc gia lần thứ nhất về công nghiệp hỗ trợ tổ chức tại Hà Nội, một số chuyên gia Nhật Bản còn cảnh báo nếu Việt Nam không có một ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh và chính sách ổn định thì khó giữ chân được các doanh nghiệp FDI, trong đó có các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô, ở lại Việt Nam sau 10 năm nữa...
Được biết, mới đây nhất, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị giảm thuế suất xuống dưới mức quy định trong Dự thảo luật ít nhất 10% đối với mỗi loại (trừ loại xe dưới 10 chỗ ngồi có dung tích dưới 2.000 cc) vì cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế suất một số loại ôtô như quy định của Dự thảo luật là quá lớn, có thể gây biến động cho thị trường, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
(Theo VnMedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com