Kể từ khi ban hành nghị quyết 32/2007 về cấm lưu hành xe ba – bốn bánh tự chế, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ tín dụng cho việc chuyển đổi phương tiện này. Và đến nay, có lẽ vấn đề chuyển đổi sẽ được giải quyết với giải pháp xe bốn bánh gắn máy.
Sản xuất xe bốn bánh gắn máy tại nhà máy của Đức Phương. Ảnh: Huỳnh Phan |
Quyết định 1491/QĐ-TTg tháng 11.2007, đưa ra mức hỗ trợ 9 triệu đồng để mua ôtô tải nhẹ của công ty TMT cho các hộ nông dân, đã gây những phản ứng mạnh mẽ trong các nhà sản xuất ôtô tải khác. Trong khi đó, quyết định mới đây của Chính phủ, cho phép hộ nông dân vay 100% giá trị xe từ ngân hàng nông nghiệp và hưởng hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng hai năm, khi mua xe bốn bánh có động cơ của tập đoàn ôtô – xe máy Đức Phương, lại chưa thấy điều tiếng gì. Lý do khá đơn giản. Nếu quyết định đầu tiên là sự thiên vị cho một công ty nhà nước, thì quyết định thứ hai là sự công nhận và khuyến khích đúng lúc cho một giải pháp khả thi của một doanh nghiệp tư nhân cho việc thực hiện nghị quyết 32/2007 của Chính phủ.
Tiện nhiều bề cho nông dân
Ông Vũ Khắc Chiến, giám đốc điều hành Đức Phương, cho biết rằng, kể từ đầu năm 2010, Đức Phương đã lắp ráp được khoảng 2.000 xe bốn bánh gắn máy hiệu Damsel, và đã bán được hơn một nửa. “Chỉ riêng giá bán chỉ 50 – 55 triệu đồng, so với khoảng 100 triệu đồng của một chiếc ôtô tải loại 5 tạ, lại tiết kiệm nhiên liệu hơn, không bán chạy mới lạ”, ông Chiến nói, cho biết thêm rằng sự hỗ trợ tín dụng của Chính phủ cũng là một yếu tố giúp xe Damsel bán chạy hơn.
Ông Chiến giải thích rằng, sở dĩ giá xe rẻ bởi động cơ xe máy (250 phân khối của hãng Zongsheng – Trung Quốc) chỉ chiếm 50% giá thành xe, còn động cơ ôtô trong chiếc ôtô tải loại trọng tải 5 tạ trên thị trường chiếm tới 70% giá thành xe. “Theo đánh giá của trung tâm Thử nghiệm quốc gia Trung Quốc, độ an toàn của xe Damsel, cũng điều khiển bằng vô lăng, không hề kém ôtô tải nhẹ”, ông Chiến khẳng định, tuy vẫn thừa nhận rằng độ bền của Damsel chắc chỉ bằng khoảng 70 – 80% so với ôtô tải nhẹ.
Một tiện lợi nữa cho người sử dụng xe Damsel, theo ông Chiến, là khi có hỏng hóc, việc sửa chữa cũng đỡ gây tốn kém hơn. Nhưng, có lẽ điều khiến người nông dân cảm thấy thoải mái nhất là điều khiển xe Damsel, họ chỉ cần lấy bằng lái xe loại A4, thay vì B1, hay B2, khi điều khiển ôtô tải nhẹ.
Bắt đầu từ máy Trung Quốc
Với mục tiêu thay thế các loại xe cơ giới ba – bốn bánh tự chế, theo tinh thần nghị quyết 32/2007, một chương trình nghiên cứu sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ thí điểm loại xe bốn bánh đã được thực hiện thí điểm từ tháng 5.2009, với duy nhất Đức Phương được lựa chọn. Tất nhiên, theo ông Chiến, đây là một câu chuyện dài. Nhưng cái cốt lõi nhất là ý tưởng của ông tổng giám đốc Vũ Đình Ngọc.
Thấy loại xe ba bánh loại 5 tạ nhập ngoại, tuy giá thành khá hợp lý để thay thế xe ba – bốn bánh tự chế, bị các cơ quan chức năng đánh giá chưa đủ độ an toàn và không cho phép lưu hành, ông Ngọc chợt nghĩ rằng tại sao lại không nghĩ cách cải tiến lên xe bốn bánh. Ông qua Trung Quốc, nơi sản xuất loại xe này, và phát hiện ra rằng ở Trung Quốc loại xe bốn bánh với công năng tương tự dành cho người nông dân chủ yếu dùng động cơ điện.
Ông đề nghị luôn với các nhà sản xuất Trung Quốc nghiên cứu hộ loại xe bốn bánh chạy bằng động cơ xe máy, trên cơ sở hình dáng và thiết kế thùng của xe tải điện. Năm tập đoàn của Trung Quốc đã tham gia vào quá trình này. Và kết quả là bốn mẫu xe đã được Đức Phương chọn để sản xuất, với một loại động cơ xe máy được dùng chung là của tập đoàn Jongsheng. Cuối tháng 5, xe bốn bánh gắn máy đã qua đăng kiểm kiểm định và được phép lưu thông.
Đến nội địa hoá
Từ tháng 6 này, Đức Phương sẽ bắt đầu quá trình nội địa hoá xe Damsel, với việc tự sản xuất khung xe, và thay lốp Trung Quốc bằng lốp Casumina. Đến cuối năm, sau khi đã nhập xong máy đột dập của Trung Quốc, Đức Phương sẽ tự dập vỏ xe. “Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất nhíp”, ông Chiến tiết lộ.
Tuy được vay ưu đãi để nhập linh phụ kiện lắp ráp, Đức Phương phải tự bỏ 70 tỉ đồng để nhập dây chuyền điện ly và sơn từ Trung Quốc. Tổng đầu tư vào thiết bị sẽ lên tới 100 tỉ khi họ nhập thiết bị đột dập vào cuối năm nay.
Theo ông Chiến, số tiền đó không hề nhỏ, nhưng chưa phải là mối quan tâm lớn nhất của Đức Phương. Điều nhà sản xuất này lo ngại nhất là quyền thí điểm độc quyền của họ chỉ đến cuối năm nay là kết thúc.
“Một số đại gia sản xuất xe tải, trong đó có Trường Hải, đã chuẩn bị nhảy vào phân khúc này”, ông Chiến nói.
Tuy nhiên, Đức Phương vẫn hy vọng rằng sự cạnh tranh trong năm tới cũng chưa quá gắt gao. “Loại xe này được phép chạy trong thành phố, tất nhiên đừng mò ra đường cao tốc, nên khách hàng chắc chắn không chỉ là nông dân”, ông Chiến nói.
(bài và ảnh: Huỳnh Phan // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com