Năm 2009 là một năm “lận đận” của ngành thuỷ sản Việt Nam với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu trong nước và các rào cản kỹ thuật và thuế quan.
Bản tin Thương mại Thuỷ sản bình chọn ra 10 điểm nổi bật của ngành thuỷ sản Việt Nam trong năm 2009 như sau:
1. Lần đầu tiên sau 13 năm, xuất khẩu thuỷ sản đạt tăng trưởng âm:Lần đầu tiên kể từ năm 1997, xuất khẩu thuỷ sản trong các tháng liên tục đạt tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái do khủng hoảng tài chính làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính và do nguồn nguyên liệu trong nước sụt giảm mạnh. 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đạt 1.106.849 tấn, trị giá 3,877 tỷ USD, giảm lần lượt 3,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính kim ngạch XK thuỷ sản cả năm 2009 sẽ đạt trên 4,2 tỷ USD, giảm khoảng 6,6% so với năm 2008.
2. Khủng hoảng nguyên liệu chế biến thuỷ sản, khiến giá tăng:Năm 2009 là năm khủng hoảng thiếu nguyên liệu các loại thuỷ sản xuất khẩu chính của Việt Nam. Sản lượng thuỷ sản nuôi như tôm và cá tra giảm do năm 2008 nông dân bị thất thu nên giảm diện tích nuôi vào năm 2009, bên cạnh nguyên nhân chi phí đầu vào tăng mạnh như thức ăn nuôi tăng. Sản lượng thuỷ sản khai thác cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của các cơn bão lớn, chi phí xăng dầu tăng và sự kiện Trung Quốc cấm biển cũng ảnh hưởng đáng kể.
3. Nga nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam trở lại:Sau khi xem xét các biện pháp Việt Nam đã áp dụng trong lĩnh vực đảm bảo CL và ATTS, các sản phẩm cá và hải sản xuất khẩu vào Liên bang Nga, VPSS đã cho phép nhập khẩu các lô hàng cá và hải sản của 30 doanh nghiệp Việt Nam. Việc hạn chế số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 11/2009, thị trường này nhập khẩu 46.344 tấn thuỷ sản Việt Nam, trị giá 80,68 triệu USD, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mặt hàng cá tra chiếm tới 80% kim ngạch với 63,9 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
4. Cá tra bị truyền thông “bôi bẩn” ở một số thị trường:Năm 2009, báo chí một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Na Uy, khu vực Trung Đông và Niu Dilân thay nhau đưa tin không trung thực nhằm hạ bệ cá tra Việt Nam, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng các nước này và các nước lân cận, làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này.
5. Đạo luật Nông nghiệp Farm Bill 2008 của Mỹ gây nhiều tranh cãi:Theo Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam. Trước hết, nếu cá tra, cá ba sa Việt Nam bị định nghĩa lại là catfish thì sẽ là đối tượng quản lý của đạo luật này (theo Farm Bill 2002 cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là catfish - tên gọi chung cá da trơn, mà thuộc dòng pangasius). Thứ hai, trong luật có một điều khoản gọi là “chính sách tương đương”, có nghĩa là các quốc gia xuất khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ phải đáp ứng các điều kiện tương đương với Mỹ về luật pháp, năng lực thực hiện luật, kiểm soát năng lực sản xuất... Do vậy trong trường hợp, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nói công nghiệp nuôi và chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam không tương đương với điều kiện của Mỹ thì tất nhiên cá tra của Việt Nam sẽ bị cấm xuất vào Mỹ, đó là chưa kể bị thanh tra, giám sát liên tục của USDA. Farm Bill 2008 cũng chú ý đến việc sử dụng lao động trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
6. Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất cá tra đến năm 2010 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 600 nghìn tấn, tiêu thụ nội địa 100 nghìn tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, Đến năm 2015 sản lượng cá nguyên liệu đạt 1,8 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD; Đến năm 2020 sản lượng cá nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu 900 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0 tỷ USD.
7. Chiến dịch: “Nói không với tôm bơm chích tạp chất”:Ngày 29/7/2009, tại Cà Mau, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp “Nói Không với Tôm bơm chích Tạp chất”. Hội nghị đã thảo luận và thống nhất lên án mạnh mẽ những hành vi bơm chích tạp chất, lưu thông nguyên liệu tôm bơm chích và xem đây là những hoạt động vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến ngành công nghiệp tôm Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi tôm, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Kết quả là chất lượng tôm nguyên liệu đã được nâng cao rõ rệt, 70 - 80% tôm nguyên liệu vào nhà máy có thể chế biến hàng chất lượng cao, định mức sản xuất đã trở về với chuẩn mực quy định…
8. Thuế chống bán phá giá tôm giảm xuống còn gần 0%:Ngày 8/9/2009, kết quả xem xét cuối cùng thuế chống bán phá giá đối với tôm tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1/2/2007 đến 31/1/2008 được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố giảm còn gần bằng 0%. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với cả 3 bị đơn bắt buộc gồm Minh Phú Corp, Camimex và Phuong Nam đều giảm xuống mức gần bằng 0%.
9. Nghêu Bến Tre nhận chứng nhận MSC:Ngày 3/11/2009, nghề khai thác nghêu tại Bến Tre đã được Hội đồng Quản lý Biển Quốc tế (MSC) chính thức cấp chứng nhận MSC, trở thành nghề cá đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được cấp chứng nhận này. Được chứng nhận MSC, sản phẩm nghêu Bến Tre sẽ được sử dụng logo MSC và sẽ có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường thế giới.
10. Quy định IUU của EU có hiệu lực từ 1/1/2010:Theo quy định 1005/2008 ngày 29/09/2008 của Hội đồng Châu Âu, từ ngày 01/01//2010, EU sẽ áp dụng luật IUU yêu cầu tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận khai thác hải sản, nếu thiếu sẽ không được phép xuất vào EU. Để giúp doanh nghiệp thuỷ sản và ngư dân hiểu và thực hiện quy định này, VASEP đã phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản, Nafiqad, Bộ NN & PTNT tuyên truyền thông tin, tổ chức các buổi hội thảo tập huấn cho các doanh nghiệp, ngư dân, đại lý và các chi cục địa phương về các vấn đề liên quan đến quy định và việc thực hiện quy định này. Tháng 12/2009, Bộ NN & PTNT đã ra quyết định 3477/QĐ-BNN- KTBVNL và 3720 /QĐ-BNN- KTBVNL ban hành quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu để hướng dẫn thực hiện quy định này
(Vasep)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com