Nhiều ngư dân lúng túng trước quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản của châu Âu. Ảnh: Ngọc Hùng |
Thị trường châu Âu là một trong 3 thị trường lớn tiêu thụ thủy sản chế biến của Việt Nam, chiếm 27-35% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng dù bước đầu gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định EC 1005/2008 nhưng không còn cách nào khác, ngoài việc "nhập gia phải tùy tục".
Doanh nghiệp và ngư dân lúng túng Bà Lê Thị Hoàng Anh, Phòng kinh doanh và tiếp thị Công ty đồ hộp Việt Cường, cho biết rất nhiều công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu cảm thấy lo lắng về những quy định của EC 1005/2008 và chưa biết phải làm gì để thực hiện đúng quy định này.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa), cho biết sản phẩm thủy sản xuất khẩu của công ty chủ yếu là các mặt hàng chế biến từ cá ngừ đại dương. Vì thế, trong thời gian qua công ty đã nghiên cứu rất kỹ những quy định EC 1005/2008 đối với doanh nghiệp. "Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là quy định này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà còn yêu cầu chủ tàu đánh bắt hải sản cũng phải tham gia", ông Nam cho biết.
Ngày 29-9-2008, Cộng đồng châu Âu thông qua Quy định EC 1005/2008 hay còn gọi là quy định IUU về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trước khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. |
Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, cộng đồng châu Âu bắt buộc tất cả những nước muốn xuất khẩu thủy sản vào thị trường này phải tân thủ những điều khoản có trong quy định EC 1005/2008. |
Vì thế, theo ông Nam, nếu không có chương trình huấn luyện cho hơn 15.000 tàu cá có công suất trên 90 mã lực để họ biết cách áp dụng những quy chế này thì việc xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ tàu cá BĐ 0856 TS (Bình Định), cho biết vì phải lênh đênh trên biển nhiều ngày nên sau khi đánh bắt xong, các tàu cá thường không cập một cảng cá nào cố định để bán hàng. "Do không có nhiều thời gian nên chúng tôi thường bán cho các chủ vựa để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Tôi mong các cơ quan nhà nước có cách hướng dẫn ngư dân ghi nhãn hàng hóa, nhật ký đánh bắt cũng như tên khoa học của các loài cá đánh bắt để chúng tôi yên tâm làm ăn", ông Hải nói.
Nhập gia phải tùy tục
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt là một xu hướng chung của thế giới. Quy định này không chỉ Việt Nam mà các nước khác muốn xuất khẩu hàng thủy sản phải tuân theo. Vì châu Âu là thị trường tiêu thụ trên dưới 30% sản lượng thủy sản của Việt Nam nên chúng ta phải tuân thủ quy định này là chuyện tất yếu.
"Tuy nhiên, do ngành đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam còn nhỏ lẻ và manh mún nên các doanh nghiệp, các chủ tàu phải hợp tác mới giải quyết được những khó khăn sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện quy chế này", ông Hòe nói thêm.
Theo bà Hoàng Anh, vì đây là quy định chung của Cộng đồng châu Âu nên việc tuân thủ quy định là điều bắt buộc. Và các doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua thị trường quan trọng này. "Hy vọng các cơ quan chức năng đưa ra những thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm sản xuất", bà Hoàng Anh nói.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngư dân trong quá trình thực hiện tiêu quy định EC 1005/2008, bà Trần Bích Nga, Cục phó Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trấn an rằng việc Cộng đồng châu Âu đưa ra quy chế truy xuất nguồn gốc là một xu hướng chung của thế giới không riêng gì của châu Âu. Trong thời gian tới có thể Nhật Bản, Mỹ cũng đưa ra yêu cầu này. "Như vậy, ngành thủy sản Việt Nam sẽ chủ động hơn trước các rào cản kỹ thuật và không đánh mất lợi thế của mình với các nước xuất khẩu thủy sản khác trong khu vực", bà Nga nói.
Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, cho biết sau khi nhận được bản quy chế truy xuất nguồn gốc thủy sản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục sẽ mở lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, các chủ tàu cá, chủ vựa thu mua thủy sản để tránh sự lúng túng khi thực hiện quy định này.
Trả lời phỏng vấn báo Kinh tế Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lương Lê Phương, cho rằng quy định EC 1005/2008 thực chất là một rào cản kỹ thuật đối với những nước muốn xuất khẩu thủy sản vào châu Âu. Vì vậy, nếu thực hiện không đúng, không nghiêm túc, ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường số 1 này.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng ngoài những khó khăn thì đây là cơ hội tốt để ngành thủy sản nhìn lại mình, để doanh nghiệp và ngư dân phải thay đổi tập quán sản xuất tự phát sang bài bản, có kế hoạch hơn để tăng khả năng cạnh tranh.
Theo điều 10, chương 3 của quy định EC 1005/2008, các chủ tàu, thuyền trưởng phải khai đầy đủ, chính xác những thông tin ghi trong giấy chứng nhận thủy sản khai thác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những khai báo của mình. Phải cung cấp thông tin, hồ sơ, giấy tờ liên quan khi cơ quan cấp giấy chứng nhân thủy sản khai thác (Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) yêu cầu. Chủ tàu, thuyền trưởng được quyền yêu cầu Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cung cấp các thông tin, quy định, liên quan đến mẫu tờ khai thông tin sản phẩm khai thác thủy sản. Theo điều 11, chủ hàng (các doanh nghiệp, các đại lý, chủ vựa thu mua thủy sản) phải khai đầy đủ, chính xác những thông tin ghi trong tờ khai chứng nhận thủy sản khai thác, thủy sản khai thác nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những khai báo của mình, cụ thể là Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm phải báo cáo lên Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định. |
(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com