Chế biến cá tra xuất khẩu. |
Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản nước ta chỉ cần bán được sản phẩm cho các đối tác ở Mỹ, mà không quan tâm đến việc sau đó sản phẩm đến với người tiêu dùng với nhãn mác nào.
Trong khi thị trường Mỹ vốn rất đa dạng và đôi khi xảy ra những việc rất kỳ cục, chỉ riêng việc đặt tên cho cá tra, cá basa cũng đã gây rất nhiều phiền nhiễu cho xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam giữa tháng 12/2009, ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ (NFI) đã kiến nghị Vasep nên tiến hành nghiên cứu, hãy đưa ra tên chung mà thị trường Mỹ ưa thích nhất để áp dụng chung cho các sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất vào Mỹ.
Những rủi ro khó lường
Mỹ là một thị trường rất đa dạng, có rất nhiều sự dị biệt so với thị trường chung trên thế giới. Năm 2006, người nuôi tôm hùm ở bang Maine, Đông Bắc nước Mỹ, từng kiên quyết ngăn không cho các nhà hàng dùng chữ “tôm hùm langostino” (hay tôm hùm nhỏ) để gọi một loại tôm từ Chile. Thế là con tôm hùm của Chile khi sang đến Mỹ bị buộc phải gọi tên là con “cua”!
Xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam vào Mỹ hiện nay vẫn đang phấp phỏng chờ cơ quan chức năng của Mỹ kết luận xem sản phẩm này có phải là cá da trơn hay không. Bộ Nông nghiệp Mỹ thì cố tình thúc cơ quan chức năng phải gọi những loài cá này là cá da trơn. Mặc dù 7 năm trước, chính Bộ Nông nghiệp Mỹ lại yêu cầu Quốc hội nước này ban hành luật cấm sản phẩm cá nhập từ Việt Nam được gắn nhãn “cá da trơn”.
Tại sao lại có chuyện oái ăm như vậy? Vì cá da trơn ở Mỹ được bán rất đắt, trên 25 USD/kg. Năm 2002 trở về trước, cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ, được thương lái Mỹ gắn nhãn cá da trơn, nhưng giá bán lại rẻ hơn nhiều. Người dân Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam vì ngon không kém các loại cá da trơn của Mỹ, mà giá lại rẻ chỉ bằng 1/5 lần.
Vì lo cá của Việt Nam “đánh bạt” cá da trơn Mỹ, nên Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu không cho phép gọi cá này là cá da trơn.
Tuy nhiên, mặc dù thành công trong việc ngăn cản cá tra Việt Nam được đóng nhãn cá da trơn, người nuôi cá ở Mỹ đã không thể ngăn cản loại cá từ Việt Nam này xuất hiện trong bữa ăn của người dân nước này. Theo hãng nghiên cứu thị trường Informa Economics, năm 2000 Mỹ chỉ nhập khẩu 10,7 triệu USD cá tra, basa từ Việt Nam. Đến năm 2008 đã tăng lên đến 77 triệu USD.
Người nuôi cá da trơn Mỹ cho rằng loại cá thịt trắng nhập từ châu Á đang đe doạ ngành công nghiệp nuôi cá da trơn trị giá 400 triệu USD của Mỹ. Chính vì lo ngại, nước Mỹ đưa ra đạo luật chống bán phá giá, áp ngưỡng giá sàn đối với chủng loại cá da trơn. Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn tìm mọi cách ngăn cản cá của Việt Nam, bằng hành động ngược với trước kia, là đòi xếp cá của nước ta vào nhóm cá da trơn để áp thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, trước khi trách người Mỹ, các doanh nghiệp thủy sản nước ta nên tự trách mình. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ cần bán được sản phẩm cho các đối tác ở Mỹ, không cần quan tâm sản phẩm đến với người tiêu dùng Mỹ với nhãn mác, tên gọi nào. Bởi vậy, phần lớn thủy sản Việt Nam được lưu thông trên thị trường Mỹ không mang nhãn mác của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, một Việt kiều định cư ở Mỹ, hiện đang kinh doanh cá cơm khô cho biết: “tại Mỹ, cá cơm khô chủ yếu tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị của cộng đồng người đến từ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Những lần tiếp cận thị trường, mỗi khi nhìn thấy cá cơm khô hay những loại cá khô khác, lòng tôi rất xót xa, thương cho cá Việt Nam. Vì tôi biết chắc những loài cá ấy có xuất từ Việt Nam, nhưng bao bì thì không phải của Việt Nam”.
Sản phẩm phải có tên
Theo ông Thịnh, những nhược điểm hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu cá khô của Việt Nam là, kỹ thuật in ấn bao bì quá kém, so với hàng hóa tại thị trường Mỹ dưới bao bì của các nước khác ở Đông Nam Á. Các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa thấy hết tầm quan trọng của marketing, chưa có kế hoạch đầu tư đường dài khi tạo thị trường mới, chỉ chú trọng vào những lợi nhuận trước mắt mà không có kế hoạch lâu dài. Rất nhiều doanh nghiệp chưa nhìn thấy sự quan trọng của thương hiệu trong kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã dùng giải pháp đổi tên nhãn mác, tên sản phẩm hay tên công ty mỗi khi họ bị phát hiện những hành vi phạm lỗi.
Ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về thị trường, thị hiếu tiêu dùng tại Mỹ. Mỗi cộng dồng dân cư ở Mỹ có những sở thích và thói quen riêng trong tiêu dùng. Bởi vậy, khi xuất hàng vào Mỹ, cần phải uyển chuyển theo nhu cầu riêng của từng vùng, chứ không thể bán hàng theo thói quen cố hữu.
Nguyên tắc của thị trường thực phẩm tiêu dùng tại Mỹ là người tiêu dùng mua những món họ thích chứ không phải mua thứ họ cần. Với một xã hội dư thừa về thực phẩm, bao bì bắt mắt, nhãn hiệu sản phẩm, tên gọi sản phẩm vô cùng quan trọng.
Ông John Connelly khuyến cáo, tên các loài cá khác nhau có thể khiến người tiêu dùng Mỹ nhầm lẫn vì có đa dạng cách ghi tên sản phẩm trên nhãn mác. Bởi vậy, Vasep nên tiến hành nghiên cứu, hãy đưa ra tên chung mà thị trường Mỹ ưa thích nhất để áp dụng chung cho các sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu vào Mỹ.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep, hiện nay các nhà nhập khẩu ở bờ Tây nước Mỹ thích sử dùng chữ Swai, trong khi các nhà ở bờ Đông lại thích dùng tên Pangasius đối với cá tra. Bởi vậy, cá tra Việt Nam thường được doanh nghiệp ở phía Tây nước Mỹ đóng nhãn mác với tên sản phẩm Swai. Còn phía Đông lại dán nhãn cá tra Pangasius.
Thực tế này xuất phát từ thói quen của người tiêu dùng, nhưng đang ảnh hưởng đến nỗ lực trong quảng bá sản phẩm của Việt Nam ở Mỹ, về lâu dài có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Vasep và NFI sẽ hợp tác với nhau, sớm tiến hành nghiên cứu về thị hiếu tiêu dùng sản phẩm này ở Mỹ, để thống nhất tên thương mại chung cho cá tra, cá basa Việt Nam, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cả hai nước.
(Theo Chu Khôi // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com