Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu chuyện “Con cá vàng”

2010 có lẽ là một năm nhiều trở ngại đối với ngành thủy sản, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong lúc tôm Việt Nam đối mặt với câu chuyện thiếu nguyên liệu và bị cáo buộc chứa chất Trifluralin khi xuất khẩu sang Nhật thì cá tra cũng ngoi ngóp.

Cá tra được coi là “con cá vàng” của Việt Nam khi chiếm 99,9% thị trường xuất khẩu toàn cầu, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep). Con số ước tính tại châu Âu còn cho thấy, nhu cầu cá tra năm 2011 của thị trường này sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại (đạt khoảng 2 triệu tấn). Tuy nhiên, trong lúc đường ra thế giới đang rộng mở thì ngay tại quê nhà, con cá vàng đang bị mắc cạn.

Ai là thủ phạm?

Công ty Thuận An (tỉnh An Giang) những năm trước đây xuất khẩu bình quân 120 tấn cá tra/tháng, nhưng từ tháng 4.2010 đến nay sản lượng đã giảm 10%. Tình hình còn bi đát hơn khi bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty, dự báo từ đầu năm 2011 lượng cá xuất khẩu sẽ giảm thêm 1/4 so với hiện nay, thậm chí có thể phải ngừng xuất khẩu. Căn nguyên của sự sụt giảm liên tục này là thiếu nguyên liệu chế biến.

Không riêng với Thuận An mà tình trạng này đang xảy ra với hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long. Ngay cả công ty lớn, có tiếng tăm như Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), vốn đã có gần 10 năm xuất khẩu, cũng đau đầu với bài toán nguồn nguyên liệu. “Doanh thu năm nay sẽ đạt 60 triệu USD, nhưng lợi nhuận có thể là con số 0”, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Agifish, trăn trở. Chưa hết, ông cho rằng từ nay đến tháng 10 năm sau Công ty không còn đủ cá nguyên liệu để chế biến.

Thuận An, Agifish và hàng trăm công ty chế biến cá tra xuất khẩu hiện chỉ chủ động được 30% nguyên liệu (nghĩa là tự quy hoạch vùng nuôi), 70% còn lại phải mua từ nông dân. Vậy, trong lúc doanh nghiệp lao đao thế này, nông dân ở đâu?

Năm 2008, do bị các nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá, chính doanh nghiệp chế biến, chứ không phải ai khác, đã quay sang “ép” nông dân bán cá nguyên liệu cho mình với mức giá thấp. Cá tra bán không được giá nên việc nông dân đồng bằng sông Cửu Long bỏ trống gần 30% diện tích nuôi hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác là chuyện dễ hiểu. Theo con số thống kê của Bộ Nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang có đến 40% trong tổng số 140 ha ao hồ dành để nuôi cá tra bị bỏ trống. Vĩnh Long có hơn 405 ha thì chỉ có 265 ha đang thả nuôi cá tra, 29 ha đã chuyển sang nuôi các loại cá khác và số còn lại vẫn “treo ao”.

Doanh nghiệp than khó, còn người nông dân như anh Cao Lương Tri mà chúng tôi gặp tại tỉnh An Giang cũng không vui vẻ gì hơn. Anh Tri cho biết, anh mới xuất bán 300 tấn cá tra cho doanh nghiệp chế biến với giá 20.800 đồng/kg, nhưng tính hết chi phí nuôi đã là 19.500 đồng/kg (lời chưa được 5%). Vì thế, anh đang phân vân liệu có nên tiếp tục nuôi hay không.

Chi phí tăng tứ bề, nhất là thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm đến khoảng 75% chi phí. Từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã nhanh chóng leo thang theo đà tăng của lạm phát, từ 3.000 đồng đã nhảy vọt lên đến 9.200 đồng/kg. Trong khi đó, hệ số thức ăn cũng tăng vì hàm lượng đạm trong thức ăn đã giảm so với trước. Trước đây chỉ cần 1,4-1,6 kg thức ăn để tạo ra 1 kg cá thì nay hệ số thức ăn đã là 1,8-2 kg. Giá thuốc trị bệnh cho cá cũng tăng 10-20% và có nguy cơ sẽ tăng lên vào cuối năm.

Đó là chưa kể nếu vụ tới các hộ muốn tiếp tục đầu tư thả ao cũng khó có thể vay được vốn ngân hàng vì họ đã nợ quá nhiều. Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm ngoái, tổng dư nợ cho vay nuôi cá tra của các tổ chức tín dụng tại An Giang là hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn hơn 52 tỉ đồng, gần 160 hộ nuôi cá mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, theo ý kiến một quan chức trong ngành nông nghiệp tỉnh này, 70% hộ nuôi bỏ ao đều lâm vào cảnh trốn nợ chứ không chỉ ít như con số thống kê. Nhiều người phải bán đất, sang ao để trả nợ. Năm 2009, ở Đồng Tháp, 30% hộ nuôi cá tra bị phá sản vì nợ ngân hàng và không còn khả năng thanh toán.

Lỗi này tất cả là do doanh nghiệp chế biến? Chưa hẳn. Sở dĩ các doanh nghiệp chế biến cá tra không thể đàm phán tăng giá với các nhà nhập khẩu là vì bên cạnh nguồn hàng của họ, nhà nhập khẩu còn có thêm một lựa chọn khác: các doanh nghiệp thương mại.

Các doanh nghiệp thương mại (tức các công ty không có nhà máy, chỉ mua lại sản phẩm chế biến chất lượng kém, dư thừa và tồn đọng trong kho của các doanh nghiệp khác, hoặc từ các cơ sở sản xuất chui, bán cho các nhà nhập khẩu với giá rẻ hơn) là thủ phạm chính gây nên sự náo loạn trên thị trường như hiện nay. Lực lượng doanh nghiệp thương mại này cũng đông một cách áp đảo so với doanh nghiệp chế biến. Một lãnh đạo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long (không muốn nêu tên) cho biết, hiện có hơn 100 doanh nghiệp chế biến thì có đến 200 doanh nghiệp thương mại và họ chào giá thấp hơn từ 1/3 đến một nửa so với doanh nghiệp chế biến.

Và rồi, khi nông dân bỏ ao, doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu thì các doanh nghiệp thương mại cũng không còn nguồn hàng để xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Giám đốc Công ty Hoa Sen Mê Kông (một doanh nghiệp thương mại), cho biết, từ đầu năm đến nay Công ty chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn hàng và giá mua cũng không ổn định. Doanh nghiệp này đang chuyển sang xuất khẩu cá ngừ đại dương.

Cả 3 bên, dù là thủ phạm hay nạn nhân, giờ đều ngồi chung một chiếc xuồng tròng trành, mà nếu không tìm được đường cập bến thì không chỉ những người trong cuộc chết chìm mà con cá vàng Việt Nam cũng có nguy cơ tắt thở.

Doanh nghiệp tự cứu trước khi trời cứu


Lối ra khả dĩ trước mắt có lẽ là tăng giá thu mua nguyên liệu. Một số doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến việc tăng giá mua cá nguyên liệu, giá mua ban đầu từ 15.000 đồng/kg đã nhích dần lên 23.000 đồng. Tuy nhiên, trong lúc giá xuất khẩu chỉ tăng 10% (từ 2,5 USD lên 2,75 USD/kg), giá nguyên liệu lại tăng đến hơn 25% thì doanh nghiệp chế biến không thể có lời. Các doanh nghiệp này đều kỳ vọng đạt được mức giá xuất khẩu khoảng 3-3,2 USD/kg, nhưng hy vọng này là rất mong manh.

Một giải pháp dài hạn, căn cơ hơn là chủ động nguồn nguyên liệu cũng đã được các doanh nghiệp chế biến tính đến. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) là một đơn cử. Công ty này đã quy hoạch được 50% nguyên liệu, 50% còn lại cũng liên kết rất chặt chẽ với người nông dân để đảm bảo nguồn cung ổn định. Sắp tới Vĩnh Hoàn còn đặt mục tiêu tăng mức chủ động quy hoạch nguồn nguyên liệu lên 80%. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn mở rộng sang nuôi cá chẽm, sản xuất chất collagen và dầu diesel sinh học từ phụ phẩm cá. “Giải pháp này vừa gia tăng giá trị xuất khẩu, lại có thể phòng vệ nếu có khó khăn xảy ra với cá tra”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết.

Từ câu chuyện của Vĩnh Hoàn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá, liên kết giữa hộ nuôi và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp cá tra trong tương lai. Nhưng, cái khó nằm ở chỗ không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực để làm điều này. Và một lần nữa nút thắt câu chuyện lại là vốn.

Ông Ký, Công ty Agifish, chia sẻ thời điểm này nếu vay tiền để đầu tư nuôi hay sản xuất cá tra chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay. Bà Trinh, Công ty Thuận An, từng mang đề án triển khai vùng nuôi để tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng đã phải ra về tay trắng. Nghe nói đến từ cá tra là các ngân hàng rất sợ!, ông Ký nói.

Cho dù có vay được vốn doanh nghiệp cũng chưa chắc chủ động được vùng nuôi vì thiếu nguồn cá giống. Cá giống vốn được mua từ các hộ gia đình nông dân và chính các hộ này cũng đang mắc nợ ngân hàng nên không thể tiếp tục nuôi. Ngay cả Agifish, một trong những doanh nghiệp có khả năng thu mua cá giống lớn, cũng phải đợi đến tháng 2.2011 mới được các hộ ươm giao cá giống trở lại.

Xem ra, doanh nghiệp chế biến khó có thể vừa cứu mình vừa cứu nông dân, trước tình trạng cạnh tranh kiểu phá giá của các doanh nghiệp thương mại. Điều họ chờ đợi lúc này là chiếc phao cứu sinh từ Chính phủ.

Chiếc phao đó chính là “Dự thảo nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra” đang được Tổng Cục Thủy sản xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12 này. Trước hết, dự thảo nghị định này có thể loại bỏ được các công ty thương mại đang làm mưa làm gió trên thị trường, khi quy định giá sàn đối với nguyên liệu và sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ được cơ quan có thẩm quyền quy định theo từng thời điểm.

Bên cạnh mức giá, dự thảo này còn quy định các doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất kỹ thuật chế biến, kho, bãi và các phương tiện bảo quản, vận chuyển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của thị trường nhập khẩu. Điều này các doanh nghiệp thương mại hiện không làm được.

Mặt tích cực khác của Dự thảo là tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Dự thảo quy định nông dân và doanh nghiệp muốn nuôi cá tra phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nuôi trồng thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp; nơi nuôi phải nằm trong quy hoạch của địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, giám sát dịch bệnh và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi.

Các cơ sở nuôi cá tra tập trung, có quy mô từ 100 tấn/năm phải đăng ký sản lượng với cơ quan thẩm quyền tại địa phương. Đặc biệt, sản lượng cá tra đăng ký của các cơ sở nuôi sẽ là một trong những căn cứ để xem xét việc hưởng các chính sách tín dụng và các chính sách hỗ trợ quy định trong Nghị định này, chẳng hạn hỗ trợ cho hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường.

Nghị định này có hiệu lực đến đâu thì còn phải chờ đến khi nó chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay, “Các điều khoản nhỏ trong khung pháp lý này không rõ ràng, chung chung và chưa đi vào một sự ràng buộc cụ thể nào. Vì vậy, nó chưa thật sự có lợi cho doanh nghiệp và nông dân”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, nhận xét.

Năm 2010 cá tra gặp quá nhiều khó khăn và năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục đối đầu với những trở ngại mới. Đầu tiên là tại thị trường Mỹ, cá tra sẽ có thể chịu một mức thuế lên tới 130% kể từ tháng 3.2011.Tại thị trường châu Âu, mới đây trong Cẩm nang Hướng dẫn Tiêu dùng Thủy sản năm 2010-2011 của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, cá tra bị đưa vào danh sách đỏ. Lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra có vấn đề. Tại Bỉ và Đức, cá tra có tên trong cả 3 danh sách đỏ - xanh - vàng và tại các nước còn lại, loài cá này có tên trong danh sách đỏ. Tuy nhiên phía châu Âu vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho điều đó.

Báo chí thủy sản châu Âu cũng đã đăng những lời chỉ trích mang tính kích động của ông Struan Stevenson, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu đối với cá tra, mặt hàng chủ lực trên thị trường châu Âu. Sau sự việc này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã gửi thư tới ông Struan Stevenson mời ông đến thăm Việt Nam để tìm hiểu ngành sản xuất cá tra. Vasep cũng gửi thư mời người đứng đầu WFF là Mark Powell sang Việt Nam đi thực tế thăm các trại nuôi cá tra cũng như toàn bộ quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu. Ông Mark Powell đã đồng ý và tháng 5.2011 sẽ sang Việt Nam.

Tuy nhiên, tín hiệu từ người cầm trịch là Chính phủ vẫn chưa cho thấy sẽ cứu được con cá tra. “Những người không hiểu về cá tra sẽ không thể đưa ra được lời giải cụ thể. Lúc này, doanh nghiệp phải tự cứu mình”, ông Dũng bức xúc.

Không chỉ riêng với con cá vàng, con tôm Việt Nam cũng có thể sẽ lâm vào tình cảnh tương tự. Giải quyết gấp rút bài toán cá tra cũng đồng nghĩa với việc mở lối đi tìm đáp số cho bài toán con tôm và giải cứu ngành thủy sản khỏi những khó khăn trong năm 2011.

(Nhịp cầu đầu tư)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Đừng từ bỏ cá tra
  • Trồng lúa, nuôi cá tra theo hướng bền vững
  • WWF ngay lập tức phải gỡ cá tra Việt Nam khỏi sách đỏ
  • ASC - Bộ tiêu chuẩn mới cho thủy sản có ý nghĩa như thế nào?
  • Nguyên liệu thủy sản: Cần giải pháp căn cơ
  • Tôm lại gặp rào cản
  • Đến 2015 xuất khẩu thủy sản đạt gần 7 tỷ USD
  • Dư lượng kháng sinh Trifluralin ở tôm: Nước đã đến... chân!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container