Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đất miền Tây rớt theo con cá tra

Thời điểm nghề nuôi cá tra lên hương, đã tạo nên cơn sốt đất nuôi cá dọc sông Tiền, sông Hậu. Khi đó người ta kéo nhau đi mua đất ruộng, đất lúa, đất trồng cây ăn trái, đất bãi bồi… để đào ao nuôi cá. Đó là chuyện xưa.

Nhưng những ao cá đẻ ra bạc tỉ ngày trước nay bỏ hoang, rao bán, cho thuê nhưng chẳng mấy ai đoái hoài.


Nhiều ao cá treo, bán không được.

Ai mua đất, tôi bán rẻ cho

Một trong những nơi giá đất nóng nhất thời điểm năm 2004 – 2006 có lẽ là phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) – được mệnh danh là “cù lao tỉ phú” vì nhờ nuôi cá, bán đất nên không ít gia đình tậu xe hơi đời mới, sắm canô bạc tỉ. Nhiều người nhớ lại, nghề nuôi cá hốt bạc kéo người dân, doanh nghiệp nhảy vào đầu tư mua đất, đẩy giá đất tăng chóng mặt. Giá đất ở vị trí đắc địa lên tới 280 – 300 triệu đồng/công (1.000m2), quy ra gần 3 tỉ đồng mỗi hecta. Những nơi không thuận lợi lắm, giá khoảng 180 – 200 triệu đồng/công tuỳ loại đất và vị trí.

Một chủ trại cá ở phường Tân Lộc, ông M., nói đất nông nghiệp đào ao nuôi cá được trước năm 2004 giá 70 – 100 triệu đồng/công, sau đó tăng lên 150 rồi 200 – 300 triệu đồng. “Khi nghề nuôi cá hưng thịnh, đất bán giá nào cũng có người mua. Thậm chí người ở tận Sài Gòn cũng tìm đến mua. Nay nuôi cá tra thua lỗ, bán với giá chỉ bằng 50% so với trước đây mà cũng không ai ngó ngàng”, ông M. buồn rầu nói. Còn ông Nguyễn Duy An treo bảng bán ba ao cá đã bỏ trống mấy tháng nay với diện tích khoảng 2ha cặp mé sông Hậu. Sau vụ cá thua lỗ cuối năm ngoái, gia đình ông ôm nợ ngân hàng hơn 2 tỉ đồng, đành phải bán tháo ao trả nợ, bởi “mỗi tháng trả tiền lãi hàng chục triệu đồng, xoay xở vay nóng nay đã kiệt sức rồi”. Dù vị trí ba ao khá đắc địa, dễ lấy nước vào ao nuôi cá, trước đây mua ngoài 5 tỉ đồng, bây giờ rao bán 3 tỉ vậy mà bốn tháng nay chẳng thấy người hỏi mua.

Ông An buồn rầu, nói: “Muốn bán cho xong, trả nợ ngân hàng còn chút vốn kiếm nghề khác làm ăn chú ạ. Nghề nuôi cá bây giờ bạc bẽo quá! Thế nhưng do ai cũng sợ đầu tư vào nuôi cá, vì vậy rao bán ao hoài vẫn ế, dù rẻ”.

Không chỉ ở phường Tân Lộc, mà ở nhiều địa phương khác một thời người chưa có đất nuôi cá thì phá vườn cây ăn trái để lên ao, dân ở xứ khác thì đến hỏi mua đất ào ào. Người dân sẵn sàng bán cả ruộng lúa, vườn cây, sang cả nhà ở của mình cho người nuôi cá. Đất tăng giá vùn vụt nhưng người ta vẫn mua vì cho rằng với giá cá cao thì sau một vài năm có thể thu hồi vốn. Riêng tại các huyện Phú Tân, Châu Phú (An Giang), Bình Minh (Vĩnh Long), Lấp Vò (Đồng Tháp)… đất ruộng, đất ven sông tăng từ 20 – 30 triệu đồng/công, lên mức khoảng 60 – 80 triệu đồng/công. Nhiều doanh nghiệp mua hàng trăm hecta đất nuôi cá. Nay thì ai cũng “méo mặt”, đua nhau rao bán ao với giá rẻ mong vớt vát chút đỉnh.

Rơi nước mắt theo con cá

Ở phường Tân Lộc trước đây số tỉ phú cá đếm không xuể. Nay tình hình đã khác: số xe hơi của phường từ chỗ hơn mười chiếc giảm còn hai chiếc, số còn lại đã bán. Không những vậy, do làm ăn thua lỗ, giá đất xuống và bán không được nên nhiều hộ ôm nợ đâm ra lâm bệnh. “Chưa khi nào nghề cá bạc bẽo như vậy, cù lao tỉ phú rơi nước mắt theo con cá rồi”, ông An, một nông dân nói.

Đành treo ao

Ông Phạm Văn My, phó chủ tịch phường Tân Lộc cho biết: “Chuyện tỉ phú cá ở vùng đất cồn mua xe hơi, chạy canô không còn nữa rồi. Nhiều ông chủ bán đất, bán nhà, bán xe, cầm cố đồ đạc vì thua lỗ cá trong thời gian qua”.

Ông My cho biết, trước đây toàn phường có 179 hộ nuôi cá tra với tổng diện tích trên 243ha, nay giảm còn hơn 180ha. Sau vụ cá cuối năm 2008, hộ nào thua lỗ ít thì vài trăm triệu, nhiều thì vài tỉ đồng. Bởi thế hiện có khoảng 30 hộ kêu bán hoặc cho thuê ao; khoảng 30 hộ treo ao hẳn vì không có tiền đầu tư tiếp. Ngay cả đại gia cá tra số một có trên 20ha ao nuôi và là người xây nhà lầu, mua xe hơi, mua canô đầu tiên của phường cũng chung số phận: để duy trì nghề nuôi cá, ông phải tính đến việc dồn vốn liếng, vay mượn nuôi trên 1/2 diện tích, còn lại bỏ trống, chờ thời cơ để bán ao.

Bà Trần Thị Ba chỉ vào ao cá chừng 1ha, nói: “Để ao hoang mấy tháng nay rồi, đang tìm mối cho thuê mà chưa được”. Nước trong ao cá tra bỏ hoang lâu ngày chuyển sang màu xanh đen, cỏ dại mọc um tùm lấn chiếm ra gần nửa ao cá. Bà Ba cho biết thêm: “Sau vụ cá cuối năm, thua lỗ hàng trăm triệu, không có tiền đầu tư tiếp nên đành phải bỏ không”. Hiện nay, hộ nào may mắn thì tìm được mối cho thuê với giá 500 đồng/kg cá thành phẩm khi thu hoạch. Nhưng cũng ít người thuê.

Theo hiệp hội Nghề cá thành phố Cần Thơ, do thua lỗ nên nhiều người nuôi cá tra treo ao, bán ao, cho thuê ao… Riêng ở phường Tân Lộc có đến hơn 30% hộ treo ao, rao bán ao để trả nợ ngân hàng.

(bài và ảnh: Vĩnh Kim – Hoàng Vũ  // SGTT Online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Cá chết trắng sông, không biết lỗi của ai
  • Cùng quẫn vì tôm
  • Cá ngừ Việt Nam: khó cạnh tranh tại Nhật do thuế suất cao
  • Diện tích nuôi tôm giảm 66 nghìn hécta
  • Thiếu tôm sú: xuất nhiều nhưng nuôi ít
  • Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ và Canada tăng hơn 500% so với cùng kỳ
  • Cá tra tắc đường vào Nga
  • Xuất khẩu cá ngừ: Khả năng tăng giá cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container