Sản phẩm cá rất đa dạng nên việc áp dụng giá sàn không phải là chuyện dễ - Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Thiết lập giá sàn nhằm đối phó tình trạng doanh nghiệp đua nhau hạ giá bán cá da trơn, là giải pháp vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất. Phản ứng này có thể đúng trước tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp, nhưng liệu cách “bốc thuốc” như vậy có chữa hết “bệnh”?
Siết! VASEP đề xuất, sẽ xây dựng giá sàn và doanh nghiệp chỉ được bán từ bằng đến hơn mức giá ấy. Theo đó, các doanh nghiệp phải đăng ký xuất khẩu vào nhóm thị trường cụ thể và cam kết tuân thủ giá sàn, trước mắt áp dụng cho mặt hàng cá phi lê xuất sang châu Âu, Mỹ và Trung Đông, sau đó tùy tình hình sẽ quyết định mở rộng thêm ở các thị trường khác hay không. Định kỳ ba tháng hoặc đột xuất, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc VASEP) sẽ triệu tập cuộc họp với 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, cùng đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), xem xét lại mức giá sàn công bố cũng như rà soát các trường hợp bán dưới giá sàn để lập danh sách trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rộng rãi trong cộng đồng. Trường hợp doanh nghiệp nào “tái phạm”, VASEP sẽ đề nghị Nafiqad tạm ngưng cấp chứng thư xuất khẩu có thời hạn. Theo phía VASEP, đó là chuyện phải làm bởi mỗi thị trường đều có một lượng cầu nhất định và nếu cung vượt cầu, giá giảm là điều đương nhiên. Đó cũng là hệ quả tất yếu, khi những năm trước, sản lượng cá tăng vọt, cùng lúc quá nhiều nhà máy chế biến ra đời thiếu kiểm soát, khiến nguồn cung cá tra của Việt Nam khá lớn. Và các nhà máy mới, để cạnh tranh với các nhà máy cũ và tồn tại, đã chọn giải pháp hạ giá bán để giành khách hàng. Khoảng ba năm nay, người nuôi cá chỉ thu lãi rất ít và phần nhiều thua lỗ, nguyên nhân chính là do giá cá bán giảm dần nên doanh nghiệp quay lại “siết” người nuôi. Chỉ tính trong ba năm gần đây, lượng cá xuất khẩu không tăng nhiều, nhưng giá xuất khẩu theo chiều hướng đi xuống. Năm 2000, giá cá xuất khẩu bình quân khoảng 3,7 đô la Mỹ/ki lô gam, nhưng đến năm 2009 chỉ còn 2,2 đô la Mỹ/ki lô gam. Và tại thị trường Mỹ, giá cá xuất sang đã liên tiếp giảm bình quân 6%/năm… Nếu kéo dài tình trạng phát triển nhất thời này, điều đương nhiên phải đến là người nuôi sẽ bỏ ao, sản lượng nguyên liệu giảm dần và các nhà máy phải nằm chờ thời! Chính vài tháng gần đây, nhiều nhà máy đã phải “ngậm đắng nuốt cay” vì thiếu nguyên liệu. Không dễ làm ngay? Một chuyên gia tư vấn ngành thủy sản cho rằng, dù cần thiết nhưng cũng phải cân nhắc việc áp dụng giá sàn có vướng quy định về Luật Cạnh tranh hay không. Ông này lo là vì trong vụ kiện phá giá trước đây của Mỹ đối với con tôm, vấn đề Nhà nước có can thiệp vào kiểm soát giá hay không cũng đã được đặt ra. Và nếu ban hành giá sàn, theo ông, liệu sẽ giao cho Nafiqad hay hải quan kiểm tra giá xuất khẩu của doanh nghiệp? “Dù giao cho ai thì doanh nghiệp cũng lo, bởi phải qua thêm một cửa ải từ các cơ quan công quyền. Nhưng theo tôi, nên giao cho phía hải quan với cơ chế phối hợp, vì thực ra lâu nay mọi hợp đồng xuất khẩu vẫn đều thông qua cơ quan này. Còn nếu giao cho Nafiqad, liệu cơ quan này có làm nổi? Bởi lâu nay, chỉ với chức năng cấp chứng thư về chất lượng, nhưng có mẫu hàng phải sau 10 ngày gửi, cơ quan này mới hồi âm”, ông nói. Ngoài việc chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ giao hàng, ông này còn lo rằng giao việc kiểm soát giá cho Nafiqad sẽ không đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khi hợp đồng bị săm soi. “Nhiều nhà máy luôn tìm mọi cách moi thông tin để biết nhà máy đối thủ đang làm hàng cho ai, tiêu chuẩn, giá cả thế nào”, ông nói. Và điều rắc rối hơn, theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL: “Nếu áp dụng giá sàn được thì tốt, nhưng tôi rất lo! Bởi đặc thù ngành thủy sản, cụ thể là cá, sản phẩm rất đa dạng. Chỉ với con cá da trơn nguyên liệu, nhưng các nhà máy cho ra hàng chục sản phẩm khác nhau. Nào là cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc hay phi lê, hoặc đã qua chế biến thành sản phẩm cao cấp... Chỉ với sản phẩm phi lê, cũng đã có rất nhiều sản phẩm khác nhau bởi kích cỡ, màu, tỷ lệ mạ băng… không hề đồng nhất mà phụ thuộc vào yêu cầu của từng khách hàng”. Nhiều người không xa lạ chuyện giá sàn. Bởi thực tế là với hạt gạo, nhiều năm qua các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đều phải tuân thủ quy định về giá sàn. Nhưng với gạo, dù được chế biến từ nhiều giống lúa nguyên liệu khác nhau, nhưng khi xuất đều quy về một vài nhóm cụ thể như gạo 5%, 15% và 25% tấm, gạo thơm... Nay đem áp dụng cho ngành thủy sản, với hàng chục sản phẩm đa dạng như vậy, liệu có ai đứng ra kiểm soát nổi hay doanh nghiệp vẫn ung dung lách được? Còn nếu rà soát kỹ, ban hành giá sàn cho từng sản phẩm cụ thể, như đã nói, chỉ khiến doanh nghiệp thêm thiệt hại khi thời gian làm thủ tục xuất khẩu bị kéo dài. Do vậy, VASEP cần tính toán kỹ cách thực hiện, nếu không, doanh nghiệp thành viên sẽ lãnh đủ. Còn về phía doanh nghiệp, đây cũng là dịp để nhìn lại mình, bởi không vô cớ mà VASEP muốn “dạy” doanh nghiệp cách bán buôn. Đơn giản là lâu nay, nhiều doanh nghiệp đã quên đi lợi ích quốc gia, lợi ích ngành… khi tự hạ giá bán, làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com