Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thủy sản Việt Nam: Cần chiến lược truyền thông hiệu quả đến người tiêu dùng

Ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do những hạn ngạch và chính sách của các nước nhập khẩu áp đặt. Tình thế  trên khiến không ít người nghĩ rằng, chỉ cần đi kiện ngược lại là có thể giải quyết êm đẹp.

Tuy nhiên, đó vẫn được xem là giải pháp nhất thời, còn về lâu dài cần phải được nhìn nhận và giải quyết thật nghiêm túc, vì sản phẩm của chúng ta vẫn còn quá nhiều điều phải khắc phục.

Nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát nên không đáp ứng tiêu chuẩn

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng cùng với quá trình tăng trưởng của kinh tế thế giới đã thực sự tác động làm thay đổi bức tranh thị trường thủy sản toàn cầu và ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành thủy sản Việt Nam. Nguồn cung gia tăng đã hạ mức giá của thủy sản xuống từ phân khúc tiêu thụ cao cấp về phân khúc tiêu thụ trung bình. Tầng lớp thu nhập trung bình đang trở thành đối tượng tiêu dùng thủy sản chính của thế giới. Điều này là động lực chính cho quá trình tăng trưởng liên tục hơn 15 năm của thủy sản Việt Nam kể từ khi hội nhập.

Theo thống kê của FAO, Việt Nam đứng thứ 5 về sản lượng nuôi trồng, nhưng giá trị đứng thứ 3 thế giới. Thủy sản Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sản lượng thủy sản nuôi đã vượt sản lượng khai thác. Thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2008, diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng lên trên 1 triệu ha, sản lượng đạt gần 2,45 triệu tấn, tăng gấp 12 lần so với năm 1980. Hai sản phẩm chủ lực, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là cá tra và tôm cũng là các sản phẩm nuôi.

Việt Nam mặc dù có đường bờ biển dài, nuôi nước ngọt và nuôi lợ vẫn chiếm tỷ trọng chính, trong khi nuôi biển không đáng kể. Ngành nuôi nước lợ thế giới và Việt Nam chủ yếu tập trung vào các loại tôm nước lợ như tôm sú và tôm chân trắng, trong khi nuôi ngọt tăng trưởng mạnh mẽ với sự mở rộng của công nghiệp cá tra.

Nuôi trồng thuỷ sản quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ quan trọng. Cũng theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 2,6 triệu tấn sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2009, ước tính 65 -70% số đó là do các nông hộ quy mô nhỏ. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn, và chưa thể đảm bảo cho việc kiểm soát lượng và chất lượng nguyên liệu cho thủy sản Việt Nam. Quy mô không đủ lớn sẽ đẩy chi phí kiểm soát lên, không tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nuôi của Việt Nam có một chiến lược truyền thông hiệu quả đến người tiêu dùng đang ngày càng nhạy cảm với các vấn đề về môi trường và an toàn thực phẩm.

Tự làm khó mình

Dưới tác động của khủng hoảng tài chính, năm 2009, xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm. Trước đó, bất chấp nhiều khó khăn thủy sản Việt Nam đã có hơn 15 năm liên tục tăng trưởng.

Vốn có nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú, đa dạng và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất, nhất là đối với nuôi trồng thủy sản, nhiều loại thủy sản thuộc các đới khí hậu khác nhau, Việt Nam có thể nâng cao nhanh chóng sản lượng và cung ứng các  sản phẩm chế biến đa dạng và có ưu thế như tôm, cá tra, các ngừ, nhuyễn thế chân đầu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ,...

Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu muộn hơn nhiều nước trên thế giới, tuy mất ưu thế trong chiếm lĩnh thị trường nhưng lại có lợi thế lớn về tiếp thu những bài học kinh nghiệm định hình sản phẩm, lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp, chiến lược Marketing và nhất là giảm chi phí đầu tư đối với công nghệ, hiện đại hóa sản xuất và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm như HACC, GMP, SSOP, ISO...

Những khó khăn trên thị trường nói chung khiến cạnh tranh giữa các sản phẩm cá thịt trắng truyền thống của các nước với sản phẩm cá tra Việt Nam càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, những thông tin nhiễu loạn về nguồn gốc, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của cá tra liên tục được tung ra trên các thị trường, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Thậm chí, một số cơ quan thẩm quyền một số nước đã đưa ra quyết định can thiệp, ngăn cản nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.

Tại  một hội thảo về chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2010 vừa diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng, chúng ta đang làm kinh tế thị trường mà chủ yếu làm theo ý mình là chính, chẳng cần để ý đến bên ngoài. Đó là tồn tại rất lớn cần phải khắc phục nếu muốn được thị trường thế giới chấp nhận. Chúng ta chủ yếu cạnh tranh nội bộ là chính, không lành mạnh, gian lận về chất lượng vẫn còn nhiều, xử lý của pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là hình thức. Rõ ràng là chúng ta đang tự làm khó mình.

(Báo Đại Đoàn Kết)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container