Biện pháp quản lý các lô hàng thủy sản (đã qua sơ chế, chế biến) trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa cần phải được áp dụng tương tự như với các lô hàng xuất khẩu để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Không nên phân biệt đối xử giữa hàng thủy sản xuất khẩu và hàng thủy sản tiêu thụ nội địa.
Sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến sẽ phải đáp ứng 2 điều kiện để được tiêu thụ nội địa |
Theo Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đối với sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến để được đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa phải đáp ứng cả hai điều kiện sau:
+ Được sản xuất kinh doanh tại cơ sở sơ chế, chế biến, lưu giữ, bảo quản đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP hoặc đã được công bố hợp quy.
+ Có Giấy chứng nhận chất lượng vệ sinh ATTP thủy sản của Cơ quan kiểm tra địa phương cấp.
Thủy sản tươi sống phải có đủ thông tin truy xuất được nguồn gốc
Lên phương án đơn giản hóa thủ tục kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh ATTP hàng hóa thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa hiện thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, Tổ công tác cho rằng cần áp dụng chế độ giảm kiểm tra cho các lô hàng thủy sản (sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến) trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa tương tự như quy định giảm kiểm tra đối với hàng xuất khẩu (sau khi đã đơn giản hóa bằng cách bỏ các yêu cầu điều kiện về hoạt động tự kiểm tra điều kiện sản xuất và phòng kiểm nghiệm riêng của doanh nghiệp).
Đồng thời, áp dụng chế độ giảm kiểm tra đối với các lô hàng thủy sản (sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến) trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa của các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản căn cứ vào mức xếp loại điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP, nhóm sản phẩm sản xuất (cơ quan kiểm tra chỉ thực hiện việc kiểm tra cảm quan, ngoại quan lô hàng và chỉ lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hóa học với tỷ lệ 1/2, 1/3, 1/5, 1/10 lô hàng) như đã được quy định đối với các lô hàng xuất khẩu hiện nay.
Lý do Tổ công tác đưa ra là tùy theo mức độ duy trì tốt điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của nhóm sản phẩm để có thể áp dụng chế độ giảm kiểm tra mà vẫn đảm bảo kiểm soát được vệ sinh ATTP các lô hàng. Đồng thời, khuyến khích và tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo ATTP, tập trung kiểm soát các cơ sở chưa có điều kiện đảm bảo tốt chất lượng ATTP, hoặc chưa được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP.
Đối với các sản phẩm thủy sản tươi, sống, Tổ công tác đề xuất đơn giản hóa thủ tục bằng cách chỉ cần đảm bảo có thông tin để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (nhằm đảm bảo việc truy xuất được nguồn gốc khi có các vấn đề về ATTP xảy ra), thay cho việc phải thực hiện các khâu kiểm tra và cấp giấy như quy định rườm rà hiện nay.
(Theo Chí Kiên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com