Ngành thuỷ sản đang kêu thiếu nguyên liệu, thừa nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long. Lội vào giữa đầm tôm, chứng kiến câu chuyện mua bán, phần nào hiểu được chuyện thừa hay thiếu nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Của ở ấp Đồng Cò, Hiệp Mỹ Tây, Cầu Ngang, Trà Vinh, nói: “Lo nhất vẫn là chất lượng con giống”. Nỗi lo của ông Của là từ trường hợp Nguyễn Văn Trăm ở ấp Giồng Giếng, Dân Thành, Duyên Hải thả nuôi 50.000 con giống tôm sú đến nay đã bốn tháng mà tôm chỉ đạt bình quân 50 con/kg.
Chỗ thiếu, chỗ thừa
Các thương nhân mua bán tôm tại Bến Tre và Sóc Trăng, cho rằng người nuôi thiệt tình nói tôm bệnh nhưng càng nói thì các nhà máy càng có lý do xin nhập nguyên liệu về chứ không thích cùng người nuôi xây dựng vùng nguyên liệu. Lâu nay nguyên liệu ở tỉnh này chạy qua tỉnh kia, chỗ này thiếu, chỗ kia thừa một phần là do cách ứng xử của người mua kẻ bán.
Trong quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản đến năm 2015, Trà Vinh sẽ nâng diện tích nuôi tôm sú lên 32.000ha với tổng sản lượng 50.000 tấn/năm. Thế nhưng tới nay cả tỉnh chỉ có bốn nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu công suất 13.500 tấn.
Nhiều thương nhân mua tôm nguyên liệu cho biết, do giới hạn công suất chế biến, kho lạnh nên các thương nhân mua tôm nguyên liệu ở Trà Vinh phải chạy qua Sóc Trăng, Bến Tre bán.
Vụ nuôi tôm sú năm 2010, người nuôi tôm sú ở Trà Vinh hào hứng khi giá tôm trên 100.000đ/kg. Đặc biệt là sau những tháng ngày thiếu nguyên liệu, các nhà máy đã bớt “chảnh” khi mua.
Tuy nhiên, đến tháng 5.2010, khi 3.400 hộ nuôi tôm ở các vùng ven biển ở tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại sản lượng do tôm nhiễm bệnh hoặc sốc môi trường do thời tiết thay đổi bất thường, thì có doanh nghiệp nói “tình hình này nhập nguyên liệu về chế biến còn sướng hơn...”
Tăng nhà máy, không đi cùng vùng nguyên liệu
Vựa tôm Cà Mau có 264.500ha nuôi tôm nhưng chỉ 1.300ha nuôi tôm công nghiệp, 2.200ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, cung cấp khoảng 100.000 – 120.000 tấn nguyên liệu/năm, tức chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất của các xí nghiệp chế biến. Không riêng gì Cà Mau, theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 193 nhà máy chế biến thuỷ sản (chủ yếu là cá tra và tôm) với tổng công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm, tăng 2,7 lần so với năm 2003. Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2010, nguồn nguyên liệu tại ĐBSCL cung ứng cho các nhà máy chế biến tối đa là 750.000 tấn nguyên liệu, chỉ đáp ứng 62% công suất thiết kế của các nhà máy.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu căng thẳng đến mức, có khi biết tôm bị bơm tạp chất, nhà máy vẫn phải mua. Vì không mua thì không có việc để làm |
Ông Nguyễn Thông Nhận, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, thiếu tôm nguyên liệu triền miên chỉ còn cách tăng năng suất, tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu chỉ cần có thêm 10.000ha nuôi tôm công nghiệp, nhưng Cà Mau mới có hơn 1.300ha. Mô hình này rủi ro cao nên người nuôi tôm – các nhà đầu tư tư nhân – ngại đầu tư.
Các tỉnh có diện tích tôm công nghiệp lớn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… có lúc thất mùa, lỗ vốn nên người nuôi tôm thả tôm giống mật độ thưa, sản lượng giảm. Tại Sóc Trăng, sản lượng tôm chỉ đạt khoảng 55.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với những năm trước làm cho chín xí nghiệp chế biến của sáu doanh nghiệp ở đây đói nguyên liệu.
Ở Cà Mau có 35 xí nghiệp chế biến thuỷ sản, chưa kể nhiều xí nghiệp nhỏ đang xây dựng, hoặc lập cơ sở sơ chế nguyên liệu.
Giám đốc công ty chế biến thuỷ sản Ngọc Sinh có xí nghiệp tận U Minh (Cà Mau), bám vùng nguyên liêu, nói: “Mấy tháng nay, thiếu nguyên liệu nên tôi phải đi tận Khánh Hoà để mua”.
Tình trạng tranh mua, tranh bán chưa dứt lại sinh nạn bơm tạp chất vào tôm khiến các nhà máy càng muốn nhập nguyên liệu hơn là kết nối vùng nguyên liệu.
Ở Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu), một giám đốc doanh nghiệp chế biến đề nghị giấu tên nói: “Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu căng thẳng tới mức dù biết mua tôm chứa tạp chất là vi phạm nhưng vẫn phải mua, không mua thì lấy gì làm?”
Ông Võ Hồng Ngoãn, “vua tôm sinh thái” ở Bạc Liêu nói lúc đầu người nuôi tôm nào thấy nhiều nhà máy cũng mừng vì các nhà máy cần nhiều nguyên liệu. Nhưng rồi tình trạng nhà máy đè giá xảy ra. Theo ông, nhiều nhà máy nhưng phải tạo được sự gắn kết chứ cứ kiểu “đem con bỏ chợ” thì chẳng được gì.
( Theo Hoàng Lan – Trường Lê – Nguyễn Như // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com