Năm 2012, Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch sản xuất 1,2 - 1,5 triệu tấn cá tra, giá trị xuất khẩu đạt 1,85 - 2 tỷ USD. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu này, nghề nuôi cá tra phải vượt qua nhiều thách thức.
Khát vốn nuôi cá
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, thiếu vốn là vấn đề lớn nhất của người nuôi cá trong năm 2012. Bởi để đạt kế hoạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay thì cần tới 1,3 triệu tấn cá tra với nguồn tín dụng dành riêng cho vùng nuôi phải là 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng rất hạn chế cho vay nên nguồn vốn sản xuất cá tra nguyên liệu hiện nay chủ yếu từ vốn tự có.
Ông Võ Văn Thanh, nông dân nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, tài sản thế chấp là yếu tố quan trọng nhất trong việc vay vốn ngân hàng hiện nay nhưng nguồn vốn từ ngân hàng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chi phí. Theo ông Thanh, để đầu tư cho 1 hecta diện tích mặt nước nuôi với sản lượng trung bình khoảng 300 tấn thì người nuôi cần nguồn vốn lên tới gần 7 tỷ đồng, trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay chừng hơn 1 tỉ, số tiền này vừa đủ để mua cá giống.
Cần vượt qua nhiều thử thách để đạt sản lượng 1,2 - 1,5 triệu tấn cá tra
Nông dân nuôi cá tra càng khó khăn hơn khi phải đóng thuế VAT cho các khoản thức ăn, thuốc thú y thủy sản, xăng dầu… nhưng doanh nghiệp lại là người được hưởng phần này. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản CAFATEX cho rằng, thiếu công bằng khi nông dân đóng thuế còn doanh nghiệp được hưởng. Nếu được hoàn thuế VAT thì mỗi kg cá nông dân giảm chi phí đầu tư được hơn 1.000 đồng. Do vậy, để hỗ trợ nông dân, ông cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hoàn thuế VAT trong việc mua các vật tư đầu vào.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra ở ĐBSCL năm 2011 tăng 27% so với năm 2010, với giá trị đạt trên 44.500 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra tính đến cuối năm 2011 là 12.651 tỉ đồng. Bước sang năm 2012, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là vẫn tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó có nuôi cá tra.
Vẫn còn tình trạng ép nhau
Thời gian qua, sự liên kết trong chuỗi sản xuất cá tra đã được cải thiện đáng kể, cụ thể như việc xuất hiện một số mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả như mô hình liên kết chuỗi ở An Giang, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ ở một số tỉnh chưa thực sự chặt chẽ, tính hiệu quả chưa cao. Sự thiếu hợp tác này này dẫn đến biến động của thị trường làm người nuôi cá lao đao.
Trên thực tế, giá cá hiện nay rất bấp bênh như hồi tháng 3/2011, giá cá từ đỉnh điểm 29.000 VNĐkg đột ngột tụt xuống 22.500 VNĐ/kg. Bên cạnh đó, người nuôi cá cũng lo lắng về tình trạng doanh nghiệp khi thì công bố mua cá kích cỡ nhỏ, khi thì lại đòi cá kích cỡ lớn một cách bất thường, khiến họ “dở khóc dở cười”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Khánh Hòa (An Giang) cho rằng, giữa doanh nghiệp và người nuôi đang còn cảnh mặt đối mặt. Khi nông dân bán cá cho doanh nghiệp, doanh nghiệp thường kéo dài hạn trả từ 1 - 4 tháng để chiếm dụng vốn. Về giá thành sản xuất cũng có sự khác nhau giữa doanh nghiệp với nông dân. Vì nếu doanh nghiệp tự nuôi thì giá thành chỉ 20.000 VNĐ/kg, còn nông dân phải tốn thêm 2.000 VNĐ/kg tiền lãi trả chậm cho đại lý thức ăn, lãi suất ngân hàng trong thời gian chờ tiền bán cá từ doanh nghiệp cũng mất 2.000 VNĐ/kg.
Theo ông Lê Chí Bình, Hiệp hội Thủy sản An Giang, từng có đề xuất hợp đồng mẫu nhưng chưa quy định rõ khi có vi phạm hợp đồng thì ai là người giải quyết tranh chấp nên đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn của người nuôi. Nếu đưa ra tòa dân sự thì phải mất 3 - 6 tháng, xử xong lại phải chờ thi hành án, lúc đó chỉ có nông dân chịu thiệt.
Con giống chưa đáp ứng nhu cầu
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, sản xuất cá tra giống là khâu yếu nhất hiện nay trong chuỗi sản xuất cá tra xuất khẩu. Bởi trên thực tế, để có cá chất lượng tốt cần phải có con giống chất lượng cao, đồng đều. Tuy nhiên, hiện nay khâu này rất ít doanh nghiệp có vốn, công nghệ đầu tư mà chủ yếu vẫn do nông dân tự làm với quy mô nhỏ lẻ.
Thời gian qua, do lũ kéo dài cùng với những đợt không khí lạnh làm cho việc sản xuất và ương nuôi cá giống bị đình trệ, nên đến đầu tháng 5 thì thị trường cá tra giống mới phục hồi trở lại. Theo ước tính, sự thiếu hụt nguồn cá giống này lên đến 70% so với nhu cầu thả nuôi của bà con nông dân. Do đó, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cá tra trong năm 2013 vì thời gian nuôi cá thường kéo dài từ 8 - 10 tháng.
Về vấn đề chất lượng con giống phục vụ nuôi cá tra, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đến nay đã bàn giao 85.000 con cá tra bố mẹ đã được chọn lọc di truyền trong tổng số 100.000 con cá bố mẹ theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT cho các địa phương để tạo nguồn cá giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người nuôi. |
(Thuỷ sản Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com