Chất lượng sản phẩm làm yếu tố chủ chốt để phát triển thủy sản bền vững. |
Theo ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù chỉ được phép xuất khẩu từ tháng 6/2009, nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nga đã gia tăng mạnh, với tổng khối lượng lên đến 36.000 tấn trong năm 2009, trị giá 70 triệu USD. Với xu thế này, dự kiến, năm 2010, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu thủy sản vào Nga đạt mức tương đương năm 2008 (120 triệu USD), trong đó riêng cá tra là 100 triệu USD.
Có thể nói, năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng đã tạo điều kiện để Việt Nam tổ chức lại xuất khẩu. Nhờ đó, các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nga không có trường hợp vi phạm phải tạm dừng xuất khẩu. Đây là thị trường duy nhất trong năm 2009 giá cá tra được nâng lên 5 - 7%, thay vì giảm 10 - 15% như nhiều thị trường khác. "Nếu mở rộng xuất khẩu sang thị trường các nước SNG (Liên Xô cũ) như Ukraine, Gruzia, Uzbekistan…, thì sản lượng cá tra xuất khẩu vào những thị trường này sẽ tương đương thị trường Nga, đặc biệt là Ukraine - quốc gia có khoảng 70% người dân sử dụng cá là thực phẩm chính", ông Minh cho biết.
Nhận định về thị trường Nga, ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thị trường Nga có ba đặc điểm lớn. Thứ nhất, ngoài nhu cầu lớn về sản phẩm thủy sản, Nga còn là thị trường có sức tiêu thụ lớn về nông, lâm sản. Hiện nhu cầu nhập khẩu cà phê, hồ tiêu, điều… của Nga cũng rất lớn. Thứ hai, thị hiếu tiêu dùng của người Nga cũng gần giống với người Việt Nam. Thứ ba, thị trường Nga không đòi hỏi cao về chất lượng, trong khi lại yêu cầu cao về thủ tục.
Cụ thể, Nga đòi hỏi rất cao về tính minh bạch trong thủ tục nhập khẩu. Hơn nữa, việc mở tín dụng thư (LC) tại Nga không thông dụng, nên độ rủi ro rất cao. Vì vậy, theo ông Lương Lê Phương, để sản phẩm cá basa không bị cấm xuất khẩu vào Nga như năm 2008 và để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra của năm 2010, các doanh nghiệp phải chú trọng chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp phải kiểm soát được sản phẩm đầu vào, giảm tỷ lệ mạ băng từ 30% xuống còn 15%. Hiện Nga và Việt Nam đã thống nhất được tỷ lệ mạ băng là 20%. Nếu doanh nghiệp mạ băng cao, không đúng chất lượng, thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu vào Nga.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, xuất khẩu cá basa vào thị trường Nga chỉ chiếm 10% tổng khối lượng cá basa xuất khẩu của Việt Nam, nhưng nếu so sánh với 127 nước và vùng lãnh thổ có nhập khẩu cá basa của Việt Nam, thì Nga là thị trường lớn. Do đó, doanh nghiệp nên xem chất lượng sản phẩm làm yếu tố chủ chốt để phát triển thủy sản bền vững.
Về mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD thủy sản năm 2010, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, đây là mục tiêu cao, nhưng hoàn toàn khả thi, bởi số lượng doanh nghiệp được cấp phép vào Nga dự kiến sẽ tăng lên (hiện chỉ có 10 doanh nghiệp được cấp phép vào thị trường này).
"Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Nga, doanh nghiệp nên đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Nga, trong đó chú trọng mặt hàng tôm. Ngoài ra, để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Nga, các doanh nghiệp thuộc Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản vào Nga đã đồng ý trích một phần kinh phí để quảng cáo mặt hàng cá basa tại Nga…", ông Hoè cho biết.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com