Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, cá tra đã vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Thông tin từ Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu các sản phẩm cá tra Việt Nam của nhiều thị trường trên thế giới đang tăng mạnh, từ 2-10 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2009 có thể đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, đằng sau thắng lợi này, nông dân nuôi cá vẫn đang rất khó khăn, đối mặt nhiều rủi ro và hưởng lợi rất thấp trong chuỗi giá trị cá tra xuất khẩu…
Chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu tại Đồng Tháp
Phục hồi mạnh mẽ
Việc xuất khẩu cá tra đã làm được điều mà 10 năm trước ít ai dám nghĩ đến: Vượt qua mặt con tôm sú. Hơn 295.000 tấn sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất khẩu, tổng giá trị 668 triệu USD tính từ đầu năm đến giữa tháng 7-2009.
Sau 10 năm, sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần. Nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh khối lượng mua sản phẩm cá tra từ 2-10 lần so với năm trước. Trong đó, thị trường Đông Âu có sức mua tăng 4 lần, một số nước ở châu Phi tăng nhu cầu gấp 10 lần… Thị trường Ai Cập, Hà Lan chính thức khẳng định cá basa Việt Nam an toàn 100%; cá tra, basa cũng như hàng thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục được xuất khẩu bình thường.
Ngoài ra, có 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ công bố không áp thuế chống bán phá giá hoặc có mức thuế rất thấp, gần như bằng 0%. Do vậy, thời gian tới, mặt hàng này có nhiều thuận lợi để trở lại với người tiêu dùng Mỹ.
Dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra phục vụ cho mùa Noel, Tết Dương lịch của thị trường thế giới sẽ còn tăng cao. Đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam… Với những lợi thế này, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt mức 1,2-1,3 tỷ USD, vượt xa mức dự báo trước đó của VASEP là 1 tỷ USD…
Chế biến cá tra xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Người nuôi vẫn thiệt thòi
Có một nghịch lý rất lớn là hiện nay người nuôi cá tra đang trong cảnh rất khó khăn và hưởng lợi rất ít, đầu ra sản phẩm vẫn bấp bênh, chưa đảm bảo phát triển ổn định… Đến nay, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL giảm ít nhất 30% so với năm trước. Phần lớn diện tích còn lại cũng được thả nuôi với mật độ thưa, sản lượng thấp. Đa phần người nuôi đang mắc nợ ngân hàng, không còn tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ…
Khảo sát mới nhất về thực trạng người nuôi cá tra tại An Giang cho thấy: Từ 70%-80% người nuôi cá tra xuất khẩu đang chịu lỗ. Toàn tỉnh hiện có 2.854 hộ vay nuôi cá tra với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng. Trong số này có 152 hộ nợ quá hạn với số vốn 52 tỷ đồng. Hầu hết người nuôi đều không còn tài sản thế chấp để các ngân hàng hỗ trợ vay các khoản vay mới. Tại Bến Tre, suốt thời gian qua, đa phần người nuôi cá tra đều không có lãi. Các hộ nuôi chưa liên kết được với nhà máy chế biến, nhiều cơ sở nuôi đã cho thuê hoặc sang nhượng cho doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu…
Dù nhu cầu sản phẩm cá tra được khẳng định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhưng hiện tại giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn ở mức thấp, cá loại 1 chỉ từ 14.500-14.800 đồng/kg, cá loại 2 từ 13.500-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành hiện tại luôn ở mức 15.000-15.500 đồng/kg.
Nông dân Nguyễn Văn Út ở vùng nuôi cá tra Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: Với giá này, người nuôi ít nhất lỗ bình quân 1.000 đồng/kg. Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết: “Người nuôi cá tra vẫn còn rất khó khăn. Với giá thành cao và giá bán thấp như hiện nay, người nuôi không thể nào có lãi. Trong khi đó, ngân hàng nghe nói vay nuôi cá là rất sợ vì ngoài điều kiện thế chấp thì nguy cơ rủi ro cũng rất cao”.
Hiện nay, diện tích nuôi cá tra của Đồng Tháp giảm từ 1.400ha (năm 2008) xuống còn 900ha. Tại TP Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra đến nay đạt 970ha, giảm 27% diện tích và 25% về sản lượng so với năm trước. Vài tuần nay, giá cá nguyên liệu giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất làm nhiều người nuôi lo lắng…
Có thông tin cho rằng, sở dĩ giá hiện nay nhiều doanh nghiệp tiêu thụ cá tra nguyên liệu cầm chừng, giá thấp là do tập trung giải phóng lượng hàng tồn trữ trước đó. Mặt khác, qua các phương thức mà nhiều doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu riêng đáp ứng vài chục phần trăm nhu cầu sản xuất. Khi có nhu cầu thì việc ưu tiên tiêu thụ cho sân nhà bao giờ cũng được tính đến…
Vậy là thêm một lần nữa người nuôi cá tra hứng chịu thiệt thòi.
Theo kết quả “phân tích chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) điều tra 431 cá nhân, đơn vị cho thấy: Trong tổng số lợi nhuận thu được, công ty chế biến chiếm 78,5%, người nuôi 19,4%, thương lái 2,1%. Rõ ràng, tỷ trọng lợi nhuận mất cân đối giữa các tác nhân cho thấy sự kém bền vững trong chuỗi giá trị…
Bản nghiên cứu này được tiến hành với những số liệu thu thập chủ yếu trong năm 2007 và đầu năm 2008, lúc đó giá cá tra nguyên liệu cao hơn giá thành sản xuất, người nuôi có lời. Khoảng cuối quý 1-2008 đến nay, hầu hết thời gian, người nuôi cá tra bán dưới giá thành. Thực tế cho thấy người nuôi cá tra còn hưởng rất ít trong chuỗi giá trị gia tăng.
(Theo Bình Đại // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com