Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thu mua cá tại cảng.
Ảnh: LAN XUÂN
 - Nâng cao chất lượng khai thác thủy sảnViệt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế, rộng khoảng một triệu km2, bờ biển dài hơn 3.260 km, có nhiều đảo, sông, đầm, phá. Biển nước ta được công nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học vào bậc cao của thế giới. Tận dụng những lợi thế đó, trong những năm qua, ngành thủy sản đã tăng trưởng liên tục với tốc độ 6 - 10%/năm, sản lượng khai thác, nuôi trồng không ngừng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững và nâng cao đời sống của ngư dân.

 Mở rộng mô hình đánh bắt

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thời kỳ 1985 - 2008, ngành thủy sản tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình từ 6-10%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản lượng thủy sản đạt 6,17%/năm. Nếu năm 1985, sản lượng thủy sản chỉ đạt 1,16 triệu tấn thì đến năm 2008, con số này đã tăng gấp bốn lần, đạt 4,6 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản tăng 2,35 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,79%/năm. Ðặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây thì tổng sản lượng hải sản khai thác tăng bình quân với tốc độ 9%/năm.
Tính đến năm 2008, toàn ngành có gần 130 nghìn tàu thuyền, trong đó có 44 nghìn tàu thuyền thủ công, 81.800 tàu thuyền máy với tổng công suất 6.038.000 CV, tăng 65% so với năm 2002 về số lượng và 34,4% về tổng công suất. Tàu có công suất nhỏ hơn 90 CV có khoảng 80%, tàu có khả năng khai thác hải sản xa bờ hiện chiếm khoảng 20% trong tổng số tàu lắp máy (khoảng 17 nghìn chiếc).

Tương ứng với tăng số lượng tàu cá, lực lượng lao động trực tiếp khai thác thủy sản cũng tăng theo, từ 270 nghìn người (1990) lên gần 700 nghìn người vào năm 2007 (bình quân mỗi năm bổ sung trên dưới 28 nghìn người), đáp ứng phần nào nhu cầu việc làm cho sự gia tăng lao động vùng biển, ổn định đời sống và tăng thu nhập cho người dân.

Việc phát triển đội tàu đã góp phần tăng nhanh sản lượng khai thác và thu hút lao động trong ngành. Trong hơn 10 năm qua, các loại nghề khai thác hải sản cũng có những thay đổi tích cực. Từ việc cải tiến các loại hình khai thác như sử dụng lưới kéo, rê, vây trong nước đến du nhập một số cách khai thác thủy sản khác như câu cá rạn, cá ngừ đại dương, chụp mực kết hợp ánh sáng, lưới kéo đáy có độ mở cao... làm phong phú thêm loại hình khai thác thủy sản trong nước.

Chúng tôi đã về Nam Ðịnh, một trong những điển hình của các tỉnh phía bắc đã có nhiều cách làm hay để phát huy hiệu quả trong khai thác thủy hải sản. Với 72 km bờ biển, Nam Ðịnh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Tổng số tàu thuyền khai thác hải sản hiện là 2.600 chiếc, có tổng công suất 85.000 CV. Riêng sản lượng khai thác năm 2009, toàn tỉnh đạt 37.650 tấn, đem lại mức thu nhập ổn định cho ngư dân. Ðể phát triển nghề khai thác hải sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, ngành thủy sản Nam Ðịnh đã chọn cách phối hợp chặt chẽ với các huyện ven biển và Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác quản lý tàu cá, chỉ đạo hướng dẫn các chủ tàu và ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy hộ và nhóm hộ làm đơn vị cơ sở, liên kết các tàu thuyền đánh cá thành từng đội, đoàn để hợp tác sản xuất, giúp đỡ nhau bám biển, đồng thời hỗ trợ ứng cứu khi xảy ra thiên tai. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nguyễn Quang Trực, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất với các tàu có công suất từ 50 CV trở lên và đã hình thành được 10 đoàn đội đánh cá hoạt động có nền nếp và hiệu quả, điển hình là các đoàn đánh cá xã Hải Chính, Hải Lý (Hải Hậu), Giao Long, Giao Lâm (Giao Thủy)...

Không giống như Nam Ðịnh, Hải Phòng có cách tiếp cận khác trong việc tổ chức khai thác thủy sản bền vững. Thăm phường Ngọc Hải, thị xã Ðồ Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Lưu Ðình Xây, từng là thuyền trưởng HTX đánh cá cho chúng tôi biết: Ngọc Hải đã thành lập các khối nghề cá nhân dân và HTX đánh cá. Trong các khối nghề cá lại thành lập ra các cụm tàu an toàn hoạt động theo ngành nghề, cứ bốn đến năm tàu/cụm. Mô hình cụm tàu an toàn đã được báo cáo điển hình toàn thành phố và đang được triển khai nhân rộng bởi tính hiệu quả và sự ủng hộ nhiệt tình của bà con ngư dân. Ngoài ra phường Ngọc Hải còn thành lập các câu lạc bộ đánh cá xa bờ, có quy chế hoạt động, và thường xuyên tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi biển. Phó Chủ tịch UBND phường Lưu Ðình Xây còn cho biết thêm: Bà con ngư dân ở đây rất hăng hái tham gia các tổ chức này vì nó có quy chế hoạt động chặt chẽ, gắn kết với nhau từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ, tránh được sự đánh bắt chồng chéo và tranh giành trong thu mua.

Cần tổ chức khai thác hợp lý

Mặc dù khai thác thủy hải sản đã đem lại những kết quả đáng kể, góp phần tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống ngư dân, nhất là đem lại vị thế cao cho Việt Nam trên thị trường thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Nhưng nhìn một cách tổng thể, cũng còn nhiều vấn đề đang đặt ra, lớn nhất là việc khai thác bừa bãi đang làm nguồn lợi thủy sản bị đe dọa nghiêm trọng và môi trường ô nhiễm nặng nề.

Theo số liệu của Bộ NN và PTNT, trong vòng 10 năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản khai thác hằng năm tăng không đáng kể (dưới 2%/năm), trong khi năng suất tính trên đơn vị thuyền nghề và công suất tàu (tấn/CV) giảm 30 - 50%. Nguồn lợi hải sản vùng ven bờ đã khai thác vượt giới hạn bền vững (10 - 12%) nhất là nhóm cá đáy, các loài tôm biển, kể cả tôm hùm, cá rạn; nguồn lợi thủy sản nước ngọt tự nhiên các tỉnh phía bắc, Trung Bộ hầu như cạn kiệt, trong đó các tỉnh thuộc khu vực sông Mê Công trữ lượng giảm 40 - 60% so với trước năm 1975; nhiều loại cá có giá trị kinh tế đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng... Thực tế đã chứng minh điều này, bởi ở hầu hết các địa phương, số lượng tàu đánh bắt xa bờ chiếm số lượng rất ít, chủ yếu là các tàu thuyền đánh bắt gần bờ. Không những thế, ở một số vùng biển như Bình Thuận, Cà Mau, một số tàu cá lắp máy công suất lớn thay vì di chuyển ra xa bờ lại cũng quay về gần bờ khai thác. Ðó là còn chưa kể đến các hiện tượng sử dụng công cụ và phương pháp khai thác làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản như sử dụng mìn, kích điện, các loại lưới mắt nhỏ hơn quy định, khai thác sai tuyến vào các khu vực cấm, thời gian cấm, đánh bắt các loài thủy sản chưa trưởng thành...

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Cục trưởng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Chu Tiến Vĩnh, là do sự mất cân đối giữa ngư trường và số lượng tàu thuyền tham gia khai thác hải sản. Giai đoạn 1996-2006, tàu thuyền tăng nhanh về số lượng và kích cỡ, song ngư trường khai thác hầu như chưa được mở rộng, dẫn đến tình trạng mật độ tập trung tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển cao, có thời điểm có nơi lên đến 40 phương tiện/km2 (vùng biển ven bờ).

Bên cạnh đó, những biến động về thị trường, giá cả nhiên liệu trong thời gian vừa qua đã tác động không nhỏ đến đội tàu, đẩy chi phí đầu vào lên cao, trong đó sản phẩm bán ra giá lại không tăng. Ðiều đó khiến các tàu đánh bắt xa bờ lại quanh quẩn khai thác gần bờ để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, thời tiết trên các vùng biển trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, thất thường, tai nạn trên biển xảy ra nhiều gây những thiệt hại khá nặng nề, trong khi trang thiết bị an toàn trên các tàu đánh bắt xa bờ lại lạc hậu, ảnh hưởng nhiều việc đi biển dài ngày. Trong khi tất cả thực tế đó đang diễn ra thì hệ thống tổ chức quản lý khai thác còn hạn chế cả về nhân lực và vật lực, không đủ điều kiện để kiểm soát hết các tàu hoạt động trên biển.

Có thể thấy, thực tế khai thác thủy sản như trên đã và đang làm cho nguồn lợi thủy sản gần bờ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đời sống những ngư dân nghèo và tác động tiêu cực quá trình phát triển bền vững của ngành. Vì vậy vấn đề cấp thiết đặt ra trong lúc này là phải có chiến lược bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với tầm nhìn dài hạn.

(Theo TRẦN HƯNG và ÁNH TUYẾT // Báo Nhân dân điện tử)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Thủy sản xuất vào EU phải có chứng nhận khai thác hợp pháp
  • Cá tra dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản - Nghịch lý từ vùng nuôi
  • Quy định của EC truy xuất nguồn gốc thủy sản : Cơ hội để DN nâng cao tính cạnh tranh
  • Xuất khẩu thủy sản vào EU: DN sẵn sàng, nhưng...
  • Hải sản tự nhiên sẽ được miễn thuế tài nguyên
  • Xuất khẩu thủy sản khô tăng cả lượng và kim ngạch
  • Xuất khẩu thủy sản - tăng nhanh nhưng "xổi"
  • Xuất khẩu cá tra - Cuộc “soán ngôi” bất thành
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container