Trong khuôn khổ Festival thủy sản tại Cần Thơ, diễn ra hội thảo Thủy sản Việt Nam, Tiềm năng phát triển và hội nhập, nhiều đại biểu thống nhất, cần xây dựng thương hiệu chung về thủy sản cho cả đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân nuôi trồng cần được hỗ trợ về vốn (trong ảnh, vụ thu hoạch tôm ở Sóc Trăng). Ảnh: K.G |
Đừng bỏ rơi nông dân
Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua, nông sản của Việt Nam, trong đó có thủy sản vẫn ca điệp khúc được mùa mất giá. Khi nông dân được mùa, thì giá xuất khẩu lại xuống thấp, gây thiệt hại không ít cho nông dân và doanh nghiệp. Liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cho ngành thủy sản còn hạn chế.
Ông Đoàn Đình Tùng (Trường Quản lý Nông nghiệp 2) cho rằng, trước đây chúng ta đề cập đến sự liên kết giữa 3, 4 nhà, nhưng thực chất lại không như mong muốn. Ở đây doanh nghiệp phải là đối tượng quan tâm đầu tiên, vì chính họ chịu trách nhiệm trước thị trường, là người đứng mũi chịu sào, gánh phần lời hay lỗ trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân lâu nay, dù đã có sự thỏa thuận với nhau, nhưng thực tế đã bị đứt gãy. Trong khi, những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, chúng ta vẫn phải thực hiện. “Khi doanh nghiệp và nông dân hợp đồng với nhau, trong trường hợp có người vi phạm hợp đồng vẫn chưa có chế tài xử phạt” – ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Thái Văn Hoa, một nông dân nuôi cá tra ở Cần Thơ cho rằng, lâu nay, ngân hàng chỉ quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, chứ người nuôi trồng chưa được chú ý.
Theo ông Hoa: “Người nông dân lúc nào cũng là người đau khổ. Dù kêu gọi hỗ trợ nhiều lần nhưng ngân hàng không có chính sách cũng chịu. Nếu cần họ đến ao xem thực tế, xem nông dân chúng tôi làm ăn có giả dối hay không. Thứ nữa, về giá cả, lâu nay người trồng lúa được hỗ trợ, còn với dân nuôi trồng, lúc giá cá nay lên mai xuống, thì ai hỗ trợ chúng tôi, dù thực tế, nuôi cá cho thu nhập gấp nhiều lần so với làm lúa”.
Xốc lại quy hoạch
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Thời gian qua, có khoảng 90% mặt hàng cá tra xuất khẩu dưới dạng fillet, là nguyên liệu cho các nước nhập khẩu chế biến tiếp. Hiệp hội mong muốn gây dựng thương hiệu về thủy sản chung cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt chú trọng tới cá tra.
Muốn làm được điều đó, trước hết phải có hệ tiêu chuẩn, có tổ chức độc lập đứng ra thăm dò tính phù hợp với các thị trường, đưa ra các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, tạo tính đồng đều cho các mặt hàng thủy sản. Chỉ doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn thì mới được cấp thương hiệu. Thời gian qua, Vasep nỗ lực trong vấn đề gây dựng thương hiệu này, tuy nhiên mọi việc đang nằm trong quá trình thực hiện.
Ở góc độ quản lý, quy hoạch, ông Lưu Phước Lượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, phát triển thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long quan trọng nhất là quy hoạch.
“Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến quy hoạch, nhưng theo tôi, quy hoạch về nông nghiệp và thủy sản của miền Tây chưa rõ ràng, và như thế, thì chưa phát triển được. Quy hoạch phải gắn liền với tình hình thực tế, chứ nhiều cái chúng ta vẽ ra, chỉ nằm trên giấy mà thôi. Cùng với quy hoạch là cơ chế chính sách đi liền mới có kết quả cao, nhưng lâu nay, quy hoạch thì nhiều, nhưng chưa có cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch”- Ông Lượng nói.
Mặc khác, theo ông Lượng, lâu nay chúng ta nói về vựa lúa, thủy sản, trái cây của miền Tây Nam bộ, nhưng không gian địa lý chi phối quá lớn, khiến mỗi nơi làm một kiểu, chưa hợp lực được để tạo sức mạnh cho cả vùng.
Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, ngành thủy sản mới tăng 15% sản lượng hằng năm từ năm 1990 trở lại đây, trong đó ngành cá tăng 22%/năm. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, số nhà máy chế biến tăng nhanh, nhưng là tăng trưởng nóng. So với năm 2003, số lượng nhà máy tăng 2,3 lần, công suất thiết kế tăng 2,7 lần, trong khi chỉ sử dụng chưa đến 60% công suất - Đó là lãng phí rất lớn cho xã hội. |
(Theo Phạm Anh - Kiến Giang // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com