Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TP Hồ Chí Minh giải bài toán vận tải khách công cộng như thế nào?

Xe bus, phương tiện giao thông thuận tiện
cho người dân ở TP Hồ Chí Minh.
Chỉ tính riêng phương tiện giao thông cá nhân, vào thời điểm tháng 8-2008, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có tới 3,6 triệu xe gắn máy và 200.000 xe ô-tô. Nếu tính theo đầu người thì chưa đến hai người dân đã có một chiếc xe gắn máy.

 

Trong khi đó, đường sá dù có được cải thiện và mở rộng phần nào cũng không thể đáp ứng được tốc độ phát triển phương tiện chóng mặt này. Tiếp tục phát triển các phương tiện vận tải khách công cộng (VTKCC) là giải pháp quan trọng nhất để TP Hồ Chí Minh thoát khỏi tình trạng kẹt xe đang có xu hướng ngày càng trầm trọng.

 

Xe buýt là chủ lực

 

Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực (nếu không muốn nói là duy nhất) trong lực lượng VTKCC. Với 3.250 đầu xe hoạt động trên 116 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá, xe buýt đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết với một bộ phận khá đông người dân thành phố. Xe buýt đã chứng tỏ được tính ưu việt của nó: mỗi ngày vận chuyển được khoảng 1,2 triệu lượt người, phục vụ suốt gần 15 giờ, thời gian chờ đợi giữa hai chuyến chỉ còn từ 7 phút đến 10 phút. Cung cách phục vụ của xe buýt cũng được cải tiến với nhiều loại vé: lượt, tập, tháng, miễn, giảm giá... Loại hình tuyến cũng đa dạng: trợ giá, không trợ giá, chạy đêm, chạy nhanh, đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân...

 

Tuy nhiên, hoạt động xe buýt cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế. Mặc dù là lực lượng chủ lực VTKCC nhưng hiện nay xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng 7,2% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Tốc độ xe buýt hoạt động trong thành phố chỉ đạt tối đa khoảng 16 km/giờ, khoảng cách từ nhà ra các trạm xe buýt còn xa. Tuyến xe buýt đêm còn ít... Theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển và Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh tiến hành thì "Chỉ số hài lòng của người dân" thành phố về xe buýt giảm từ 78% năm 2006 xuống còn 49% năm 2008. Sự không hài lòng này tập trung vào năm điểm chính: Sự phân biệt giữa các loại vé sử dụng (vé lượt, vé tập và vé tháng); xe chạy ẩu, không dừng hẳn và không sát lề khi đón khách; thiếu thông tin về luồng tuyến, hành trình, giờ giấc, dịch vụ bán vé và đặc biệt là thái độ phục vụ thiếu văn minh, lịch sự của nhân viên; luồng tuyến chưa hợp lý gây nên tình trạng quá tải hoặc không có khách ở một số tuyến. Nhiều người dân rất bất bình với một số lái xe buýt chạy xe bạt mạng, lấn đường, coi thường người đi đường, rất dễ gây ra tai nạn giao thông. Ðã xảy ra không ít trường hợp xe buýt bỏ trạm, không đón những khách đi vé tháng.

 

Khuyến khích đầu tư phát triển VTKCC

 

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, các phương tiện VTKCC phải thu hút được khoảng hai triệu lượt người, đáp ứng khoảng từ 10% đến 12% nhu cầu đi lại của người dân, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn phát triển VTKCC. Thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất phù hợp với lãi suất thị trường cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phương tiện VTKCC nội đô, kể cả xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, xe buýt hai tầng, xe buýt có khớp nối, xe buýt có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật. Cũng nên có quy định miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của các doanh nghiệp kinh doanh VTKCC nội đô. Thành phố sẽ đặc biệt ưu đãi cho doanh nghiệp nào đầu tư vào các dự án VTKCC có quy mô lớn như: Metro, BRT, Trainway...

 

Cùng với lực lượng xe buýt khá hùng hậu, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai một loại VTKCC có khối lượng chuyên chở lớn là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tuyến Metro này dài 19,7 km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1 km trên cao chạy qua các quận 1, 2, 9, Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) và một phần huyện Dĩ An (Bình Dương). Sau khoảng sáu, bảy năm nữa, tuyến VTKCC khối lượng lớn này sẽ đi vào hoạt động, có thể phục vụ khoảng 160.000 lượt người/ngày. Ðến năm 2020, lượng khách phục vụ sẽ đạt tới 300.000 lượt người/ngày.

 

Trước mắt, thành phố tập trung vào một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lực lượng vận tải xe buýt. Mạng lưới xe buýt sẽ được hoàn thiện, đồng thời sẽ phát triển thêm một số tuyến mới chuyên phục vụ các đối tượng có hành trình đi lại ổn định như: học sinh, sinh viên và công nhân. Một số tuyến trùng lắp, bất hợp lý sẽ được điều chỉnh lại. Một số tuyến có cự ly dài sẽ được cắt ngắn. Tổ chức thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trường Chinh, Ðiện Biên Phủ và Quốc lộ 52. Tiếp theo sẽ nghiên cứu, tổ chức một đến hai làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt trên các hành lang: Lăng Cha Cả - Hoàng Văn Thụ - Phan Ðăng Lưu, Bến Thành - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Cộng Hòa - An Sương. Ðến năm 2010, phấn đấu tần suất hoạt động bình quân toàn bộ hệ thống xe buýt đạt từ 3 phút đến 5 phút/chuyến vào giờ cao điểm và từ 7 phút đến 10 phút/chuyến vào giờ bình thường. Thời gian hoạt động của xe buýt sẽ kéo dài từ 16 giờ đến 17 giờ một ngày...

 

Theo một số chuyên gia giao thông nước ngoài, mạng lưới tuyến xe buýt TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa thật sự khoa học. Không nên tổ chức mạng lưới tuyến tập trung về trung tâm mà nên phân theo vùng. Mỗi vùng sử dụng một loại xe buýt riêng cho phù hợp: Vùng trung tâm sử dụng xe buýt nhỏ và vừa, vùng ven trung tâm sử dụng xe buýt lớn hơn. Bên cạnh đó cần xây dựng các điểm trung chuyển cho xe buýt trung tâm và xe buýt vùng ven.

 

Tuy nhiên điều quyết định để người dân đến với phương tiện VTKCC chính là "văn hóa bên trong" và "văn hóa bên ngoài" xe buýt. Ðó là thái độ phục vụ ân cần, lịch sự của nhân viên trên xe và cung cách chạy xe trên đường của lái xe.

(Theo NDĐT)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Cảng Trà Nóc Bốc xếp 500.000 tấn hàng hóa
  • Cảng Đình Vũ - Hải Phòng: Khởi công 2 bến mới
  • Cảng Sài Gòn đã bốc xếp được hơn 2,9 triệu tấn hàng hóa các loại
  • Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng: Ngắn đường, mỏi chân !
  • Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng: Ngắn đường, mỏi chân !
  • Khu kho vận quốc tế đầu tiên của miền Bắc đặt ở Bắc Ninh
  • Cấp phép khu kho vận quốc tế 115 triệu USD
  • Thế nào là DN taxi - Vẫn chưa có câu trả lời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container