Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam vừa chính thức ra mắt Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ Việt Nam. DĐDN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Prime Group, nhà đầu tư chính cho viện này xung quanh kế hoạch này.
- Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc thành lập Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ đối với sự phát triển chung của ngành này.
Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ được thành lập để huy động nguồn lực của các thành viên trong Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam trong việc nghiên cứu và hợp tác về khoa học, phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ chuyên ngành vật liệu gốm sứ; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ.
Bên cạnh đó, Viện sẽ giúp nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gốm sứ trong nước, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị và nguyên liệu hóa chất nhập khẩu của nước ngoài cũng như phát huy và sử dụng hiệu quả tiềm năng về nguyên liệu gốm sứ và chất xám trong nước.
Trong thời gian tới, Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ sẽ tập trung cho việc nghiên cứu công nghệ sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; nghiên cứu các công nghệ xử lý và tinh chế một số nguyên liệu có nguồn gốc từ khoáng sản trong nước; nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất vật liệu gốm sứ và thực hiện các dịch vụ về khoa học công nghệ.
- Thưa ông, vì sao Prime Group lại quyết định đầu tư cho viện này trong khi có thể tự tiến hành các hoạt động nghiên cứu?
Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam với hơn 74 doanh nghiệp thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gốm sứ hầu như chưa có sự phối hợp tốt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ. Mỗi đơn vị tự trang trải mọi chi phí để tự nghiên cứu, tự đào tạo hoặc mua đồng bộ dây chuyền thiết bị công nghệ của nước ngoài. Như vậy, chi phí của các doanh nghiệp dành cho các hoạt động này sẽ rất cao và hiệu quả mang lại không tương xứng, không tận dụng được nguồn chất xám trong nước. Trong khi đó các công trình, dự án, đề tài nghiên cứu trong nước không có điều kiện để tiếp cận và đi sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tập đoàn Prime Group, với tư cách là nhà sản xuất hang đầu trong lĩnh vực này, nhận thấy rằng cần phải có sự đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành.
- Prime được biết đến như là một trong những doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Ông có thể chia sẻ một số thành tựu?
Nhận thức rằng khoa học công nghệ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi đã và đang đầu tư nghiêm túc cho vấn để này. Chẳng hạn, trong vấn đề sản xuất frit, một nguyên liệu quan trọng cho sản xuất gạch ốp lát, hiện Prime có nhà máy sản xuất với công suất 70 ngàn tấn năm và là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy này thay thế cho nhập khẩu, giúp cho Prime rất nhiều trong vấn đề giúp giảm giá thành và giúp chủ động sản xuất.
Chúng tôi cũng đã nghiên cứu phát triển thành công các loại men in đặc biệt sử dụng cho gạch ceramic. Đây là những loại men có giá trị kinh tế cao và lâu nay vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi đã sản xuất thành công một số phụ gia cho ngành ceramic đang phải nhập khẩu của Trung Quốc như dung môi in, STPP, mực phản quang... Bước đầu cũng đã nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ nghiền khô phối liệu xương thay cho công nghệ nghiền ướt truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho quá trình sấy khô hồ phối liệu cũng như giảm lượng khí thải thải ra môi trường và giảm được chi phí bài xương sử dụng. Công nghệ này được nghiên cứu áp dụng lần đầu tiên tại Đông Nam Á. Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chế tạo thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất của tập đoàn, giảm sự phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu: đến nay, tập đoàn đã chế tạo và đưa vào sử dụng thành công các thiết bị như: máy nghiền khô nguyên liệu gốm sứ, máy nghiền men, máy sấy phun, lò nung con thoi, hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện,... tính đến nay, chúng tôi đã đầu tư 40 tỷ đồng cho việc trang bị phòng thí nghiệm và nghiên cứu vật liệu gốm sứ với các thiết bị hiện đại nhất. Nhờ vậy, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, xử lý chế biến nguyên liệu được thực hiện nhanh và chủ động, đây là một thế mạnh của Prime trong sản xuất kinh doanh.
- Kế hoạch phát triển trong thời gian tới của Viện nghiên cứu gốm sứ sẽ ra sao. Prime có tiếp tục đầu tư cho viện để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong dài hạn?
Về lâu dài, Viện nghiên cứu công nghệ gốm sứ sẽ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm của Viện, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như có chế độ đãi ngộ thích hợp để các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi tham gia hoạt động, cộng tác. Dự kiến trong năm 2010 Viện sẽ đầu tư một tòa nhà nghiên cứu 2 tầng có diện tích 2500 mét vuông với hệ thống phòng làm việc, phòng hội thảo và phòng thí nghiệm hiện đại, chuyên sâu về vật liệu gốm sứ. Tổng vốn đầu tư cho Viện sẽ lên tới 70 tỷ đồng.
Bất kỳ ngành sản xuất nào cũng liên tục có những công nghệ mới và hiệu quả hơn trước. Chúng tôi hiểu rằng, để có được vị trí vững chắc trên thị trường, không có cách nào khác là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm cùng với Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam tiếp tục đầu tư cho viện để thúc đẩy sự phát triển chung của toàn ngành gốm sứ.
(Theo Hoài Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com