Năm 2009, Việt Nam đứng trong danh sách 10 quốc gia có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới.
Năm 2010, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng ra thị trường nước ngoài.
Cơ sở để Vicem đưa ra con số này là trong năm 2010, sẽ có thêm 6 - 7 dây chuyền sản xuất xi măng do các doanh nghiệp thuộc Vicem làm chủ đầu tư được đưa vào sản xuất, nâng công suất của Vicem lên xấp xỉ 20 triệu tấn.
Năm 2009, các doanh nghiệp thuộc Vicem đã sản xuất và tiêu thụ hơn 17,13 triệu tấn xi măng và 0,22 triệu tấn clinker, đạt doanh thu 20.781 tỷ đồng, lợi nhuận 2.134 tỷ đồng.
Mục tiêu năm 2010 của Vicem là phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 19 triệu tấn xi măng, trong đó xuất khẩu 1 triệu tấn, doanh thu đạt 22,500 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu đạt 1.430 tỷ đồng.
Như vậy, sau rất nhiều năm dậm dạp cho kế hoạch xuất khẩu, rất có thể năm 2010 sẽ là điểm khởi động tốt cho xi măng Vicem ra nước ngoài mạnh mẽ.
Thực ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, một số công ty xi măng thuộc Vicem như xi măng Cẩm Phả, Hoàng Thạch, Hà Tiên 1, Hoàng Mai đã xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Châu Phi, Trung Đông, Campuchia...Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chưa lớn.
Vào cuối năm 2008, Vicem đã cùng một số doanh nghiệp tổ chức đi khảo sát một số thị trường khu vực để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu xi măng. Cụ thể, tại thị trường Campuchia, Vicem đã làm việc và ký hợp đồng xuất khẩu trên 30.000 tấn xi măng cho tỉnh Xiêm Riệp, 7.000 tấn sang Lào và 3.000 tấn sang Trung Quốc...
Tuy nhiên, đề cập đến câu chuyện lo đầu ra cho xi măng bằng con đường xuất khẩu, các chuyên gia trong ngành xi măng cho rằng, xuất khẩu xi măng là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn. Thậm chí, nhiêu ý kiến cũng băn khoăn về lợi nhuận do chi phí vận chuyển cao, yêu cầu về công nghệ, môi trường... rất khắt khe sẽ buộc các doanh nghiệp phải chi phí nhiều hơn. Hơn thế, giới phân tích cho rằng, không nhiều nền kinh tế lựa chọn hướng xuất khẩu cho ngành công nghiệp xi măng do những bất lợi trên. Như vậy, xi măng xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn từ thị trường nội địa của nước nhập khẩu.
Đơn cử, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hoá) đã tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình bằng con đường xuất khẩu từ năm 2000. Theo ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Phó Giám đốc Công ty, mặc dù rất nỗ lực tìm kiếm nhưng Công ty mới chỉ xuất khẩu được duy nhất sang thị trường Lào. Cao điểm nhất là năm 2001 với hơn 100.000 tấn, năm 2008 tụt xuống 15.000 tấn, năm 2009 đạt xấp xỉ năm 2008. Ông Ngọc chia sẻ, xuất khẩu sang Lào ngày càng khó, bởi gần đây thuế nhập khẩu xi măng của Lào đã tăng mạnh.
Dù vậy, thì trước việc năng lực sản xuất xi măng trong nước sẽ cao hơn nhu cầu tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã ý thức được vấn đề này và xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2009, Việt Nam có 97 dây chuyền xi măng đã được đầu tư và khai thác với công suất thiết kế là 57,4 triệu tấn. Dự kiến năm 2010 sẽ có thêm 13 dây chuyền xi măng mới được đưa vào khai thác với công suất thiết kế là 11,7 triệu tấn, cao hơn nhu cầu trong nước khoảng 2 triệu tấn.
Những năm tiếp theo, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng đã đăng ký tiếp tục được triển khai sẽ có khả năng sản xuất nhiều hơn nhu cầu thị trường.
Cụ thể là năm 2011 sẽ có thêm 12 dây chuyền với công suất 9,35 triệu tấn, năm 2012 có thêm 7 dây chuyền với công suất 6,72 triệu tấn và năm 2015 có thêm 7 dây chuyền nữa được hoàn thành.
Cũng năm 2009, Việt Nam đứng trong danh sách 10 quốc gia có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới, cùng với một số quốc gia như Trung Quốc: 1.370 triệu tấn/năm, Ấn Độ: 160 triệu tấn/năm, Mỹ: 113 triệu tấn/năm, Nhật Bản: 68 triệu tấn/năm, Thái Lan: 65,7 triệu tấn/năm, Tây Ban Nha: 54 triệu tấn/năm, Brazil: 52,9 triệu tấn/năm.
Theo Báo Đầu tư
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com