Dây chuyền của một doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn |
Mặc dù chương trình bù lãi suất tín dụng của Chính phủ đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, nhưng với ngành sản xuất kính xây dựng, sự hỗ trợ đó không đủ để giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tồn tại.
Theo Hiệp hội Kính xây dựng, đến cuối tháng 4-2009, đã có hai công ty là Trường Phong ở Bình Dương và Cẩm Phả ở Hải Phòng phải đóng cửa nhà máy và tuyên bố phá sản. Còn Công ty liên doanh Kính nổi Việt Nam, một trong những nhà sản xuất kính lớn nhất nước, phải tạm ngừng hoạt động.
Các doanh nghiệp lớn khác, như Công ty Kính Đáp Cầu, Nippon Sheet Glass, Công ty Kỳ Anh đang vận hành chỉ với gần một nửa công suất. Trong cuộc trao đổi với TBKTSG hồi tháng 3 vừa rồi, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh Kính nổi Việt Nam, cho biết chỉ riêng liên doanh của ông ước tính giá trị hàng hóa tồn đọng đã khoảng 1.000 tỉ đồng.
Còn theo ông Lê Minh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam, cho biết: “Năng lực sản xuất của toàn ngành kính xây dựng chỉ có 70 triệu mét vuông mỗi năm, nhưng đến nay lượng hàng tồn kho đã bằng đến một nửa công suất”.
Đối với nhiều ngành công nghiệp khác, khi sức tiêu thụ của thị trường chậm, doanh nghiệp có thể cho công nhân nghỉ việc, tạm dừng sản xuất để giảm thiệt hại.
Nhưng ngành kính gần như không thể làm như vậy. Khi lò nấu thủy tinh được khởi động, thì sẽ phải duy trì sự hoạt động của lò liên tục cho đến hết thời hạn sử dụng.
Việc dừng lò cũng đồng nghĩa với việc phải phá bỏ để xây lại lò mới (do thủy tinh nóng chảy bị đông cứng), thiệt hại sẽ rất lớn. Một số công ty được trang bị công nghệ hiện đại, có thể rút dần thủy tinh lỏng ra để tạm dừng hoạt động, nhưng chất lượng và tuổi thọ của lò nấu cũng suy giảm nghiêm trọng.
Ông Tuấn nói: “Số phận ngành kính đã ngàn cân treo sợi tóc, không một doanh nghiệp nào đủ sức tự tìm lối thoát”. Các doanh nghiệp ngành kính đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, nâng thuế nhập khẩu để đối phó với lượng kính nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện đang có giá rẻ hơn chừng 30%.
Năng lực sản xuất 70 triệu mét vuông không phải quá nhiều so với sức tiêu thụ của thị trường trong nước. Những năm trước, toàn bộ kính sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, thậm chí các công ty còn xuất khẩu được kính tấm sang Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Lào và Campuchia...
Từ cuối năm ngoái đến nay, chẳng những không doanh nghiệp nào xuất khẩu được, mà còn bị kính giá rẻ của các nước trong khu vực tràn vào chiếm lĩnh thị trường, giết chết nhiều doanh nghiệp trong nước.
Không dừng ở đây, với ngành sản xuất kính, dầu FO dùng để đốt lò nấu thủy tinh là một trong những chi phí chính trong giá thành sản phẩm. Hiện nay, do giá dầu thế giới giảm, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu xăng, dầu lên khá cao. Riêng dầu FO, thuế suất nhập khẩu đến 35%.
Hiệp hội Kính xây dựng cho biết, với mức thuế suất này, ngành sản xuất kính phải mua dầu với giá cao hơn 30% so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh, khiến nhiều công ty phải phá sản.
Cùng với tăng thuế nhập khẩu nhiên liệu, việc tăng giá điện cùng với chính sách áp dụng mức giá gấp đôi vào giờ cao điểm buổi sáng cũng làm đội chi phí sản xuất và triệt tiêu hiệu quả của chương trình bù lãi suất.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com